Đồng bằng sông Cửu Long: Đối diện thách thức - Bài cuối: Giải pháp nào để ứng phó?

Quốc Trung 09/08/2019 08:00

Trước những tác động theo chiều hướng xấu của biến đổi khí hậu đang làm cho thiên tai diễn biến phức tạp ở ĐBSCL, đòi hỏi chính quyền, ngành chức năng cần sớm nghiên cứu, triển khai các giải pháp phù hợp, hạn chế tối đa các thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đồng bằng sông Cửu Long: Đối diện thách thức - Bài cuối: Giải pháp nào để ứng phó?

An Giang đang huy động khối lượng cát lớn để lấp vào hố sạt lở ngày 1/8.

Làm gì khi không ngăn được sạt lở?

Lịch sử hình thành vùng ĐBSCL là do phù sa, cát sông Mê Kông bồi đắp trong 6.000 năm qua. Tuy nhiên, khoảng 25 năm nay (từ 1992 trở về đây), sạt lở ngày càng gia tăng, bên cạnh đó vẫn có quá trình bồi, đắp nhưng không đáng kể. Từ 2005, đường bờ biển ĐBSCL đã chuyển từ tình trạng bồi lấn sang tình trạng sạt lở, thụt lùi. Hiện nay khoảng 66%, tức hơn một 1/2 chiều dài bờ biển đang sạt lở, có nơi mỗi năm thụt lùi đến 50m, bờ sông thì sạt lở khắp nơi kể cả sông lớn, sông nhỏ, diễn ra trên diện rộng và không còn bình thường.

Nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở là do thiếu cát, phù sa vì các đập thủy điện chặn lại và do khai thác cát trên sông không riêng gì ở Việt Nam mà tất cả các quốc gia nằm trên lưu vực sông Mekong như Thái Lan, Lào, Campuchia. Theo số liệu của Ủy hội Mekong quốc tế so sánh giữa 1992 và 2014, tải lượng phù sa mịn của sông Mekong đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn/năm.

Ths Nguyễn Hữu Thiện, chuyên nghiên gia cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cũng đồng tình với quan điểm này khi xác định: “Nguyên nhân gốc rễ của sạt lở bờ sông là do thiếu phù sa và thiếu cát”.

Ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng: “Những việc trước mắt cần làm để hạn chế thiệt hại tài sản, tính mạng người dân gồm 3 nhóm giải pháp: Chỉ xây dựng công trình bảo vệ ở những nơi xung yếu như thành phố, những nơi tập trung dân cư cần phải tuyệt đối bảo vệ; đối với những vùng ven sông ở nông thôn, thưa dân cư thì cần chủ động di dời người dân khỏi những nơi có nguy cơ cao; quản lý, quy hoạch khai thác cát theo tinh thần liên kết vùng, liên tỉnh vì khai thác cát ở một nơi sẽ ảnh hưởng toàn bộ dòng sông ở phía dưới và toàn bộ bờ biển”.

“Đối với việc xây dựng công trình phải hết sức cân nhắc bởi rất đắt đỏ, chi phí 1km bờ kè có thể lên đến 100 tỉ đồng. Đây là một khoản kinh phí quá lớn và cũng khó có thể chạy theo kịp tình hình sạt lở được vì khi làm bờ kè chống sạt lở nơi này thì sẽ làm gia tăng sạt lở nơi khác, cần chi phí duy tu bảo dưỡng. Chưa dừng lại ở đó, công trình có thể tạo cảm giác an toàn giả, người dân thấy an tâm xây dựng ra sát bờ kè, khi bờ kè sụp đổ sẽ thiệt hại lớn hơn” - Ths Nguyễn Hữu Thiện khuyến cáo.

Chủ động ứng phó

Hiện các địa phương bằng cách này hay cách khác đang chủ động ứng phó với thiên tai ngày càng phức tạp. Tỉnh Bến Tre thông tin đã chỉ đạo cho các huyện và các sở ngành mở cuộc vận động toàn dân trữ nước mưa phục vụ cho sinh hoạt, để dành xài những tháng mùa khô tránh, lặp lại trường hợp như đợt hạn năm 2016.

Tin rất vui cho người dân tỉnh Bến Tre nói chung và huyện Ba Tri nói riêng là mới đây ngày 3/8, hồ chứa nước ngọt được đầu tư ở huyện Ba Tri với số tiền 85 tỉ đồng đã đi vào hoạt động. Hồ chứa nước ngọt có chiều dài 7 km, có sức chứa hơn 800.000 m3 nước, đủ để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong khoảng 6 tháng mùa khô cho khoảng 200.000 người dân, hơn 13.000 ha đất nông nghiệp tại 24 xã, thị trấn của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Còn tỉnh Sóc Trăng ngành chức năng đã chủ động triển khai nạo vét toàn bộ hệ thống kênh mương nhằm trữ nước, phục vụ sản xuất lúa hè thu muộn và rau màu của bà con. Ngoài ra, Sóc Trăng cũng đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí cho địa phương đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa hệ thống đê bao ven biển, ven sông.

Thành phố Cần Thơ cũng đang gấp rút triển khai các dự án quy hoạch tài nguyên nước; điều tra cơ bản tài nguyên nước; lập danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn thành phố đi vào nền nếp, hiệu quả.

Ths Nguyễn Hữu Thiện hiến kế về giải pháp lâu dài cho ĐBSCL: “Về lâu dài, để tăng cường sức chống chịu của ĐBSCL, cần khôi phục không gian của dòng sông, để nước có thể vào lại ruộng đồng, bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ lúa trong mùa lũ ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Khi lũ vào được hai vùng này, vùng phía dưới sẽ bớt ngập, không còn đê bao khép kín, nước có thể vào vườn, như vậy sang mùa khô đồng bằng sẽ bớt khô hạn và xâm nhập mặn sâu. Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã chỉ rõ sản lượng lúa không còn là ưu tiên mà chất lượng mới quan trọng. Còn vùng ven biển nên chuyển sang hệ canh tác mặn, không nên cố ngọt hóa để canh tác lúa khắp nơi nữa”.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ, khuyến cáo: “Người dân vùng ĐBSCL cần phải thay đổi mô hình sản xuất cho phù hợp bằng việc tiết kiệm nước trong sản xuất. Chuyển dần canh tác lúa từ 2 đến 3 vụ sang những hình thức canh tác đa canh trên cả 3 vùng sinh thái nước ngọt, nước lợ và nước mặn, tạo giá trị lợi nhuận cao hơn. Bên cạnh đó, phải ngưng ngay việc mở rộng diện tích đê bao, chỗ nào làm lúa không còn hiệu quả thì dần dần mở, bỏ đê bao; điều chỉnh lịch thời vụ; đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra các giống cây con mới có thể chịu đựng được khô hạn, nhiễm mặn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: Đối diện thách thức - Bài cuối: Giải pháp nào để ứng phó?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO