Một cuốn sách lịch sử trở lại sau 65 năm quên lãng

Khải Văn 14/09/2020 07:35

"Lịch sử cách mệnh Việt Nam từ 1862 đến 1930”, trở lại với bạn đọc sau 65 năm quên lãng. Sách do Kiều Mai Sơn sưu tầm và giới thiệu, Nhà xuất bản Hà Nội và Cty CP tri thức văn hóa sách Việt Nam (Vina book) liên kết phát hành.

Bìa cuốn “Lịch sử cách mệnh Việt Nam từ 1862 đến 1930”.

Cuốn sách chìm vào quên lãng

“Lịch sử cách mệnh Việt Nam từ 1862 đến 1930” của Giáo sư Đào Duy Anh ra đời năm 1955 tại Nhà xuất bản Xây Dựng (Hà Nội). In lần thứ nhất tại Nhà in Ngọc Hưng, số 13 Đường Thành, Hà Nội. In xong ngày 20/6/1955. Sau lần in đầu tiên này, không rõ vì lý do gì, cuốn sách chìm dần vào quên lãng.

Ông Đào Hùng, con trai thứ của Giáo sư Đào Duy Anh, một người nghiên cứu lịch sử, nhiều năm liền là Phó Tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay - Cơ quan ngôn luận của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, trong Thư mục Tác phẩm của Đào Duy Anh cũng không nhắc đến cuốn sách này. Ngay cả trong “Đào Duy Anh - Tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh” (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2003), cái tên “Lịch sử cách mệnh Việt Nam từ 1862 đến 1930” cũng chìm trong quên lãng.

“Lịch sử cách mệnh Việt Nam từ 1862 đến 1930” được Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu “điểm danh” trong Thư mục Tác phẩm Đào Duy Anh (in trong “Đất nước Việt Nam qua các đời”, Nhà xuất bản Hồng Đức - Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, 2016). Nhưng nội dung của cuốn sách như thế nào, chưa từng có một nhà nghiên cứu nào biết tới.

Nếu so với các công trình được Đào Duy Anh viết sau năm 1945, đã trở thành cụm công trình được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (2000): “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX” (1958); “Đất nước Việt Nam qua các đời” (1964); “Từ điển Truyện Kiều” (1965); “Chữ Nôm, nguồn gốc, cấu tạo và diễn biến” (1975)… thì “Lịch sử cách mệnh Việt Nam từ 1862 đến 1930” chiếm một dung lượng rất khiêm tốn chỉ hơn 100 trang.

Thời gian lịch sử được phản ánh trong cuốn sách cũng chưa đầy 70 năm. Song đó là một khoảng thời gian đầy biến động trong lịch sử Việt Nam, mà tác giả cũng là người trong cuộc.

Đời nối đời vì nước

Cuộc kháng chiến chống Pháp khắp 3 miền Nam - Bắc - Trung tuy sôi nổi nhưng người Pháp sau một phần tư thế kỷ đã hoàn thành công cuộc xâm lược Việt Nam. Sự thất bại của Phong trào Cần Vương và các văn thân sĩ phu yêu nước, tiêu biểu nhất là Phan Đình Phùng; sự thất bại của Khởi nghĩa nông dân Yên Thế mà đứng đầu là thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám cho dù không cam chịu thân phận vong quốc nô, cho dù chiến đấu rất oanh liệt, nhưng họ đều là kẻ chiến bại. Lớp hậu duệ của những người yêu nước Việt Nam thấy rằng không thể đi theo dấu xe cũ của cha anh trong phong trào Cần Vương, mà cần phải có phương pháp đấu tranh mới.

“Đời nối đời vì nước”. Lớp thanh niên Nho học đầu thế kỷ 20, nhờ ảnh hưởng của tư tưởng mới từ Trung Hoa và Nhật Bản truyền vào, lại đứng ra lãnh đạo cuộc vận động Duy Tân và giải phóng dân tộc. Từ Duy Tân hội, Đông Du, đến Đông Kinh nghĩa thục, rồi Việt Nam Quang Phục hội tiếp tục bị đàn áp. Trần Quý Cáp nhận án chém. Nguyễn Quyền, Lê Đại, Hoàng Tăng Bí, Võ Hoành, Dương Bá Trạc, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh… đi “đập đá ở Côn Lôn”. Phan Bội Châu sau những năm tháng bôn tẩu hải ngoại đã phải chịu an trí tại Huế…

“Ông già Bến Ngự” Phan Bội Châu đã chia sẻ với những lớp hậu sinh rằng: “gặp ông Nguyễn Ái Quốc trước khi bị bắt về đây thì tôi hiểu rằng công việc của mình đã thất bại hoàn toàn, mà sự nghiệp cách mạng Việt Nam đã có người mới giỏi hơn mình nhiều đứng ra đảm nhiệm và người ấy rất đáng tin cậy…”. Đó là Nguyễn Ái Quốc như chính Phan Bội Châu đánh giá: “Hiện nay đã có người khác giỏi hơn lớp chúng tôi nhiều đứng ra đảm đương công việc để làm trọn cái việc mà lớp chúng tôi không thể làm xong” (Hồi ký Đào Duy Anh: “Nhớ nghĩ chiều hôm”).

Đào Duy Anh cho rằng, nguyên nhân căn bản khiến phong trào cách mệnh bấy giờ phải thất bại là bởi không có một giai cấp thực tiến bộ và có đủ năng lực để lãnh đạo. “Phần tử lãnh đạo bấy giờ là phần tử ưu tú nhất của một giai cấp suy tàn. Những giai cấp tiến bộ hơn là giai cấp tư sản và nhất là giai cấp vô sản thì còn non nớt quá”.

Dù thất bại, những cuộc vận động cách mạng nói trên, là bước đệm để cách mạng Việt Nam tiến lên một giai đoạn cao hơn. Nói như Đào Duy Anh thì “việc cụ Phan thất bại phải lui xuống vũ đài để nhường chỗ cho lớp người mới thích ứng với thời thế hơn, chỉ là vấn đề người trước ngã người sau lên, là vấn đề các thế hệ kế thừa nhau mà tiến bước” (Hồi ký Đào Duy Anh: “Nhớ nghĩ chiều hôm”). Đó là giai đoạn cách mệnh quyết định với tính chất phản phong triệt để mở đầu với sự thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930.

“Từ đây giai cấp công nhân với Đảng tiên phong của nó nắm hẳn quyền lãnh đạo cách mệnh để đem cách mệnh đến thành công. Cách mệnh tháng Tám là bước thành công đầu tiên của cách mệnh Việt Nam. Cách mệnh từ đây bước sang một giai đoạn mới để hoàn thành nhiệm vụ cách mệnh phản đế phản phong và xây dựng xã hội dân chủ mới”. Đó là kết luận của Đào Duy Anh trong “Lịch sử cách mệnh Việt Nam từ 1862 đến 1930”.

Cuốn sách dừng lại ở cuối giai đoạn 1917-1930. Theo Đào Duy Anh, từ 1930, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, lịch sử cách mạng Việt Nam là một với lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một cuốn sách lịch sử trở lại sau 65 năm quên lãng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO