Môn Lịch sử: Thay đổi cách dạy thế nào?

P. Linh 24/10/2016 07:25

Bộ GD&ĐT đã quyết định phương án thi chính thức cho năm 2017 trong đó có 2 môn tổ hợp tự chọn là KHTN và KHXH. Về 2 tổ hợp thi này, băn khoăn lớn nhất là thi trắc nghiệm môn Lịch sử (trong tổ hợp KHXH).

Truyền cảm hứng về lịch sử cho học sinh qua các giờ ngoại khóa.

Bởi theo các chuyên gia, giáo viên dạy Lịch sử, môn học này cần có kiến thức logic theo hệ thống, theo mạch thời gian, khi tổ chức thi trắc nghiệm sẽ không thể hiện được kiến thức học sinh. Đồng thời sẽ khiến học sinh học theo kiểu thi trắc nghiệm, khó nắm được kiến thức chung về lịch sử…

Băn khoăn thi trắc nghiệm

Theo TS Tưởng Phi Ngọ- Trường ĐHSP TP HCM: Thi trắc nghiệm có cái hay của trắc nghiệm, là hình thức gọn nhẹ, công bằng với tất cả thí sinh, không có chuyện chênh lệch điểm giữa giám khảo này với giám khảo khác vì chấm bằng máy. Nhưng có cái dở ở chỗ, chỉ đo được trình độ nhận thức ở bậc thấp, hiểu. Còn ở những trình độ bậc cao thì khó đo được, cũng như khó đo được kỹ năng viết của học sinh…

Đây cũng là băn khoăn lớn của GS Vũ Dương Ninh- ĐHQG Hà Nội: Các câu hỏi trắc nghiệm buộc học sinh phải nhớ chính xác về thời gian, địa điểm, nhân vật và nội dung của sự kiện lịch sử. Điều này rất cần thiết vì sử học không cho phép sai lệch hoặc lẫn lộn giữa các yếu tố với nhau. Nhưng sẽ là không đủ, thậm chí không đạt được mục tiêu chính của môn học nếu chỉ thi trắc nghiệm, bởi thi thế nào sẽ dạy học như thế.

Và bây giờ các trường THPT đang chuyển động theo hướng chuẩn bị cho học sinh thi trắc nghiệm. Các học sinh học thật chăm có thể sẽ trở thành những bộ nhớ tốt. Nhưng cũng nhiều khả năng các em thành những… con vẹt, mà không hiểu, không tư duy về nội dung và ý nghĩa của sự kiện, mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại.

Tương tự, giáo viên Trần Trung Hiếu- Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cho rằng: 40 câu hỏi trắc nghiệm khó bao quát được hết lịch sử dân tộc. Chúng ta đang hướng tới một nền giáo dục phát triển năng lực tư duy và phẩm chất của người học, môn Lịch sử chỉ nên thi trắc nghiệm một phần.

Trắc nghiệm có mặt mạnh nhưng chúng ta cần năng lực tư duy của học sinh, cũng như khả năng phân tích đánh giá bản chất của sự kiện, hiện tượng lịch sử và quy luật của nó. Vì thế, không thể đưa ra các đáp án đúng, sai để học sinh lựa chọn...

Đổi mới cách dạy như thế nào?

Mặc dù vẫn còn những băn khoăn, nhưng trước quyết định chính thức của Bộ GD&ĐT, các chuyên gia giáo dục, các nhà trường cũng khẳng định phải thay đổi cách dạy và học môn này.

Theo PGS.TS Đào Tuấn Thành- Trưởng khoa Lịch sử - ĐHSP Hà Nội, để tạo được hứng thú cho học sinh về môn Lịch sử, cần rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là đổi mới phương pháp dạy của giáo viên: “Chương trình và sách giáo khoa chỉ là một yếu tố liên quan đến hứng thú học tập của học sinh đối với môn Lịch sử. Còn môn học có hay hay không là do cách dạy của thầy cô”.

Theo PGS.TS Đào Tuấn Thành: Vài năm trở lại đây, Bộ GD&ĐT ra đề thi THPT quốc gia không hoàn toàn đòi hỏi học sinh nhớ sự kiện lịch sử mà quan trọng là hiểu bản chất của chúng.

Vì thế các giáo viên dạy Lịch sử nên hướng học sinh nhớ sự kiện, và không nên yêu cầu học sinh nhớ máy móc tất cả, chỉ những sự kiện lớn, trọng đại có tính bản chất phải nắm được. Bên cạnh đó, giáo viên từng cấp học phải giúp học sinh đạt được những mục tiêu khác nhau.

Cấp THCS, học sinh nắm được cái cơ bản nhất của lịch sử Việt Nam và thế giới ở từng thời điểm, mang tính hệ thống. Lịch sử không chỉ là của hiện tại, thế kỷ XX mà trước đó có nhiều điều đáng để ghi nhớ… Vì thế, chúng ta cần dạy cho học sinh những cái cơ bản nhất về truyền thống dân tộc, qua đó khơi gợi lòng tự hào dân tộc, và đẻ các em thấy được trách nhiệm của mình.

Đối với học sinh THPT đã có định hướng nghề nghiệp thì phân ra thành các đối tượng khác nhau để dạy lịch sử, theo các khối KHTN và KHXH. Tuy nhiên, dù các em thiên về khối nào cũng phải để các em luôn cảm thấy vừa sức và hứng thú khi học môn Lịch sử.

Các giáo viên cũng cần cân nhắc cách dạy theo từng đối tượng vùng miền khác nhau. Việc dạy học sinh ở thành thị khác với nông thôn, miền núi. “Không phải chúng ta phân biệt, mà bởi điều kiện học tập ở mỗi nơi khác nhau nên không thể làm chương trình cào bằng. Cũng nên cân đối các phần giữa lịch sử dân tộc và địa phương.

Trước hết phải giúp các em tự hào về nơi mình đang sinh sống, thấy được sự đóng góp của địa phương cho lịch sử dân tộc. Từ đó liên hệ đến bản thân mình sau này sẽ làm gì để góp phần xây dựng đất nước….” – PGS. TS Đào Tuấn Thành chia sẻ kinh nghiệm.

Cũng về vấn đề này, là người trăn trở với môn Lịch sử, nhất là khi thấy nhiều em học sinh không còn hào hứng với môn học, GS Vũ Dương Ninh bày tỏ sự tâm huyết: Lịch sử ngày nay có những câu chuyện đáng buồn, nhưng những người đã và đang đồng hành với lịch sử đừng “buông xuôi”...

Trong muôn vàn khó khăn, vẫn có những thầy cô làm tròn trách nhiệm với nghề, ngày ngày truyền cảm hứng cho học sinh, giúp học sinh yêu thích môn Lịch sử. Vì thế nên tôi luôn có niềm tin vào một tương lai sáng lạn của ngành lịch sử và của giới sử học như nó đã từng có.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Môn Lịch sử: Thay đổi cách dạy thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO