Một giấc mơ cần rất nhiều tiền

BắC PhOnG 20/07/2020 07:05

Không ai tính được trong số những người đi ô tô riêng hiện nay thì bao nhiêu phần trăm là những người cắn răng cắn lợi mua cho bằng được. Nhưng chắc đó là tỷ lệ không nhỏ.

Ảnh minh họa.

Theo quy định hiện hành, sau khi khách hàng vay tiền, thế chấp chiếc ô tô thì đó là tài sản của ngân hàng - một giám đốc chi nhánh ngân hàng cấp huyện nói và cho biết thêm, gần đây số người bị “siết” tô tô gán nợ tăng lên một cách… khó hiểu. Nói rồi, chị này cười rất nhạt để người ta ngầm hiểu rằng đằng sau câu chuyện siết xe hơi này còn nhiều việc đáng nói lắm. Vậy thì, những chuyện đó là gì?

Trên đường, ô tô ngày càng nhiều, đặc biệt là ô tô loại nhỏ của cá nhân. Đấy là khi giá xe vẫn rất chát, đến lúc nó trở về với giá thực thì không biết lượng ô tô còn tăng đến đâu, đường phố còn kẹt đến đâu và nhiều người còn bị… siết nợ đến đâu.

Phía ngân hàng cho biết, với những khách hàng chậm trả nợ nhiều tháng khi số tiền đã lên tới ngót nghét trăm triệu đồng cả gốc lẫn lãi thì đã phải tính đến chuyện ra tay thu hồi xe về bán. Trong số những tài sản cầm cố ngân hàng, thì ô tô sau khi bị siết, đấu giá sẽ bán dễ nhất.

Được biết, hơn 1 tháng qua nhiều ngân hàng đã liên tục phát đi thông báo về việc bán thanh lý tài sản bảo đảm là ô tô để thu hồi và xử lý các khoản nợ đi kèm.

Ví dụ như TPBank đã ra thông báo bán đấu giá 5 ô tô thương hiệu Toyota, Chevrolet và Kia của 5 khách hàng cá nhân, có phát sinh khoản nợ tại ngân hàng, với số dư nợ gốc và lãi hiện vào khoảng 2,23 tỷ đồng.

Ngân hàng VIB cũng rao bán khoảng 64 ô tô (chủ yếu dưới 9 chỗ), với một số nhiều dòng xe phổ biến như Toyota Vios, Toyota Innova, Honda City, Chevrolet.

Kẻ cả dòng xe loại sang cũng bị rao bán thanh lý, như ở SeABank từng thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm là một ô tô Mercedes Benz C-Class C250 sản xuất năm 2015, giá khởi điểm 880 triệu đồng.

Techcombank cũng tham gia “sân chơi” với ít ra là 2 chiếc Toyota Camry 2.4 và 2 ôtô Toyota Camry 3.5 với giá khởi điểm lần lượt từ 280 triệu và 260 triệu đồng mỗi xe.

Nguyên nhân đầu tiên được cho là nhiều người phải gán nợ ngân hàng bằng ô tô (hay nói là ngân hàng siết nợ thì cũng được) là do làm ăn khó khăn, do tác động xấu của đại dịch Covid-19. Nhưng cũng còn một nguyên nhân khác xem chừng phổ biến hơn đó là những người “bóc ngắn cắn dài” thích ô tô quá nên vay đầu nọ mượn đầu kia mua cho bằng được. Cưỡi trên “con 4 bánh” oai bằng vạn đi con xe hai bánh. Thế mới là đẳng cấp. Thế mới là người thành đạt.

Không ai tính được trong số những người đi ô tô riêng hiện nay thì bao nhiêu phần trăm là những người cắn răng cắn lợi mua cho bằng được. Nhưng chắc đó là tỷ lệ không nhỏ.

Mới đây, người bạn tôi ngán ngẩm than rằng, “sóng thần” lại đang đổ xuống đầu ông. Số là cậu con trai lấy được vợ rồi thì lập tức nằng nặc đòi bố mẹ cho tiền mua ô tô, nó nói rằng “thế hệ của bố mẹ là xe 2 bánh, còn thế hệ chúng con phải là xe 4 bánh”. Thương con, thôi thì đành chạy vạy gom một mớ tiền cho nó mua xe. Bây giờ đến tiền lãi ngân hàng hàng tháng cũng không trả nổi, bị “siết” mất xe rồi. Ngân hàng đã chuyển khoản vay mua xe của chúng thành nợ quá hạn và thu giữ tài sản bảo đảm.

Nghe người bạn già nói, nhìn ra đường nắng chang chang, thấy ô tô chạy qua chạy lại rầm rập, bỗng đâu một nỗi lo vô hình cứ hiện ra. Ở đời ai không lại muốn giàu có, sang trọng nhưng nào phải ai cũng có được điều đó đâu. Cứ đứng kiễng chân mãi thì cái nợ, cái khổ còn đeo bám. Có lẽ giấc mơ “4 bánh” ám ảnh rất nhiều người. Không ai cấm được ta mơ. Nhưng để có được nó thì phải có tiền, một giấc mơ cần rất nhiều tiền.

Trở lại câu chuyện của người bạn già. Vợ chồng bạn tôi một đời làm lụng lương thiện. Tôi biết không ít ngày họ đến cơ quan làm việc với chiếc dạ dày rỗng. Chỉ mong con cái học hành tử tế, công ăn việc làm ổn định, có gì cũng dành hết cho con. Già rồi, nguồn thu thít lại nhưng vẫn phải vay tiền cho con mua ô tô. Cha mẹ nào mà chẳng thương con.

Ấy thế nhưng có xe rồi thì hai vợ chồng chúng lượn suốt ngày, quên cả cha mẹ già. Gần đây nhất, khi về quê đám giỗ, ông bà già đành vợ trước chồng sau đưa nhau ra bến xe khách. Người không biết nhìn vào đều khen ông bà này già thế mà vẫn tình cảm. Người biết thì bảo ông bà này vô phúc.

Vợ chồng bạn tôi nuôi giấc mơ về con cái. Con cái của họ lại mơ giấc mơ ô tô. Thôi thì mỗi người mỗi kiểu, mỗi thế hệ có cách nghĩ, một giấc mơ, một cách hành xử của mình. Nhưng với thực tế ngân hàng “siết” ô tô cá nhân ngày một nhiều hơn, thì đôi khi giấc mơ lại biến thành ác mộng.

Tôi không thủ cựu đến mức chỉ hài lòng với thế hệ sau khi chúng sống thiếu thốn như những gì thế hệ chúng tôi đã trải qua. Nhưng cũng không thể cười vui được khi có quá nhiều người đã và đang “bóc ngắn cắn dài”. Nghĩ đến đây, chợt thấy ngại ngùng với cái kiểu cười nhạt của vị nữ giám đốc chi nhánh ngân hàng nọ. Và còn ngại hơn khi mái tóc của bạn tôi bạc nhanh quá, bước chân của anh rón rén quá. Anh như một chiếc bóng liêu xiêu trong một ngày hè chang chang nắng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một giấc mơ cần rất nhiều tiền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO