Mong sớm cấp phép thuốc kháng virus Molnupiravir

An Thái 11/12/2021 06:25

Theo thông tin từ Bộ Y tế, nước ta chưa có thuốc kháng virus Molnupiravir được cấp số đăng ký lưu hành. Hiện Bộ đang xem xét để trình Chính phủ chấp thuận cho cấp phép loại thuốc này trong tình huống phòng, chống dịch khẩn cấp với một số điều khoản về hồ sơ được rút gọn.

Trong tháng 11 vừa qua, Bộ Y tế đã thông tin về chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ do Bộ Y tế triển khai. Mục tiêu của chương trình là các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng được tiếp cận thuốc an toàn, hiệu quả, nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong, giảm tải điều trị và đặc biệt là giảm lây nhiễm ngoài cộng đồng. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố trên thế giới cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong.

Theo đó, căn cứ kết quả đánh giá giữa kỳ của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ và vừa tiến hành tại Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Phổi Trung ương cho thấy tính an toàn và hiệu quả thuốc, Bộ Y tế đã cho phép triển khai chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại nhà và cộng đồng tại TP HCM từ giữa tháng 8/2021 và hiện nay đã mở rộng triển khai tại 22 địa phương có dịch trong toàn quốc. Việc triển khai chương trình tuân thủ các đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt; được theo dõi, kiểm soát, ghi nhận, đánh giá và tổng kết bởi các chuyên gia, cán bộ, nhân viên y tế.

Cụ thể hơn, các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong. Các kết quả rất khả quan của chương trình đã đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch của TP HCM và các địa phương có dịch.

Trước mong muốn của người dân về việc sớm có thuốc điều trị Covid-19, nhiều chuyên gia cùng cho rằng Việt Nam nên cấp phép loại thuốc này để người bệnh được tiếp cận sớm hơn khi điều trị Covid-19.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP HCM, Molnupiravir giúp tăng tỷ lệ xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 5 sau điều trị Covid-19. Điều này mang lại 2 ý nghĩa rất lớn trong cộng đồng, đó là giảm khả năng lây lan và rút ngắn thời gian điều trị, giảm nguy cơ chuyển nặng ở người bệnh. Khi phân tích các số liệu, hiệu quả của Molnupiravir ở người chưa tiêm chủng có tác dụng tương đương F0 đã được tiêm một mũi vaccine.

BS Nguyễn Quốc Thái - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho rằng thuốc này có lợi cho người bệnh nhẹ, đã được châu Âu và Anh cấp phép sử dụng. Tác dụng của thuốc làm giảm mức độ nặng của bệnh, nồng độ virus giảm xuống, vì vậy đồng thời làm giảm lây truyền bệnh. Việc tiếp tục duy trì tình trạng thử nghiệm của thuốc sẽ là phi đạo đức nếu không có lý do nào khác. BS Thái phân tích: Hiện nay, chúng ta đã có cơ sở sản xuất thuốc trong nước sẵn sàng cung ứng. Việc cấp phép thuốc này chỉ là vấn đề thủ tục. Trì hoãn thủ tục cấp phép thuốc sẽ làm gia tăng nguy cơ sử dụng thuốc không có kiểm soát, nạn thuốc lậu, thuốc giả tràn lan.

Đại diện Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết đến thời điểm này, số tỉnh thành điều trị có kiểm soát bằng thuốc kháng virus Molnupiravir cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ và không triệu chứng tại nhà là 42 địa phương (tăng gần gấp đôi so với đầu tháng 11 là 22 tỉnh thành). Các kết quả rất khả quan của chương trình đã đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch của TP HCM và các địa phương có dịch.

Theo các chuyên gia, nếu thuốc được cấp phép, Bộ Y tế nên hướng dẫn để người dân hiểu rõ thuốc Molnupiravir có một số triệu chứng phụ nguy hiểm, chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, thuốc chỉ hiệu quả cho bệnh Covid-19 khi được sử dụng sớm, trong vòng 5 ngày từ khi có triệu chứng đầu tiên. Cuối cùng, phụ nữ có thai, cho con bú và vợ chồng có kế hoạch sinh con trong thời gian gần nên tránh sử dụng thuốc này. Đối với nhân viên y tế, khi cấp phát thuốc này cho người dân cũng nên cân nhắc rằng chỉ nên sử dụng khi “lợi ích” của thuốc nhiều hơn “nguy cơ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mong sớm cấp phép thuốc kháng virus Molnupiravir

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO