Món ăn bài thuốc cho người mắc bệnh huyết áp thấp

Bùi Phúc (tổng hợp) 04/01/2021 19:00

Người bệnh mắc huyết áp thấp thường có biểu hiện: mệt mỏi, thiếu tập trung, đau đầu, nhịp thở nhanh nông, cảm giác giá, mờ mắt, buồn nôn, da lạnh ẩm hoặc nhợt nhạt, cảm thấy hoa mắt chóng mặt khi đứng lâu, ngất (xỉu).

Ảnh minh họa.

Theo Sức khỏe đời sống, BS. Thanh Ngọc cho biết huyết áp thấp là tình trạng huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và huyết áp tâm trương dưới 60mmHg hoặc giảm hơn 20 mmHg so với trị số huyết áp bình thường trước đó. Bệnh khá phổ biến hiện nay và gặp ở nữ nhiều hơn nam. Người bệnh thường có biểu hiện: mệt mỏi, thiếu tập trung, đau đầu, nhịp thở nhanh nông, cảm giác giá, mờ mắt, buồn nôn, da lạnh ẩm hoặc nhợt nhạt, cảm thấy hoa mắt chóng mặt khi đứng lâu, ngất (xỉu).

Những dấu hiệu này cũng giống nhiều rối loạn khác trong cơ thể, như thiếu hụt dinh dưỡng, stress, thay đổi thời tiết... và diễn ra không thường xuyên dễ khiến nhiều người bệnh chủ quan. Nếu hiện tượng tụt huyết áp lặp đi lặp lại nhiều lần, nhất là ở những bệnh nhân mạnn tính sẽ làm cho các cơ quan trong cơ thể nhanh bị suy yếu do thường xuyên bị thiếu hụt oxy và chất dinh dưỡng.

Theo y học cổ truyền, huyết áp thấp thuộc phạm vi chứng huyễn vựng; nguyên nhân chủ yếu do tỳ hư, dương hư, khí huyết lưỡng hư... gây ra. Người bệnh thường có biểu hiện: hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, đau ngực, lưng lạnh, thân nhiệt thấp, kiểm tra huyết áp thấp hơn mức bình thường cả chỉ số tối đa và tối thiểu. Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh theo từng thể:

Huyết áp thấp thể tỳ hư: Người bệnh có biểu hiện lạnh bụng, rối loạn tiêu hóa, ăn kém, chân tay lạnh, hoa mắt chóng mặt, đau buốt đầu, đo huyết áp thấp hơn bình thường. Phép trị là bổ thổ kiện tỳ, nâng đỡ huyết áp. Dùng một trong các bài:

Bài 1: hà thủ ô chế, đại táo, bán hạ chế, hậu phác, nhân sâm mỗi vị 10g; bạch truật, rễ đinh lăng, lá đắng, bạch biển đậu, đương quy, hạt sen mỗi vị 16g; sinh khương 8g, thần khúc 12g, cam thảo 12g. Sắc uống. Nếu bệnh nhân còn đại tiện lỏng, gia quế chi 8g, cao lương khương 10g.

Bài 2: bạch truật, ngấy hương, ngũ gia bì, rễ đinh lăng, hoài sơn, liên nhục mỗi vị 16g; đại táo, trần bì, hậu phác mỗi vị 10g; phòng sâm, đương quy, cam thảo mỗi vị 12g; phụ tử chế 4g, sinh khương 6g. Sắc uống.

Bài 3: đảng sâm 12g, chế phụ tử 6-8g (sắc trước), bạch truật 12g, bạch thược 12g, bạch linh 12g, nhục quế 6g, câu kỷ tử 12g, liên nhục 12g, bá tử nhân 12g, ích trí nhân 10g, toan táo nhân (sao) 20g, dạ giao đằng 12g, gừng tươi 3 lát. Sắc uống.

Huyết áp thấp thể dương hư: Người bệnh có biểu hiện lạnh lưng, bụng, lưng gối mỏi đau, hoa mắt chóng mặt, người gầy yếu, đại tiện lỏng; nam giới dễ bị di tinh hoạt tinh, xuất tinh sớm, dương sự yếu, huyết áp luôn thấp hơn bình thường. Phép trị: bổ dương khí, nâng đỡ huyết áp. Dùng một trong các bài:

Bài 1: phòng sâm, đương quy, bạch truật, hoài sơn, liên nhục mỗi vị 16g; hoàng kỳ (sao mật) 15g; quế, sinh khương, mỗi vị 8g; thiên niên kiện 10g; phá cố chỉ 6g; phụ tử chế 4g, cam thảo 12g. Sắc uống.

Bài 2: nhân sâm 10g, phụ tử chế 4g, quế chi 6g, cam thảo 15g, đại táo 10g; hà thủ ô chế, hoàng kỳ, ngũ gia bì mỗi vị 16g. Sắc uống.

Huyết áp thấp thể khí huyết lưỡng hư: Người bệnh có biểu hiện da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, hoa mắt chóng mặt, người yếu mệt, đoản hơi, thường bị đau ngực khó thở, huyết áp thường xuyên thấp, nghe tim có tiếng thổi tâm thu. Phép trị: đại bổ khí huyết. Dùng một trong các bài sau:

Bài 1: đương quy, thục địa, phòng sâm, đinh lăng, hà thủ ô chế mỗi vị 16g; sinh khương 8g; bạch linh, đại táo, trần bì mỗi vị 10g; hoàng kỳ, long nhãn, bạch truật, cam thảo mỗi vị 12g. Sắc uống. Uống 15-18 ngày là 1 liệu trình. Nghỉ khoảng 1 tuần có thể dùng tiếp đợt 2.

Bài 2: bạch thược, kê huyết đằng, xuyên khung mỗi vị 12g; thục địa 15g; hà thủ ô chế, đương quy, đinh lăng, bạch truật mỗi vị 16g; tần giao, cam thảo, nhân sâm mỗi vị 10g; sinh khương 5g. Sắc uống.

Ngoài dùng thuốc, chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng có vai trò quan trọng trong hỗ trợ trị bệnh.

Lá ngải cứu 1 nắm và 1 lòng đỏ trứng gà đánh đều, hấp cách thủy. Ngày ăn 1 lần, liên tục trong 20 ngày.

Hoặc: trứng gà tươi 1 quả, gừng tươi 1 nhánh, rửa sạch gừng thái lát, cho vào nồi, thêm một cốc nước lã và đun nhỏ lửa (lửa cháy riu riu) đến khi cạn nước sắc còn lại 1/3 cốc thì đập trứng gà vào và khuấy đều, đun tiếp trong 2 phút nữa là được. Ăn nóng. Ngày ăn 1 lần, liền trong 5 ngày.

Bài thuốc từ hạt sen, táo đỏ có hiệu quả rất tốt

Bạn có thể tham khảo thêm một số bài thuốc và món ăn dinh dưỡng dành cho những người bị chứng huyết áp thấp dưới dây:

Bài 1: 30g hạt sen, 10g táo đỏ và 6 lát gừng tươi. Bạn đem tất cả nguyên liệu này sắc với nước và chắt ra uống hàng ngày, mỗi ngày 2 lần thì hiệu quả rất tốt.

Bài 2: Lấy 1 nhánh gừng tươi rửa sạch, thái lát, cho vào nồi. Thêm vào một cốc nước lã đun sôi đến khi nào còn 1/3 cốc thì bạn đập trứng vào rồi khuấy đều. Sau đó đun thêm tiếp 2 phút và đem ra ăn nóng.

Cá diếc rửa sạch nấu cháo là món ăn rất bổ dưỡng cho người huyết áp thấp.

Một số món ăn dân gian sau cũng rất bổ dưỡng cần bổ sung cho người chữa huyết áp thấp:

Món ăn 1: Bạn lấy 1 con cá diếc làm sạch bỏ ruột. Tiếp cho vào nồi cùng với 50g gạo nếp đem ninh nhừ thành cháo. Sau đó bạn thêm gia vị, tiêu, hành, thì là và múc ra ăn nóng. Mỗi tuần bạn ăn từ 2-3 lần trong khoảng từ 2-3 tháng.

Món ăn 2: 1 con gà ác làm sạch và bỏ lòng, bạn nhồi 30g hoàng kỳ, đương quy, 15g kỷ tử và 5 quả táo đỏ vào bụng con gà và đem hấp cách thủy cho tới khi chín mềm thì bỏ bã thuốc ra, sau đó ăn thịt và uống nước canh. Bạn nên sử dụng ăn 1 tuần/1 lần trong liền 3 tháng.

Món ăn 3: Với 1 con chim cút, làm sạch và bỏ nội tạng bạn nhồi vào trong bụng chim khoảng 5 củ hành, 30g hoàng kỳ, 5g gừng tươi và 30g thiên ma rồi đem hấp cách thủy và ăn khi chín nhừ.

Món ăn 4: Khoảng 10 quả táo đỏ, 50g sinh địa, 15g sa sâm và thục địa 50g bạn đem tất cả cho vào 600ml nước nấu trong khoảng 30 phút và chắt nước ra uống.

Khi bị bệnh huyết áp thấp thì bạn cũng có thể lập tức uống ngay 1 cốc trà gừng để khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên với những người không có bệnh lý hoặc cơ thể không phong hàn thì không nên dùng quá 5g gừng 1 ngày. Còn những người có bệnh lí và cần điều trị thì có thể dùng 10g gừng 1 ngày.

Chế độ ăn và vận động cho người huyếp áp thấp

Hàng ngày ăn các thực phẩm giàu protein như thịt bò, thịt lợn nạc, chim câu, chim cút, lòng đỏ trứng; cá thu, cá chim; các loại rau như rau ngót, bí đỏ, khoai tây, khoai lang...; hoa quả như mít, dứa, xoài, nhãn...; uống sữa, ăn phomat, cà phê, bánh ngọt hoặc mặn; không để bụng đói, các bữa ăn cách xa nhau quá.

Tránh các loại thức ăn dễ gây hạ huyết áp như: rau cải canh, bắp cải, cần tây, cần ta, măng, trứng vịt thịt vịt, nước dừa, cam, chuối tiêu, nước mát để tủ lạnh...

Làm việc điều độ, không quá sức, căng thẳng; rèn luyện thể lực hàng ngày. Sáng xoa mặt, tối xoa chân và ngâm chân nước nóng trước khi đi ngủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Món ăn bài thuốc cho người mắc bệnh huyết áp thấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO