Nắng nóng kéo dài, nhiều nơi thiếu nước

Nhóm PV 29/07/2019 08:00

Thời gian qua, nắng nóng gay gắt kéo dài ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đã làm lưu lượng nước về và dung tích trữ nước tại các hồ thủy điện thiếu hụt. Cùng với đó là hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống sinh hoạt của người dân.

Nắng nóng kéo dài, nhiều nơi thiếu nước

Hồ thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương, Nghệ An) khô cạn.

Nhiều hồ đang ở mực nước chết

Tại thời điểm này, nhiều hồ thủy điện ở miền Trung đang trong tình trạng xấp xỉ mực nước chết gây ảnh hưởng lớn cả về phát điện và xả nước phục vụ dân sinh.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối tháng 7, tổng lượng nước đang tích trong các hồ thủy điện chỉ còn 6,22 tỷ m3. Lượng nước thiếu hụt so với mức nước dâng bình thường là 29,37 tỷ m3, tương ứng sản lượng điện 12,49 tỷ kWh. So với cùng kỳ năm 2018, tổng thể tích nước trong tất cả các hồ thủy điện thấp hơn 7,46 tỷ m3, tương ứng với sản lượng phát từ thủy điện thấp hơn cùng kỳ năm 2018 lên tới 3,38 tỷ kWh.

Đáng chú ý, mực nước ở hồ thủy điện Sông Tranh (Quảng Nam) đã thấp hơn mực nước chết (9,32m). Trong khi đó, các hồ Trung Sơn; Sông Bung 2; Sông Bung 4; Sông Tranh 2; Vĩnh Sơn B; Sông Ba Hà; Kanak; Buôn Tua Srah; Đồng Nai 3; Thác Mơ; Hàm Thuận; Đa Ninh; Bắc Hà; Sông Côn 2A; Bản Vẽ… mực nước cũng đều xuống rất thấp. Điều đáng nói, đây lại là thời điểm chính vụ mùa mưa.

Cụ thể, tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, hồ Quảng Trị mực nước thấp hơn 9,32m; hồ Sông Bung 2 thấp hơn 2,94 m; hồ Vĩnh Sơn B thấp hơn 4,34m; hồ Pleikrông thấp hơn 5,42m; hồ Ialy thấp hơn 9,32m; hồ Sê San 4 thấp hơn 3,46 m; hồ Kanak thấp hơn 6,87m; hồ Buôn Tua Srah thấp hơn 4,29m; hồ Hàm Thuận thấp hơn 7,24m; hồ Đăk Mi 3 thấp hơn 3m; hồ Đăk Mi 4A thấp hơn 2m; hồ Đam Bri thấp hơn 5,28m…

Như vậy có thể thấy, khu vực miền Trung-Tây Nguyên sẽ còn tiếp tục thiếu nước sinh hoạt cũng như phục vụ sản xuất, cho dù thời tiết có dịu hơn và mưa nhiều hơn. Nhưng đáng tiếc, tình hình nắng nóng được dự báo vẫn tiếp tục, khiến cho lượng dòng chảy trên các sông tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Tại nhiều địa phương, nắng nóng, thiếu nước đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân. Ngay như tại xã đảo Cù lao Chàm (Quảng Nam) - nơi được cho là dồi dào nước ngọt thì nguồn nước dự trữ duy nhất tại hồ ở Bãi Bìm cũng cạn trơ đáy. Còn người dân phố cổ Hội An mỗi buổi sáng phải lo chạy đi… tìm nước. Người dân sống ở khu vực dẫn vào khu du lịch Mỹ Sơn cho biết, nhiều gia đình đã khoan giếng sâu gần 60m để tìm nước.

Tại đảo Bé, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, người dân cũng thiếu nước ngọt, trong khi trời nóng như nung. Người dân phải mua nước ngọt từ đảo Lớn (Lý Sơn) với số tiền trên 1,2 triệu đồng/m3 (bao gồm công vận chuyển bằng tàu và xe ba gác từ biến cảng về nhà). Mức chi phí cho một khối nước như vậy là quá lớn, vượt quá khả năng tài chính của bà con trên đảo. Cũng tại Quảng Ngãi, người dân xã Nghĩa Thắng (huyệnTư Nghĩa) cho biết, hơn 30 năm qua chưa khi nào giếng nước lại rơi vào tình trạng khô cạn như mùa hè năm nay. Kể từ cuối tháng 4, nhiều hộ dân đã phải thuê người đào giếng với chi phí khá cao, nhưng nhiều khi vẫn không có nước. Có gia đình phải thuê thợ khoan sâu tới 90m để tìm nước.

Đối với tỉnh Phú Yên, nắng nóng cũng khiến nhiều khu vực thiếu nước trầm trọng, đặc biệt là vùng núi bao gồm các xã Phước Tân, Cà Lúi, Ea Chà Rang, Krong Pa (huyện Sơn Hoà); thị trấn Hai Riêng, Ea Bar, Ea Lâm (huyện Sông Hinh)…

Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn vẫn tiếp diễn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, tình hình nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn ở miền Trung còn kéo dài.

Ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, khu vực Trung Bộ do nắng nóng và thiếu hụt lượng mưa trong thời gian dài, mực nước trên một số lưu vực sông đã xuống thấp nhất lịch sử, mực nước một số hồ chứa xuống dưới mực nước chết. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra tại một số địa phương ở khu vực này, tập trung tại các tỉnh từ Nghệ An đến Ninh Thuận, đặc biệt là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Tình hình xâm nhập mặn sâu vào nội đồng đã diễn ra tại các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng và nhất là tại Quảng Nam đã xuất hiện độ mặn cao nhất kể từ khi có số liệu quan trắc đến nay (năm 2005).

Vẫn theo ông Long, trong thời gian qua, các đợt mưa ở Trung Bộ thường ngắn và không lớn. Lượng mưa từ tháng 1-6/2019 ở Trung Bộ thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng từ 20-90%. Lượng dòng chảy trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ phổ biến thấp hơn mức trung bình hàng năm từ 35-60%. Một số sông hụt trên 70% như sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An), sông Vu Gia (Quảng Nam), sông Ba (Phú Yên)… Đáng lo ngại hơn, theo dự báo của cơ quan chức năng, hiện tượng El Nino yếu duy trì từ nay đến khoảng tháng 11, với xác suất khoảng 50-55%, sau đó, ENSO có khả năng trở về trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng từ tháng 12/2019.

Dưới tác động của El Nino, nhiệt độ trong các tháng tiếp theo của năm 2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5-1 độ C. Từ nay đến tháng 8, nắng nóng còn tiếp tục xảy ra ở miền Trung, vùng núi phía Tây Trung Bộ còn có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt.

Sắp tới, lượng mưa tăng hơn nhưng không nhiều, nên từ nay đến hết tháng 8, lượng nước trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ vẫn suy giảm và ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, phổ biến từ 40-65%, một số nơi thiếu hụt trên 80% như ở Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên. Do đó, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vẫn tiếp diễn.

*Tại miền Bắc, ngoại trừ hồ Bản Chát (Tuyên Quang) có lưu lượng nước về đạt mức trung bình nhiều năm, thì các hồ khác đều có nước lưu lượng nước về thấp. Đặc biệt lưu lượng nước về trên dòng sông Đà tiếp tục thấp. Tính tới thời điểm hiện tại, lưu lượng nước về trung bình ngày của hồ Sơn La chỉ đạt xấp xỉ 2.100 m3/s, thấp hơn nhiều so với mức trung bình nhiều năm là xấp xỉ 3.800 m3/s.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nắng nóng kéo dài, nhiều nơi thiếu nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO