'Mỗi người dân là một cảm biến xã hội'

Hữu Nguyên 02/07/2016 00:15

“Phải làm sao để mỗi người dân là một cảm biến xã hội”- GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ít lần trăn trở về điều này mỗi khi đề cập tới việc xây dựng chính quyền hiện đại vì mục tiêu phụng sự đất nước và phục vụ nhân dân.

Thành phố bên sông Hàn. Ảnh: Hoàng Long.

Phát biểu với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế hồi đầu tháng 12 năm ngoái, hơn nửa năm trước khi thành phố Huế được công nhận danh hiệu “Thành phố xanh quốc gia” do Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Thế giới bầu chọn hôm 28/6, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã từng ghi nhận những nỗ lực và quyết tâm của tỉnh Thừa Thiên - Huế, đánh giá cao lãnh đạo địa phương đã quan tâm đẩy mạnh việc xây dựng đô thị thông minh.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng “xây dựng đô thị thông minh chính là con đường để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh của thế kỷ 21”. Ông cũng nhấn mạnh chính người dân phải đóng vai trò như một “cảm biến xã hội” khi vừa là người phát hiện vấn đề, người cung cấp giải pháp và là người nêu sáng kiến xử lý vấn đề góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống công quyền.

Thành phố Huế nay đã được vào “Top 17 thành phố xanh” năm 2016 trên toàn thế giới, với Paris- “kinh đô ánh sáng” của Pháp- dẫn đầu. Điều đó cho thấy định hướng, quy hoạch xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, coi trọng vai trò của người dân như là chủ thể của mọi chính sách, mỗi hoạt động của hệ thống là một chủ trương có tầm chiến lược. Do vậy, quá trình thực hiện cũng cần được chuẩn bị công phu với từng giai đoạn, từng lộ trình cho những mục tiêu phù hợp.

Kinh nghiệm từ các nước, Việt Nam cần phát triển đô thị thông minh với các mục tiêu: hiệu quả kinh tế ngày càng cao; môi trường sống ngày càng tốt hơn; người dân được phục vụ tốt hơn, được tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền với vai trò chủ thể.

Mới đây, làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục gợi ý địa phương này có đủ các điều kiện để triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh với đòi hỏi trước hết phải làm sao để mỗi người dân là một “cảm biến xã hội”.

Trên thực tế, để chuẩn bị cho việc triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh, từ lâu Đà Nẵng đã phát triển một cách đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, viễn thông. Cụ thể, 7 năm liên tục (2009-2015) Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Hiện Đà Nẵng đã và đang triển khai mô hình chính quyền điện tử cho nhiều địa phương.

Mô hình đô thị thông minh được cho là sẽ giải quyết hiệu quả các vấn đề đang tồn tại ở nhiều đô thị hiện tại như hạ tầng lạc hậu, quá tải; đòi hỏi của người dân về việc gia tăng chất lượng cuộc sống; tăng cường khả năng tương tác và điều tra xã hội về sự hài lòng của người dân, chất lượng phục vụ của hệ thống công quyền…. Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, ngoài vấn đề hạ tầng, kỹ thuật, muốn triển khai tốt đề án đô thị thông mình thì phải làm sao để “mỗi người dân phải là một cảm biến xã hội”.

Xuất phát từ quan điểm, chất lượng phục vụ của hệ thống công quyền phải lấy sự hài lòng của dân làm thước đo, đòi hỏi hệ thống phải dược thiết kế và vận hành trong mối quan hệ chặt chẽ, tương tác cao với người dân được mặc định giữ vai trò chủ thể. Hệ thống phải có khả năng tạo điều kiện cho mỗi người dân được thực hiện quyền giám sát, đóng góp ý kiến nhằm hoàn chỉnh, xây dựng hệ thống công quyền hoạt động hiệu quả, phục vụ dân ngày càng tốt hơn.

Với vai trò chủ thể, tới lượt mình người dân cũng cần được trang bị các kiến thức và nhận thức cơ bản về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Mỗi người dân không chỉ tham gia vào công cuộc xây dựng chính quyền, phát triển xã hội với tư cách là một người dân đơn thuần mà còn phải là với tư cách một “công dân”.

Tức là không chỉ sống với trách nhiệm nhỏ trong cuộc đời mình, mà còn phải sống với tư cách một con người có nghĩa vụ đối với quốc gia, quan tâm đến các vấn đề xã hội, sự hưng vong của đất nước, vận mệnh của dân tộc.

Cụ Phan Chu Trinh khi đặt vấn đề “khai dân trí” lên hàng đầu trong khẩu hiệu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” thể hiện tư tưởng mở ra con đường chấn hưng dân tộc dưới ách thực dân Pháp, cũng là nhằm tới mục tiêu phải làm sao để mỗi người dân phải trở thành một “công dân” thực thụ.

Khi có kiến thức và nhận thức đầy đủ về các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, mỗi người dân mới có thể trở thành “một cảm biến xã hội”, giúp cho các cơ quan chức năng của hệ thống công quyền nắm bắt tín hiệu, xử lý và đưa ra các giải pháp phù hợp với mục tiêu xây dựng một hệ thống thông minh, phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước ngày càng hiệu quả hơn.

Với vai trò chủ thể, tới lượt mình người dân cũng cần được trang bị các kiến thức và nhận thức cơ bản về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Mỗi người dân không chỉ tham gia vào công cuộc xây dựng chính quyền, phát triển xã hội với tư cách là một người dân đơn thuần mà phải là với tư cách một “công dân”. Tức là không chỉ sống với trách nhiệm nhỏ trong cuộc đời mình, mà cần phải sống với tư cách một con người có nghĩa vụ quốc gia, quan tâm đến các vấn đề xã hội, sự hưng vong của đất nước, vận mệnh của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Mỗi người dân là một cảm biến xã hội'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO