Mong muốn kiều bào hiến kế phục hồi kinh tế

Thành Luân 29/10/2020 13:55

Ngày 29/10, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cùng đại diện lãnh đạo các Sở Ban ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đã có buổi tiếp đoàn đại biểu kiều bào đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của Hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về Chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam”, diễn ra trong 3 ngày (29-31/10) tại TP HCM.

“Thảm đỏ” cho đầu tư khoa học - công nghệ

Chào mừng đại biểu kiều bào đến TP HCM dịp này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã giới thiệu một số điểm nổi bật trong bức tranh toàn cảnh của kinh tế - xã hội thành phố.

Thời gian qua, TP HCM đã thực hiện chương trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, trong đó đã có sự hỗ trợ rất lớn từ phía Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM.

Theo Chủ tịch UBND TP, hiện nay thành phố vẫn đang tập trung để thực hiện các mục tiêu mà ĐH Đảng bộ TP nhiệm kỳ mới vừa đặt ra, nhất là chỉ đạo giải pháp để phục hồi nền kinh tế sau các đợt dịch Covid-19 gây tác động khá lớn đến thành phố.

Trong 5 năm (2020-2025), thành phố đặt ra mục tiêu xây dựng đô thị thông minh để tiếp tục bảo đảm vai trò đầu tàu của khu vực phía Nam và cả nước. Trong số này, thành phố triển khai 51 đề án cụ thể với mục tiêu đến năm 2030 TP HCM trở thành một thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại.

Đại biểu kiều bào về dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm cùng các lãnh đạo TPHCM (Ảnh: Hồng Phúc).
Đại biểu kiều bào về dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm cùng các lãnh đạo TP HCM (Ảnh: Hồng Phúc).

Đối với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định, đô thị lớn nhất nước hướng đến một thành phố của kinh tế chia sẻ, kinh tế khởi nghiệp của cả nước. Trong đó, từ trước Đại hội Đảng bộ TP, thành phố đã chính thức đi vào hoạt động một trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Liên quan đến đề án TP Thủ Đức được nhiều kiều bào quan tâm, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, UBND TP đã cho thi tuyển quốc tế để thiết kế mô hình xây dựng đề án TP Thủ Đức (khu đô thị sáng tạo phía Đông của thành phố). Đề án cũng vừa được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội.

Về lý do tại sao lại chọn 3 quận phía Đông (2, 9, Thủ Đức) để lập đề án này, ông Nguyễn Thành Phong phân tích, vị trí địa kinh tế của Q.2 tương lai sẽ hình thành trung tâm thương mại - tài chính; Khu Công nghệ cao đặt tại Q.9 (với năng suất gấp 30 lần năng suất lao động bình quân của cả nước) và kế đến là Khu đào tạo nhân lực chất lượng cao nằm tại Q.Thủ Đức. Tất cả đều sẵn sàng để kết nối thành một đô thị phát triển nhanh của thành phố.

Kiều bào quan tâm nhiều lĩnh vực của TP HCM

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu kiều bào cũng đã có ý kiến góp ý đối với các chủ trương, chính sách dài hạn trong phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM.

Ông Steven Bùi (Bùi Văn Tuấn) chia sẻ: “Chúng tôi đang tư vấn cho Samsung đầu tư vào Thái Nguyên và tôi vui mừng khi thấy rằng ở Khu Công nghệ cao của TP HCM cũng được Samsung đầu tư vào và bên cạnh đó là nhiều các tập đoàn lớn khác cũng về đây”.

Tất cả những thông tin kể trên là tài nguyên rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có một bộ phận doanh nhân trí thức kiều bào với khát vọng đầu tư về nước, cống hiến cho quê hương.

Ông Danny Võ Thành Đăng, kiều bào Singapore ấn tượng với cách làm thương hiệu của TP HCM trong nhiều năm vừa qua. Mới đây nhất, thành công của chiến dịch phòng chống dịch bệnh Covid-19 của thành phố đã đóng góp cho thành công chung của Việt Nam và được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.

Về nước lần này, ông Danny Võ Thành Đăng bày tỏ được trao cơ hội để tăng giá trị định vị, tạo dựng vị thế tăng trưởng về giá trị tương xứng với vai trò đầu tàu của thành phố hiện có.

Tại buổi gặp gỡ lãnh đạo TP HCM, ông William Henry Nguyễn, Việt kiều Mỹ cũng nhận định về cơ hội mới mang lại thời kỳ phục hồi sau dịch Covid-19, trong đó có giáo dục tương tác, kết nối đào tạo nhân lực giữa các trường ĐH hàng đầu khu vực với các trường trong nước.

Một số ý kiến tham vấn, góp ý của kiều bào tại Hội nghị cũng muốn thành phố quan tâm nhiều hơn đến khai thác các nguồn năng lượng sạch, trong đó đã có đầu tư về năng lượng từ gió và năng lượng mặt trời trong thời gian vừa qua.

Ông Phạm Nguyên Khôi, kiều bào Nhật Bản chia sẻ, hiện nay Khu công nghệ cao của TP HCM đã từng kêu gọi nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, trong đó khu Thủ Thiêm cũng được họ đang quan tâm khá lớn. Tuy nhiên, hiện này còn một số tồn đọng tại khu này và ông Khôi hiến kế: khi có một chiến lược thì lãnh đạo thành phố cần hỗ trợ để giải quyết ổn thỏa các vấn đề ở Thủ Thiêm để các nhà đầu tư có phương án triển khai đầu tư vào.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Thành phố chờ đợi các hiến kế, góp ý của kiều bào cho quá trình phục hồi kinh tế thành phố sau dịch bệnh Covid-19 (Ảnh: Hồng Phúc).
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Thành phố chờ đợi các hiến kế, góp ý của kiều bào cho quá trình phục hồi kinh tế thành phố sau dịch bệnh Covid-19 (Ảnh: Hồng Phúc).

Phát biểu tại buổi gặp gỡ đại biểu kiều bào tiêu biểu, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ vui mừng và kỳ vọng rất lớn về việc lãnh đạo thành phố sẽ lắng nghe và ghi nhận được nhiều hơn các đóng góp ý kiến quý báu của doanh nhân, trí thức kiều bào tiêu biểu.

Ông Nên cho rằng, năm 2020 là năm với rất nhiều thử thách cho thế giới. Đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra vô cùng phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

TP HCM cũng không tránh khỏi tác động to lớn từ đại dịch Covid-19, nhất là ảnh hưởng đến các kế hoạch, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố.

Riêng sản xuất công nghiệp của thành phố đã giảm 7,16% so với cùng kỳ năm 2019; Lượng khách du lịch đăng ký các chương trình du lịch giảm mạnh, doanh thu của ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, khoảng 90% - 95% các doanh nghiệp lữ hành đã tạm ngưng hoạt động.

Tuy vậy, TP HCM quyết tâm vượt qua những khó khăn hiện tại, tiếp tục triển khai Chương trình Chuyển đổi số của thành phố và coi đây là một trong những chiến lược quan trọng góp phần xây dựng TP HCM từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á.

Chính quyền thành phố cam kết thực hiện vai trò kiến tạo, hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số cho họ, song hành với phát triển nền kinh tế số.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên tặng bức tranh lưu niệm của thành phố cho đại biểu kiều bào (Ảnh: Hồng Phúc).

Bí thư Thành ủy TP HCM tin rằng, cùng với quyết tâm của thành phố thì mỗi tổ chức nhà nước, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, đặc biệt là tâm huyết của bà con, doanh nhân trí thức kiều bào tới đây sẽ là những nhân tố quan trọng giúp thành phố sớm hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới, xứng danh là thành phố mang tên Bác, thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Sáng cùng ngày, đoàn đã đến dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (Q.1), với sự cùng tham dự của ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM; bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM và Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao).

Chiều nay, đoàn đại biểu kiều bào cũng tiếp tục đến thăm và làm việc tại Công viên phần mềm Quang Trung TP HCM.

Ngày mai (30/10), Hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về Chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam” chính thức khai mạc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mong muốn kiều bào hiến kế phục hồi kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO