Môn học tích hợp không phải là ‘cộng gộp’

Thu Hương 31/03/2021 06:58

Từ năm học 2021-2022, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (hay còn gọi là Chương trình GDPT mới) chính thức triển khai dạy đại trà đối với lớp 6. Hai môn học tích hợp gồm Khoa học tự nhiên và Lịch sử và Địa lý bắt đầu được đưa vào giảng dạy. Nhiều ý kiến lo lắng giáo viên có kịp chuyển đổi để thích ứng với việc dạy tích hợp hay không?

Tích hợp là xu hướng

Chương trình GDPT hiện hành, bậc trung học cơ sở (THCS) đang quy định môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học là riêng biệt và được giảng dạy bởi các giáo viên khác nhau. Tuy nhiên, với chương trình GDPT mới, các môn học này sẽ tích hợp thành hai môn chính gồm: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý. Nhiều băn khoăn được đặt ra đối với việc giảng dạy môn học mới mà cũ này ở cấp THCS, nhất là trong năm đầu tiên triển khai ở lớp 6.

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn - chủ biên chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên, Tổng chủ biên sách giáo khoa (SGK) Khoa học tự nhiên lớp 6 bộ Cánh Diều thông tin: Đối với môn Khoa học tự nhiên nhiều người quan niệm đây là sự cộng vào của 3 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nhưng dưới con mắt của nhà khoa học giáo dục thì đây không phải là 3 môn cộng vào mà cần nhìn nó ở logic ngược lại. Đối với học sinh ở bậc tiểu học, THCS, các em chỉ cần học các môn Khoa học mang tính tổng hợp. Đến bậc THPT mới chia ra các lĩnh vực riêng.

Trên thế giới hiện có khoảng 68 nước tổ chức dạy tích hợp ở bậc THCS. Ngay các nước láng giềng như Lào, Campuchia hay Singapore… đã tổ chức dạy học tích hợp và có môn Khoa học tự nhiên từ lâu.

Đối với Việt Nam, theo PGS Tuấn, dạy học tích hợp đã được đặt ra từ khi xây dựng chương trình GDPT năm 2000. Tuy nhiên, khi đó điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên và nhận thức xã hội còn nhiều hạn chế nên chưa thể triển khai được. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học vẫn tồn tại là những môn độc lập. Đến nay, điều kiện đã chín muồi để có thể tổ chức dạy học tích hợp.

Lúng túng chờ hướng dẫn, tập huấn

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, đồng Tổng chủ biên SGK Lịch sử và Địa lý lớp 6 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) cho biết: SGK được thiết kế thành hai phần Lịch sử, Địa lý riêng, nên khi triển khai chương trình, giáo viên Lịch sử và Địa lý sẽ dạy phần nội dung phù hợp với ngành đào tạo của mình trên cơ sở phân công của nhà trường. Trong quá trình thực hiện chương trình, giáo viên có thể học thêm một số tín chỉ ở trường sư phạm để có thể đảm nhiệm dạy trọn vẹn một môn học. Hiện việc đào tạo giáo viên dạy các môn tích hợp như Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên đang được triển khai tại các trường sư phạm.

Tương tự, ở bộ sách Cánh Diều, SGK mới bộ môn Khoa học Xã hội kiến thức 2 môn học có phần giao nhau nhưng vẫn đảm bảo phân môn từng môn học.

“Xuyên suốt chương trình Lịch sử và Địa lý THCS có 4 chủ đề tích hợp, bao gồm: Phát kiến địa lý - Đô thị trong lịch sử, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và Chủ quyền biển đảo. Bốn chủ đề tích hợp trên được thiết kế từ lớp 7 đến lớp 9, còn lớp 6 mới chỉ dừng lại ở 2 phân môn”, TS Nguyễn Văn Ninh, Chủ biên sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6 bộ Cánh Diều cho biết.

SGK đã “trình làng” và hiện các trường, các giáo viên đang tập trung để nghiên cứu nội dung, phương pháp, các chủ đề trong sách. Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng hệ thống giáo dục Lômônôxốp (Hà Nội) cho biết, nhà trường đã giao cho giáo viên bóc tách từng phần trăm modul của mỗi môn để nghiên cứu. Trong thời gian đó, trường chờ hướng dẫn của Sở GDĐT Hà Nội. Nếu Sở quy định một hay 3 giáo viên dạy môn tích hợp, lúc ấy không còn bỡ ngỡ.

Đây cũng là lo lắng của nhiều người về việc mỗi tiết học sẽ có 2-3 giáo viên đứng lớp? Sau này việc đánh giá điểm số, xếp loại ra sao vì thực tế đây sẽ chỉ là 1 môn học với 1 đầu điểm?

Ngược lại, nếu chỉ 1 giáo viên dạy môn tích hợp, thời gian gấp gáp liệu có đủ để thầy cô bổ sung vốn kiến thức? Bởi đa số khi học tập tại trường sư phạm, các thầy cô được đào tạo trước đây để dạy đơn môn chứ không phải liên môn như hiện nay. Việc tập huấn, hướng dẫn chính thức đến nay vẫn chưa có nên nhiều giáo viên rất lúng túng, băn khoăn.

Khẳng định không có chuyện một giờ học Khoa học tự nhiên sẽ có 3 thầy cô giáo cùng lên lớp dạy, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn cho biết mỗi giáo viên sẽ chỉ dạy một giờ. Với môn Khoa học tự nhiên khi xây dựng chương trình đã tính đến điều kiện tối thiểu mỗi một giáo viên có thể dạy được một phần nội dung trong SGK. Ví dụ giáo viên Hóa học có thể dạy nội dung về “chất và sự biến đổi của chất”, giáo viên Sinh học dạy mảng kiến thức về “Vật sống”… Tuy nhiên, về lâu dài giáo viên phải được đào tạo, bồi dưỡng để có thể dạy được nhiều mảng kiến thức khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Môn học tích hợp không phải là ‘cộng gộp’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO