Mong chờ gói hỗ trợ an sinh lần 2 hơn 27.300 tỷ đồng

Diệp Linh 05/07/2021 09:00

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, dự kiến gói đề xuất hỗ trợ lần này với tổng trị giá trên 27.300 tỷ đồng.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tác động mạnh vào khu công nghiệp, khu chế xuất, những nơi tập trung lượng lớn lao động (khoảng 4 triệu người).

Nhiều gói hỗ trợ đang được đề xuất triển khai

Gói hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 dự kiến tập trung vào các nhóm chính sách như: cho vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc; tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất; hỗ trợ đào tạo nghề…

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường lao động đã có sự biến động mạnh. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 đang tác động mạnh vào khu công nghiệp, khu chế xuất, những nơi tập trung lượng lớn lao động (khoảng 4 triệu người), có các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách.

Dự báo số lượng lao động bị ảnh hưởng do phải cách ly, bị ngừng việc do doanh nghiệp ngừng sản xuất, kinh doanh, mức cao nhất có thể lên tới 2 -2,5 triệu người.

Trên cơ sở đó, Bộ đề xuất gói hỗ trợ an sinh lần 2 với tổng trị giá trên 27.300 tỷ đồng. Cụ thể, giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (tính từ ngày 1/7/2021 đến 30/6/2022), với dự kiến tổng số tiền được giảm đóng khoảng 3.696 tỷ đồng.

Bộ cũng đề xuất chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất không quá 6 tháng. Điều kiện là người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4/2021.

Dự kiến có 44.000 doanh nghiệp, đơn vị sẽ được tạm dừng đóng cho 1,55 triệu người lao động, với tổng số tiền ước tính là 11.380 tỷ đồng.

Cùng với đó, cơ quan soạn thảo đề xuất có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian tối đa 6 tháng. Dự kiến hỗ trợ 1 triệu người lao động với tổng kinh phí 3.000 tỷ đồng.

Lần này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất hỗ trợ 1 lần cho lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, mức 1,8 triệu đồng/người.

Ngoài ra, hộ kinh doanh cá thể bị dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19, mức hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ/tháng.

Riêng đối với tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Điện Biên, đề xuất hỗ trợ khẩn cấp mỗi tỉnh 1 tỷ đồng để bảo đảm chi phí tiền ăn và các hỗ trợ thiết yếu khác cho trẻ em nhiễm Covid-19 và trẻ em cách ly y tế tập trung theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất có chính sách cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ngừng việc, dự kiến tổng kinh phí trên 2.400 tỷ đồng; cho vay trả lương trong thời gian phục hồi sản xuất, với tổng kinh phí trên 5.000 tỷ đồng.

Trước đó, để hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tháng 4/2020, gói an sinh lần 1 trị giá gần 62.000 tỷ đồng cũng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ ban hành. Trong đó, dự kiến khoảng 35.880 tỷ đồng hỗ trợ đối tượng chính sách, người nghèo; lao động tự do và lao động trong doanh nghiệp mất việc làm, hộ kinh doanh; khoảng 16.200 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay ưu đãi trả lương cho người lao động. Ngoài ra, còn tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất khoảng 6.500 tỷ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động 3.000 tỷ đồng (từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp).

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tới tháng 5/2021, gói an sinh trên giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng, tương đương hơn 22% dự kiến ban đầu, để hỗ trợ cho gần 13,2 triệu người. Đa số khoản tiền này dùng để chi trực tiếp cho người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách; lao động tự do và lao động trong doanh nghiệp mất việc làm, hộ kinh doanh… Các chỉ tiêu hỗ trợ còn lại đều không đạt được như kế hoạch đặt ra. Trong đó, 16.200 tỷ đồng cho vay trả lương chỉ cho vay được hơn 41 tỷ đồng; 3.000 tỷ đồng chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp không giải ngân được. Thực tế này cho thấy, có nhiều thủ tục, vướng mắc mà cơ quan chức năng cần tháo gỡ.

400 doanh nghiệp biến mất mỗi ngày, có là nỗi lo?

Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2021, cả nước có tới 59.800 doanh nghiệp biến mất. Tính trung bình, mỗi ngày có tới 400 công ty tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Đây là con số kỷ lục, báo động về tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu nhìn vào con số 59.800 doanh nghiệp biến mất trong 5 tháng qua thì rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận kỹ hơn vấn đề, chúng ta sẽ thấy có 3 loại doanh nghiệp biến mất trong này là đơn vị tạm dừng kinh doanh có thời hạn, tạm dừng kinh doanh chờ phá sản và xin phá sản. Trong đó, chiếm phần lớn là doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, 2 đối tượng còn lại có tăng so với thời gian trước, nhưng không đáng kể.

Mặt khác, có thể thấy rằng, chiếm chủ yếu trong số này là các công ty thuộc lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Đối với thương mại, các doanh nghiệp xin ngừng hoạt động phần nhiều là nhỏ, siêu nhỏ.

“Ở đây, theo quan điểm của tôi thì chúng ta không nên hoảng loạn. Bởi vì trong lĩnh vực thương mại điện tử hay lĩnh vực bán buôn bán lẻ thì ngày trong năm 2020, chúng ta đã thấy rất nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chuyển đổi mô hình kinh doanh, để từ đó thích nghi được với điều kiện xã hội hiện tại”, ông Thịnh nói.

Thực tế, với mảng kinh doanh mới này, người dân không cần phải thuê nhà, không cần phải mở công ty, cửa hàng lớn để tiến hành kinh doanh online. Mà bằng chứng rõ ràng nhất là kênh thương mại điện tử tăng vọt trong 1 năm qua.

Như vậy, nhiều chủ hệ thống sẽ chọn hình thức đóng cửa các hoạt động kinh doanh truyền thống để giảm chi phí mặt bằng, chi phí nhân công. Dừng ở đây không phải là đứng lại, mà dừng để chuyển mình sang mô hình kinh doanh mới nhằm thích nghi với thời cuộc, gọi là “tái cấu trúc” hoạt động kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mong chờ gói hỗ trợ an sinh lần 2 hơn 27.300 tỷ đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO