Mỗi người dân sẽ là một ‘cảm biến xã hội’

Ảnh: Hoàng Long 02/12/2015 18:06

Chiều 2/12, phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về kế hoạch xây dựng, phát triển thành phố, đô thị thông minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, người dân đóng vai trò như một “cảm biến xã hội” khi vừa là người phát hiện vấn đề, người cung cấp giải pháp và là người nêu sáng kiến xử lý vấn đề.

Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, từ năm 2015, UBND TP Huế đã triển khai dự án Quy hoạch chung thành phố Huế thông minh từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc.

Dự án xây dựng thành phố thông minh thông qua ứng dụng công nghệ mới về quản lý và phương pháp kết nối các ngành công nghiệp liên quan. Mục tiêu nhằm xây dựng hệ thống quản lý đô thị tổng hợp hiệu quả; thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch văn hóa để đảm bảo tính độc lập của đô thị; xây dựng đô thị xanh thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng đô thị an toàn thông minh; xây dựng đô thị trọng điểm cho sự phát triển cân bằng trong khu vực...

Ông Thọ khẳng định, dự án hoàn thành sẽ giảm thiểu tối đa chi phí điều hành quản lý đô thị; phòng chống và đối phó kịp thời với nguy hiểm thông qua sử dụng cơ sở vật chất thông minh như truyền hình mạch kín (CCTV), cảm biến và trung tâm quản lý tổng hợp; cung cấp môi trường du lịch thuận tiện và cải thiện khả năng tiếp cận thông qua cung cấp nội dung và thông tin du lịch đa dạng đến với du khách. Cung cấp thông tin du lịch One-Stop (hệ thống du lịch trọn gói) áp dụng công nghệ cao và xúc tiến hình thành đặc thù khác biệt với quốc gia/thành phố cạnh tranh...

Thừa Thiên - Huế xác định, xây dựng đô thị thông minh (Smart city) tập trung cho khu vực đô thị Huế hướng tới đô thị có nền kinh tế thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh... ứng dụng những giải pháp CNTT tiên tiến nhất.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân góp ý về việc
xây dựng Huế thành đô thị thông minh.

Để thực hiện đô thị thông minh, Thừa Thiên - Huế đang triển khai mô hình Cổng/Trang thông tin điện tử đa cấp, đa chiều, liên thông từ xã đến tỉnh. Qua hệ thống Cổng thông tin cán bộ công chức, người dân có thể tương tác, làm việc khi truy cập hệ thống, nhận được thông tin ở mọi lúc mọi nơi. Thậm chí, môi trường mạng tập trung có thể cho phép cán bộ công chức có thể truy cập xử lý công việc mà không cần đến trụ sở…

Ghi nhận những nỗ lực và quyết tâm của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong 10 năm trở lại đây, nhất là 5 năm vừa qua trong việc chuẩn bị xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, thành phố, đô thị thông minh chính là con đường để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh của thế kỷ 21.

Hiện nay, Đà Nẵng, Phú Quốc, Huế, Hạ Long... đang có kế hoạch xây dựng, phát triển đô thị thông minh, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, nếu ứng dụng CNTT để giải quyết các vấn đề “quy hoạch, quy chế, quy trình” sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm kinh phí, thời gian.

Hiệu quả hoạt động kinh tế cũng tốt hơn do người dân, doanh nghiệp, du khách, được tiếp cận các dịch vụ công thuận lợi hơn, minh bạch hơn bởi ứng dụng CNTT. Môi trường sống cũng sẽ “xanh, sạch” hơn.

Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, lợi ích của xây dựng đô thị thông minh là quá rõ ràng, đặc biệt người dân sẽ trở thành chủ thể của đô thị thông minh khi tham gia sáng kiến xây dựng cũng như giám sát hoạt động của chính quyền, bởi tất cả được thực hiện minh bạch thông qua mạng.

“Đô thị thông minh chính là nhận diện công cụ để thực hiện các giải pháp tối ưu nhất trong quản lý xã hội, mang đến lợi ích cao nhất cho người dân, bởi chỉ cần một cái “nhấp chuột” máy tính, người dân có thể biết hết những thông tin cần thiết của các dịch vụ xã hội” người đứng đầu Mặt trận khẳng định.

Tuy nhiên, “nếu xây dựng Huế thành đô thị thông minh liệu có xa vời?”, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam đặt vấn đề và đề nghị Thừa Thiên - Huế cần có các giải pháp, lộ trình triển khai phù hợp.

Hiện nay, chỉ tính riêng 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai chiếm 5,5% diện tích và 26,4% dân số cả nước nhưng đóng góp hơn 46% GDP cả nước. Do đó, quản lý đô thị là quản lý động lực phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, sự phát triển của đô thị cũng đang đặt ra 4 vấn đề lớn hiện nay cần phải giải quyết, đó là: Đô thị hóa tăng; các vấn đề của đô thị tăng như: môi trường, giao thông, dịch vụ y tế, an toàn, nhà ở…; hạ tầng lạc hậu, quá tải; cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị, giữa các vùng tăng và những đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống như giáo dục, y tế, chính quyền.

“Thừa Thiên - Huế cần xác định rõ những thách thức đang đối đầu trong dài hạn và chọn một số việc để tiến hành giải quyết trong thời điểm trước mắt”, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, sau cuộc làm việc này, Mặt trận sẽ bàn với các bộ ngành liên quan xây dựng đề án phát triển các thành phố thông minh đến năm 2020. Đồng thời, Mặt trận cũng sẽ bàn với Bộ Xây dựng về kế hoạch xây dựng đô thị thông minh của TP Huế, phấn đấu đến tháng 3/2016, sẽ chính thức bàn về đề án này.

Dạ Yến

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỗi người dân sẽ là một ‘cảm biến xã hội’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO