Ngày Môi trường thế giới - sự kiện của toàn cầu

Đình Khương 03/06/2020 10:33

Trong những năm qua, Ngày Môi trường thế giới đã trở thành sự kiện toàn cầu, được hàng triệu người ở hơn 100 quốc gia, tổ chức tham gia. Sự kiện này giúp nâng cao hiểu biết và trao quyền cho mọi người trở thành tác nhân tích cực của sự phát triển bền vững, bình đẳng.

Ngày Môi trường thế giới - sự kiện của toàn cầu

Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích các địa phương treo băng rôn, pano, áp phích được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường.

Theo thống kê của Liên Hiệp quốc từ năm 2019 cho thấy cả thế giới có tổng cộng 8 triệu loài sinh vật thì có tới 1 triệu loài hiện đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Chỉ trong vòng 10 năm, nguy cơ tuyệt chủng này đã tăng nhanh và mạnh gấp hàng trăm lần so với mức trung bình của cả 10 triệu năm.

Các mối đe dọa lại đến từ chính con người. Từ việc xây dựng công trình, thu hẹp môi trường sống, khai thác tài nguyên thiên nhiên, sản xuất công nghiệp dẫn tới biến đổi khí hậu và ô nhiễm.

Kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, chúng ta đã làm biến đổi 75% đất đai của trái đất và 66% hệ sinh thái biển dưới nhiều hình thức khác nhau, gần 600 loài thực vật đã bị xóa sổ trong 250 năm qua.

Một trong những nguyên nhân chính của vấn đề nằm ở việc gia tăng dân số. Đông dân thì nhu cầu càng gia tăng và nguồn tài nguyên càng cạn kiệt. Đa dạng sinh học suy giảm khiến nền nông nghiệp cũng lâm vào tình trạng bị đe dọa. Việc thiếu các giống vật nuôi và cây trồng sẽ khiến tình trạng thiếu lương thực gia tăng.

Ngày Môi trường thế giới - sự kiện của toàn cầu - 1

Poster, băng rôn, pano Ngày Môi trường thế giới năm 2020.

Nhưng sự bùng nổ dân số sẽ không kết thúc sớm. Các chuyên gia ước tính rằng dân số thế giới hiện tại là 7,6 tỉ người, dự kiến sẽ đạt mức 8,6 tỉ vào năm 2030 và 9,8 tỉ vào năm 2050. Rõ ràng, chúng ta đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt.

Voi có thể biến mất khỏi tự nhiên chỉ trong một thế hệ. Quần thể lưỡng cư đang bị phá vỡ. Trong khi biến đổi khí hậu thì đang làm Trái đất nóng lên và axit hóa các đại dương khiến các rạn san hô bị thu hẹp.

Để thúc đẩy nhận thức và hành động vì môi trường trên toàn thế giới, từ năm 1972, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc đã quyết định chọn ngày 5/6 hàng năm là Ngày Môi trường thế giới và giao cho Chương trình Môi trường (UNEP) của Liên Hiệp quốc tổ chức kỷ niệm sự kiện này.

Kể từ đó đến nay, Ngày Môi trường thế giới đã khiến các vấn đề môi trường trở nên nhân văn hơn. Đồng thời, trao quyền cho mọi người trở thành tác nhân tích cực của sự phát triển bền vững, bình đẳng.

Ngày Môi trường thế giới - sự kiện của toàn cầu - 2

Trồng rừng để bảo vệ rừng.

Trong những năm qua, Ngày Môi trường thế giới đã trở thành sự kiện toàn cầu, được hàng triệu người ở hơn 100 quốc gia, tổ chức tham gia.

Bắt đầu từ năm 1982, Việt Nam tham gia Ngày Môi trường thế giới. Bên cạnh đó, những năm gần đây, Việt Nam cũng tham gia và có nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Giờ Trái đất...

Các sự kiện này tập trung các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cũng như hành động của mọi người luôn tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tái sử dụng và tái chế chất thải, chống rác thải nhựa, bảo vệ nguồn nước, khí tượng, động vật hoang dã... qua đó, cộng đồng quốc tế hướng tới thực hiện tốt hơn các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh.

Tại Việt Nam, Chính phủ cùng các Bộ, ngành luôn kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh xanh bằng những hành động rất nhỏ nhưng vô cùng có ý nghĩa đối với môi trường như: phân loại rác tại nguồn; sử dụng các vật liệu có từ thiên nhiên; hạn chế việc việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và bỏ vỏ nơi quy định hoặc giao cho các công ty tái chế phế liệu; sử dụng năng lượng sạch từ những nguồn năng lượng có thể tái tạo; hạn chế sử dụng đồ nhựa và túi nilon, rác thải kim loại, kim loại độc hại; không lãng phí đồ ăn, thức uống; trồng nhiều cây xanh, bảo vệ nguồn nước; ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái chế...

Năm 2020, chủ đề Ngày Môi trường thế giới (5/6) được UNEP lựa chọn là “Hành động vì thiên nhiên” (Time for Nature). Ở đó có sự kêu gọi hành động khẩn cấp để bảo vệ sự đa dạng sinh học.

Ngày Môi trường thế giới - sự kiện của toàn cầu - 3

Bảo vệ ngôi nhà trái đất là trách nhiệm của mỗi con người.

Nhằm tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2020; căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế tại thời điểm tổ chức các hoạt động hưởng ứng, ngày 29/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 2096/BTNMT-TTTNMT gửi các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp tổ chức các hoạt động thuộc “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2020.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền (sáng tạo, đổi mới cách thức thực hiện, hình thức truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin) về chủ đề, thông điệp hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2020 theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng; khuyến khích treo băng rôn, pano, áp phích được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc và các địa điểm phù hợp.

Trong trạng thái bình thường mới sau dịch Covid-19, căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm (khuyến khích trực tuyến) về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải rắn, chất thải nhựa, ứng phó với biến đổi khí hậu; các hoạt động có sự tham gia của cộng đồng như Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải, từ chối sử dụng túi nilon khó phân huỷ, đồ nhựa dùng một lần…

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư kinh phí, đẩy mạnh công tác xã hội hóa về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đồng thời, tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân…

Các cơ quan truyền thông, báo chí, các đài phát thanh, truyền hình tăng thời lượng đưa tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động tổ chức Tháng hành động về môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2020. Qua đó, phát hiện, biểu dương và khen thưởng những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày Môi trường thế giới - sự kiện của toàn cầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO