Mở thêm trường thành viên: Tiền đề của đại học đa ngành

Minh Quang 08/12/2021 08:30

Những năm gần đây, việc mở thêm nhiều trường đại học (ĐH) trong các ĐH lớn đang là xu thế. Đây là tiền đề để chuẩn bị thành lập ĐH đa ngành, nếu thành công sẽ hình thành một mô hình quản trị ĐH mới ở Việt Nam.

Hướng tới đại học đa ngành

ĐH Quốc gia Hà Nội vừa thành lập thêm Trường Quốc tế, Trường Quản trị và Kinh doanh trên cơ sở tổ chức lại hai khoa tương ứng.

Theo quyết định, hai trường nói trên là đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học; tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, có con dấu và tài khoản riêng để giao dịch; được tổ chức và hoạt động theo các quy định của pháp luật, quy chế về tổ chức và hoạt động của ĐH Quốc gia và các cơ sở giáo dục ĐH thành viên do Thủ tướng Chính phủ ban hành; và quy chế về tổ chức và hoạt động của trường do Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội ban hành. Như vậy, hiện ĐH Quốc gia Hà Nội có 8 trường ĐH thành viên do Thủ tướng ký quyết định thành lập, 2 trường kể trên do Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội ký quyết định thành lập; 2 khoa trực thuộc, 7 viện nghiên cứu, 2 trung tâm đào tạo và nghiên cứu, 16 đơn vị phục vụ.

Trước đó ít lâu, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố quyết định thành lập 3 trường gồm: Trường Cơ khí (trên cơ sở tổ chức lại Viện Cơ khí, Viện Cơ khí động lực và Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt - Lạnh); Trường Điện - Điện tử (trên cơ sở tổ chức lại Viện Điện, Viện Điện tử Viễn thông và Viện Nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng và Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (trên cơ sở tổ chức lại Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông).

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Đây là hướng phát triển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành ĐH Bách khoa Hà Nội. Việc thành lập trường thuộc trường sẽ tăng quyền tự chủ cho các đơn vị. Tuy nhiên, khác với các trường ĐH thành viên trực thuộc ĐH Quốc gia hay ĐH vùng, những trường thuộc Trường ĐH Bách khoa không có tư cách pháp nhân, nên việc cấp bằng tốt nghiệp vẫn do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện.

Theo kế hoạch trong vòng 5 năm tới, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ định hướng trở thành ĐH. Trong cơ cấu sẽ có ít nhất 3 trường thành viên là Trường Kinh tế, Trường Kinh doanh và Trường Khoa học công nghệ. Theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân: Trước khi thực hiện tự chủ, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã đào tạo đa ngành. Xu thế phát triển đa ngành càng được củng cố khi nhà trường thuộc nhóm trường đầu tiên được hưởng cơ chế tự chủ toàn diện, nhất là về đào tạo, học thuật.

Tự chủ, nâng “chất” trong đào tạo

Theo các chuyên gia giáo dục, việc phát triển từ trường ĐH thành ĐH là chủ trương đúng và là xu hướng tất yếu. Khi đó, người học sẽ được hưởng nhiều lợi ích và cơ sở giáo dục ĐH sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu lớn. Tuy nhiên, để trường ĐH trở thành ĐH không thể tùy tiện, mà cần đáp ứng các tiêu chí và điều kiện cụ thể.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: Trở thành ĐH đa lĩnh vực, tính hiệu quả sẽ cao hơn, phát huy được sức mạnh tổng hợp từ nguồn lực giảng viên cho đến cơ sở vật chất... Từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng quy mô đào tạo, đáp ứng theo yêu cầu của xã hội. Việc phát triển từ trường ĐH thành ĐH sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu lớn. Trên thế giới, những trường ĐH được xếp thứ hạng cao đều trở thành ĐH đa lĩnh vực.

Theo ông Khuyến, có hai con đường để phát triển thành ĐH đa lĩnh vực: Hợp nhất các trường chuyên ngành lại với nhau; sau đó tổ chức sắp xếp lại thành ĐH đa lĩnh vực. Cách khác, từ bản thân các trường đó phát triển thành ĐH đa lĩnh vực. Trở thành ĐH đa lĩnh vực, mô hình quản trị sẽ hiệu quả, hệ thống vận hành trơn tru hơn, đồng thời sẽ tối ưu hóa nguồn lực; do đó, người học hưởng lợi cả trực tiếp và gián tiếp.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phân tích, có 3 yếu tố cơ bản và điều kiện để tạo ra xu hướng thành lập trường trong trường. Đó là xu hướng trao quyền và phân cấp trách nhiệm với mô hình quản lý linh hoạt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học; đổi mới mô hình để nghiên cứu, sáng tạo hơn trong giáo dục; và xu hướng mở rộng lĩnh vực của các trường ĐH lớn. Xu hướng thành lập trường trong trường sẽ có tác động tốt vì khi phân cấp, phân quyền nhiều hơn, vai trò chủ động sáng tạo ở cấp dưới tăng lên, tạo động lực phát triển tới từng giảng viên.

Dẫu thế, trước xu thế nhiều trường ĐH của Việt Nam đang hướng tới trở thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, TS Phạm Hiệp - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển giáo dục Edlab Asia cho rằng, ĐH đa ngành, đa lĩnh vực là phương tiện, không phải là mục tiêu để các trường phấn đấu. Chất lượng nghiên cứu, tỷ lệ việc làm sinh viên… mới là mục tiêu cần nâng tầm giá trị.

Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH có nêu điều kiện để chuyển trường ĐH thành ĐH: Trường ĐH đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở GDĐH bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; Có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH được thành lập theo quy định tại Khoản 4 Điều này; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường ĐH công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường ĐH tư thục, trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở thêm trường thành viên: Tiền đề của đại học đa ngành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO