Ứng xử với sự cố

H.Vũ (thực hiện) 16/09/2019 08:00

Sự cố cháy xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông đã cho thấy lúc đầu có sự lúng túng trong xử lý của các cơ quan chức năng.

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, Chính phủ cần giao cho các bộ, ngành theo đúng chức năng nhiệm vụ của mình nghiên cứu dự báo, dự phòng, tránh việc “mất bò mới lo làm chuồng”. Đồng thời cần rà soát lại toàn bộ những cơ sở sản xuất đã, đang và sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Ứng xử với sự cố

Bà Bùi Thị An.

PV: Sau vụ cháy xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông, lại một lần nữa cho thấy sự lúng túng của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý khiến người dân lo lắng. Bà đánh giá thế nào về việc xử lý của các cơ quan chức năng khi xảy ra các vấn đề “nóng” liên quan đến đời sống người dân?

Bà Bùi Thị An: Trong mỗi vụ việc, trách nhiệm của cơ quan quản lý có khác nhau. Nhưng có một nhận xét chung đó là: Thường thường, chúng ta “mất bò mới lo làm chuồng”. Khi các vụ việc ở giai đoạn “rầm rộ” mới lo cứu hộ, giải quyết hậu quả. Từ đó, tôi nghĩ, Chính phủ cần giao cho các bộ, ngành, cơ quan chức năng chủ động, dự báo, ngăn ngừa để “phòng bệnh” hơn “chữa bệnh”.

Trong vụ cháy xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, lúc đầu chính quyền thành phố Hà Nội có lúng túng, sau đó đã vào cuộc khá ổn, huy động lực lượng của các Sở: Tài nguyên và Môi trường; Y tế; Khoa học và Công nghệ đến hiện trường; mời các nhà khoa học đánh giá, xử lý. Hiện tại Bộ Tư lệnh hóa học đã vào cuộc tẩy độc, bên cạnh đó, thành phố giải quyết cho người dân từ việc khám chữa bệnh miễn phí, công bố chỉ số, xử lý các hậu quả sau vụ cháy.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã có sáng kiến mời các nhà khoa học đầu ngành ở trong và ngoài nước đến đánh giá về mặt khoa học, qua đó có số liệu chính xác, thông báo cho người dân, để dân yên tâm. Cá nhân tôi đánh giá đến nay sự vào cuộc như vậy là chuẩn xác, bước đầu việc giải quyết đã có hiệu quả, còn giải quyết tận gốc phải có thời gian.

Là nhà khoa học, bà thấy kinh nghiệm quốc tế họ ứng xử với những sự cố này như thế nào?

- Kinh nghiệm của thế giới, chúng ta nên chỉ tham khảo vì điều kiện thực tiễn khác nhau, không thể máy móc áp dụng chung. Có nhiều vụ có thể xử lý được ngay nhưng quan trọng là họ đề phòng tốt, sau nhiều năm mới xử lý hết các vấn đề. Trong điều kiện Việt Nam, với trình độ phát triển như hiện nay chúng ta đang cố gắng làm hết sức để khắc phục, xử lý khi xảy ra các sự cố. Trong vụ cháy này, lượng hóa chất chưa quá nhiều, ta chưa có kinh nghiệm nên ban đầu mới có việc xử lý chưa chuẩn. Nhưng từ đó cũng cho thấy, vấn đề quan trọng ở đây là việc di dời các cơ sở sản xuất có mức độ ô nhiễm ra khỏi nội thành. Đây là chỉ đạo của Chính phủ và có nêu trong Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội nhưng đến nay tại sao vẫn trì trệ? Vậy ai phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này? Làm sao để giải quyết tận gốc vấn đề, tránh gây ô nhiễm môi trường độc hại cho người dân?

Từ sự cố này chúng ta cần rút ra những bài học kinh nghiệm gì, có hướng xử lý thế nào nếu xảy ra những vụ việc tương tự, liên quan đến đời sống người dân, thưa bà?

- Chúng ta cần rà soát lại toàn bộ những cơ sở sản xuất đã, đang, và sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt liên quan đến vấn đề hóa chất nguy hại càng phải rà soát ngay, kiên quyết chỉ đạo di dời trong thời gian ngắn nhất. Nếu như đơn vị nào không di dời phải làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh. Chúng ta phải có thời hạn rõ ràng, không có chuyện để chây ì. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm minh, công khai danh tính tất cả các đơn vị, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhưng chây ì không chịu di dời để người dân sống xung quanh các cơ sở sản xuất đó biết mà đề phòng và giám sát.

Người dân sống quanh khu vực đó hiện vẫn còn không ít lo lắng về môi trường sống. Với tư cách là một nhà khoa học trong lĩnh vực hóa học, bà có khuyến nghị gì?

- Đây là bài học phải trả giá đắt và tôi hy vọng không bao giờ có sự lặp lại sự cố này ở tất cả các địa phương. Theo đó, chúng ta phải có biện pháp nhằm tạo sự an toàn cho người dân. Di dời là chủ trương đúng thì phải kiên quyết, bằng giá nào cũng phải thực hiện đến cùng, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Hiện các cơ quan chức năng đã bắt đầu công bố, công khai những thông tin, số liệu nên người dân cần bình tĩnh, làm theo hướng dẫn của các chuyên gia, ngành y tế để xử lý. Tôi chia sẻ với sự lo lắng của người dân nhưng lúc này cần tuân theo sự chỉ dẫn của các chuyên gia để xử lý và khắc phục hậu quả.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng xử với sự cố

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO