Căng mình trong bão số 3

V.Hà - A.Tuấn 03/08/2019 21:00

4h sáng 3/8, bão số 3 (tên quốc tế: Wipha) đã đổ bộ vào Quảng Ninh gây mưa to, gió giật mạnh và sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Bão tan, nhưng hoàn lưu áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn và diễn biến phức tạp.

Nhiều nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Còn tại các tỉnh/thành phố Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thanh Hóa… mưa rất lớn, kéo dài trong suốt ngày 3/8. Dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, mưa lớn vẫn tiếp tục trong ngày mai (4/8).

* Mưa lớn kéo dài khắp Bắc Bộ, Thanh Hóa: 11 người mất tích

Căng mình trong bão số 3

Nhà dân bản Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa) bị gió mạnh phá hủy.

Quảng Ninh, Hải Phòng: Mưa to gió lớn, nhiều nơi bị ngập sâu

4h sáng ngày 3/8, tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng; sức gió mạnh nhất cấp 7 (40 đến 50 km/h), giật cấp 8, sau đó tiến sâu vào khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

Là nơi tâm bão đi qua, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ninh, bão số 3 đã khiến 136 hộ thuộc 4 bản: Bản Buông, Bắc Cương Khe Ngà, Khe Liềng, Khe Lẹ của xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên bị cô lập; một vài điểm trên quốc lộ 279 bị sạt lở với khối lượng đất đá khoảng 35m3 và 1 thuyền bị đắm trên sông Tiên Yên.

Còn tại thành phố Móng Cái có gió cấp 7, mưa to đến 200 mm. Mưa lớn đã khiến một số tuyến đường của thành phố ngập úng cục bộ, nhiều cây xanh gãy đổ. Từ đêm 2 đến sáng 3/8, tại một số địa phương như: TP Móng Cái, Ba Chẽ, Đông Triều, Uông Bí xuất hiện mưa lớn, khiến lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, nhiều đoạn chảy qua TP Móng Cái ngập sâu, lực lượng chức năng và người dân phải căng mình chống lũ. Trên tuyến đường bao sông Ka Long (phường Ka Long, TP Móng Cái), nước lũ dâng cao khiến nhiều nơi ngập lụt, người ta không còn nhận ra đâu là mặt sông, đâu là mặt đường. Nhiều điểm bờ kè sông Ka Long phía đường Hữu Nghị có nguy cơ sạt lở.

Lo nhất của lãnh đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là mưa lớn kéo dài trong những ngày tới gây ngập lụt và lũ trên các sông, suối trên địa bàn.

Nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 3, sáng 3/8 Hải Phòng có mưa to kèm gió lớn. Ngay tại một số khu vực trung tâm của thành phố, gió cũng giật rất mạnh. Các quận, huyện ven biển như Đồ Sơn, Cát Hải có gió giật cấp 7, cấp 8. Mưa to, gió lớn khiến nhiều tuyến phố chính bị ngập, nhiều cây xanh bị gãy đổ. Khoảng 80.000 người dân mất điện do ảnh hưởng của bão.

Căng mình trong bão số 3 - 1

Cảnh tan hoang do mưa lũ gây ra tại Quan Sơn (Thanh Hóa).

Thanh Hóa: Nước trên sông Luồng gầm gào như thác đổ

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn một số huyện vùng cao Thanh Hoá đang bị cô lập. Hàng chục ngôi nhà của người dân xã biên giới Na Mèo, huyện Quan Sơn bị lũ cuốn trôi. Hàng chục người dân mất tích, hiện chưa có thông tin. Đến 17 giờ ngày 3/8, nước lũ từ bên kia biên giới giáp ranh với nước bạn Lào vẫn gầm gào trên con sông Luồng như thác đổ khiến công việc cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.

Có mặt tại địa bàn xã biên giới Na Mèo vào sáng sớm ngày 3/8, chúng tôi tận mắt chứng kiến nước trên dòng sông Luồng đang gầm gào đổ về phía hạ lưu. Ông Phạm Văn Tiệu - Chủ tịch UBND xã Na Mèo khẳng định: Nước lũ lớn chưa từng xảy ra tại địa phương ở nơi cửa khẩu quốc tế này, nước gầm gào đổ về như muốn xé toang cả cánh rừng dọc hai bên tả hữu con sông. Nước lũ cuốn theo nhiều nhà cửa và cả con người.

Anh Lê Quang Châu, một người dân xã Na Mèo cho biết: Lũ rất khủng khiếp, nhà cửa trong bản Xa Ná, bản Son cũng cuốn trôi theo dòng lũ. 7h30 sáng ngày 3/8, giữa dòng nước lũ trên sông Luồng, đoạn chảy qua xã Na Mèo một số người đang bám trụ vào bụi luồng, bụi cây giữa dòng lũ. Trong khi nước từ thượng nguồn cứ vậy tuôn về, cuộn lên từng đợt sóng cao tới 5-7m.

“Nhìn thấy người nhưng chúng tôi không có cách nào ra cứu bởi những con sóng cao 5-7 mét như muốn nuốt trôi tất cả. Phải tới khoảng 15 giờ cùng ngày, một thanh niên với sự hỗ trợ của lực lượng chức năng, đã dũng cảm bơi ra cứu được hai ông, bà cụ vào bờ an toàn”- anh Châu nói.

Được cứu sống, ông Lương Văn Chon, bản Xa Ná, xã Na Mèo vẫn chưa hoàn hồn kể rằng: Nhà ông ở gần con suối Son, tối hôm trước mưa lớn đổ về nhưng ông không nghĩ nước lũ lại dâng nhanh đến vậy. “Rạng sáng ngày 3/8, khi cả gia đình đang ngủ, tôi nghe ào một tiếng, chưa kịp hiểu điều gì xảy ra thì dòng nước lũ cuốn tôi trôi ra con sông Luồng. Rất may tôi bám được vào bụi cây”- ông Chon tâm sự.

Tại hiện trường, ông Nguyễn Ngọc Tiến- Bí thư Huyện uỷ huyện Quan Sơn cho biết: Trên địa bàn 7 xã đang có 17 bản bị cô lập hoàn toàn. Thiệt hại nặng nề nhất xảy ra tại xã biên giới Na Mèo. Hiện tại đã cứu được 6 nạn nhân, còn 11 người mất thông tin liên lạc. 24 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn. Quan Sơn đã phải di dời khẩn cấp 8 hộ dân với 33 khẩu.

Hiện tại, cấp uỷ, chính quyền huyện Quan Sơn với sự hỗ trợ của các đơn vị đã trực tiếp xuống địa bàn các xã, thị trấn, thôn, bản để tập trung chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa, lũ. Huy động lực lượng công an, quân sự từ huyện đến cơ sở bám sát địa bàn 24/24h để có phương án ứng cứu kịp thời. Song tại thời điểm này, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận những bản bị cô lập.

Trong diễn biến liên quan, tại huyện Mường Lát đã có 13 điểm sạt lở trên những cung đường qua các xã Trung Lý, Nhi Sơn, Pù Nhi đến thị trấn Mường Lát và một điểm tại xã Tén Tằn. Tình trạng này khiến tuyến giao thông huyết mạch từ miền xuôi lên huyện miền núi này bị tê liệt. Cũng do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 đã khiến anh Vàng A Lâu (SN 1986, Trưởng bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát thiệt mạng do đá từ trên đồi lăn xuống trúng vào người. Chính quyền huyện Mường Lát cũng đã phải di dời 8 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm thuộc các xã Tam Chung, Nhi Sơn và thị trấn Mường Lát đến nơi an toàn.

Căng mình trong bão số 3 - 2

Công nhân Điện lực Kim Thành (Hải Dương) dầm mình trong mưa bão để khắc phục sự cố lưới điện.

Đề phòng hoàn lưu bão

Dù bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia vẫn cảnh báo, ngày 4/8 vịnh Bắc Bộ vẫn có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; sóng biển cao 2-3 m, biển động mạnh. Ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh cấp 6, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa gió cấp 4-5, giật tăng hai cấp. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to, riêng đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An mưa rất to.

Tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới diễn ra sáng 3/8 tại Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đã nhấn mạnh: các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai nghiêm túc nội dung Công điện số 9/CĐ-TWPCTT ngày 2/8 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong đó tập trung việc tăng cường lực lượng trực ban phòng chống bão, lũ; chủ động, sẵn sàng tổ chức các đoàn công tác xuống địa bàn để chỉ đạo ứng phó với mưa, lũ.

Các địa phương tuyến biển theo dõi diễn biến áp thấp nhiệt đới để quyết định bỏ lệnh cấm biển; khôi phục đời sống, sản xuất của nhân dân; kiểm tra các công trình ven biển, phát hiện và khắc phục kịp thời các hư hỏng do bão gây ra. Chủ động vận hành hồ chứa để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du; kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; nhất là các công trình đang thi công; triển khai phương án chống ngập úng tại đô thị; rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trên khu vực tỉnh Sơn La và Hòa Bình đang có mưa vừa, có nơi mưa to. Cảnh báo: Đêm ngày 3, rạng sáng 4/8 lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra tại các huyện Yên Châu, Phù Yên, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Vân Hồ, Sông Mã, Sốp Cộp (Sơn La); Lạc Thủy, Lương Sơn, Cao Phong, Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Kỳ Sơn (Hòa Bình).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căng mình trong bão số 3

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO