Môi trường tốt nhất cho trẻ là gia đình và cộng đồng

Khanh Lê 20/09/2021 08:00

Đây là chia sẻ của ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) về chính sách chăm sóc trẻ mồ côi do ảnh hưởng dịch Covid-19 nói riêng cũng như trẻ mồ côi nói chung.

Theo ông Đặng Hoa Nam, về góc độ tiếp cận quyền trẻ em, trẻ em được chăm sóc tốt nhất là ở môi trường gia đình bởi chính cha mẹ, người thân thích. Quyền rất đặc thù của trẻ em (khác với người trưởng thành) là được sống trong môi trường gia đình và các con chỉ phát triển tốt nhất, hài hòa nhất trong môi trường gia đình, bởi chính cha mẹ và người thân thích, ruột thịt của mình… Trong trường hợp trẻ em mất đi môi trường gia đình (mất cả cha, mẹ) hoặc không thể sống với cha mẹ, thì cần cho các em một gia đình khác thay thế, để các em được chăm sóc bởi người thân thích còn lại của các em, hoặc một gia đình nhận chăm sóc các em.

Giải pháp đưa các em đến với môi trường chăm sóc tập trung như cơ sở bảo trợ xã hội, trường nội trú... chỉ là giải pháp cuối cùng, khi không thể tìm cho các em một môi trường gia đình.

Theo thống kê ảnh hưởng dịch Covid -19 đã khiến hàng nghìn trẻ rơi vào cảnh mồ côi, trong đó riêng tại TP HCM có hơn 1.500 em trong số này, có hơn 1.000 em đang học tiểu học và THCS. Trước thực tế này, Chính phủ, Bộ LĐTBXH và các địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ trẻ em chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có trẻ mồ côi.

Theo đó, có 2 chính sách hỗ trợ đó là: Hỗ trợ đột xuất theo Nghị định 68 và Quyết định 23; thứ 2 là chính sách hỗ trợ, trợ giúp lâu dài theo Nghị định 20.

Cụ thể, Nghị định 20 của Chính phủ có quy định nếu trẻ em mồ côi không có nguồn nuôi dưỡng, được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng là 900.000 đồng với trẻ dưới 4 tuổi và 540.000 đồng/tháng đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, khi sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thì trẻ mồ côi còn được hỗ trợ tiền ăn; chi phí điều trị trong trường hợp không có thẻ bảo hiểm y tế; chi phí đưa về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.

Cùng với 2 chính sách hỗ trợ trên, Bộ LĐTBXH đã có quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng/trẻ em mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do Covid-19. Trước đó, từ tháng 7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68 và Quyết định 23, trong đó có quy định hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em phải cách ly tập trung.

Để hỗ trợ trẻ em ổn định tâm lý, Cục Trẻ em đã chỉ đạo địa phương tăng cường hỗ trợ theo dõi chăm sóc trẻ mồ côi, nhằm kịp thời phát hiện các dấu hiệu sang chấn để tư vấn. Ngoài Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, các địa phương, người chăm sóc trẻ có thể kết nối để được hỗ trợ tư vấn với các nhóm thiện nguyện như đường dây nóng 1900636700, do các chuyên gia đầu ngành làm dịch vụ hỗ trợ trẻ em. Dịch vụ này, được duy trì từ 8h - 22h hằng ngày.

“Chúng tôi đánh giá cao các doanh nghiệp, tổ chức có chương trình hỗ trợ, các dự án dài hơi chăm sóc trẻ em mồ côi. Tuy nhiên, tất cả sự trợ giúp, hỗ trợ cho trẻ em cho dù đó là chính sách của Nhà nước hay là của các cá nhân, tổ chức thiện nguyện thì trước hết đều phải xuất phát dựa trên những nguyên tắc về quyền trẻ em và lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trẻ em chỉ có thể phát triển tốt nhất trong môi trường gia đình. Khi các em mất môi trường gia đình, mất cha mẹ không có sự chăm sóc đầy đủ của cha mẹ thì sẽ tìm kiếm sự chăm sóc từ người thân (Luật Trẻ em)” - ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Môi trường tốt nhất cho trẻ là gia đình và cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO