Mobile Money kích hoạt: Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

H.Hương 03/12/2021 07:39

3 nhà mạng lớn tại Việt Nam là VinaPhone, MobiFone và Viettel đã được cấp phép thí điểm triển khai Mobile Money (tiền điện tử). Vậy dịch vụ này sẽ được sử dụng ra sao? Thanh toán không tiền mặt khu vực nông thôn sẽ được cải thiện như thế nào?

Thông tin từ nhà mạng

Dịch vụ Mobile money triển khai trên nền tảng công nghệ cao, có phạm vi áp dụng trên toàn quốc, kỳ vọng sẽ hút lượng người dùng lớn, do vậy yêu cầu cao về an ninh, an toàn bảo mật dịch vụ và dữ liệu người dùng. Khác với các loại dịch vụ thanh toán khác (ví điện tử, thẻ ngân hàng), Mobile money không cần có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ và cũng không phải liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng. Song vì vậy việc xác thực thông tin thuê bao, định danh khách hàng là yếu tố bắt buộc.

Theo khẳng định từ các nhà mạng, khi chủ thuê bao có thông tin chính xác sẽ được sử dụng Mobile money. Đại diện VNPT cho biết đã chính thức được cung cấp dịch vụ từ ngày 25/11 vừa qua, VNPT đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ thanh toán trên tất cả các nền tảng online, offline. Người dùng có thể thao tác đăng ký và sử dụng VNPT Mobile money trên cả điện thoại phổ thông, thông qua lệnh trên bàn phím thoại (giao thức USSD), tin nhắn SMS hoặc thông qua ứng dụng VNPT Pay (trên điện thoại thông minh).

Đại diện VNPT cho biết, để đăng ký sử dụng dịch vụ VNPT Mobile money, người dùng có thể đăng ký trực tiếp tại điểm giao dịch hoặc tự đăng ký trên điện thoại phổ thông hoặc điện thoại thông minh. Hiện nay đã có hơn 10.000 thuê bao đăng ký tài khoản sử dụng dịch vụ này.

Trong khi đó với Viettel, hệ sinh thái Tài chính số Viettel money chính thức được triển khai từ ngày đầu tiên tháng 12 với toàn bộ khách hàng đang sử dụng mạng di động Viettel trên toàn quốc. Muốn sử dụng Mobile money, người dùng phải có thông tin thuê bao chính chủ và sử dụng dịch vụ viễn thông liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề.

Còn theo MobiFone, sẽ triển khai cung cấp dịch vụ trên hệ thống hơn 600 cửa hàng, điểm giao dịch của MobiFone trên toàn quốc. Sau đó sẽ mở rộng ra toàn bộ hệ thống hơn 10.000 điểm giao dịch thông qua các đối tác, đại lý.

Theo ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), những thuê bao muốn được cung cấp dịch vụ Mobile money phải có thông tin chính xác theo đúng quy định. Mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile money tại mỗi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Nhà mạng thực hiện thí điểm phải chịu trách nhiệm định danh khách hàng (KYC) sử dụng Mobile money. Bên cạnh đó, nhà mạng cũng cần có quy trình xác thực đối với mỗi giao dịch của tài khoản Mobile money; xây dựng phương án quản lý đối với trường hợp một cá nhân sử dụng nhiều tài khoản Mobile money. Ngoài ra, phải có biện pháp nhằm hạn chế, loại bỏ tình trạng SIM có thông tin không chính xác, không đầy đủ trên thị trường.

Kỳ vọng lớn

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, trong cả hai quyết định về Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, Mobile money được xem là giải pháp nhằm triển khai dịch vụ tài chính, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa...

Ông Dũng cũng cho rằng việc triển khai thí điểm Mobile money sẽ góp phần tạo thêm một bước cho quá trình thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Nếu 3 năm trước, rất nhiều ngân hàng thương mại nói đến câu chuyện về mở và sử dụng tài khoản thanh toán định danh điện tử (eKYC), thì nay đã có quy định. Và eKYC được xem là “chìa khóa vàng” thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng, tạo điều kiện cho mọi người dân có thể mở tài khoản thanh toán ở bất cứ đâu.

Đánh giá việc triển khai Mobile money, TS Lại Thị Thanh Loan (Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV) cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các phương thức thanh toán điện tử được sử dụng ngày càng rộng rãi. Các hình thức mới như ví điện tử ngày càng được ưa chuộng. Hơn nữa, dịch vụ Mobile money là cơ hội để “kích” tài chính toàn diện ở nông thôn.

“Với ưu điểm người dùng không cần phải có tài khoản ngân hàng nên dịch vụ Mobile money có thể giúp tăng cường tiếp cận và sử dụng dịch vụ chuyển tiền, thanh toán không dùng tiền mặt phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân, ưu tiên những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa” - bà Loan nhận định.

Sự phát triển của công nghệ, nhất là việc ứng dụng eKYC, mở tài khoản trực tuyến, hệ thống đại lý ngân hàng… được coi là điều kiện thuận lợi để fintech, Mobile money đẩy mạnh tiếp cận thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phát triển hết sức thận trọng, nhất là khi nhận thức của người dân nông thôn về dịch vụ tài chính chưa cao, trong khi các nguy cơ Mobile money, các ví điện tử… bị lợi dụng lừa đảo là rất lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mobile Money kích hoạt: Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO