Một hoa giáp cần mẫn, bi hùng

XUÂN BA 05/12/2021 09:00

Nhà văn Phạm Hoa cùng tôi đã bao chuyến đi thương về nhớ. Hồi tháng 7 năm nay vướng bạo bệnh rồi đột ngột ra đi khi đương sức viết! Cứ như một cú “Đùa với tạo hóa” (tên một tác phẩm nổi tiếng của Phạm Hoa) vậy!

Một lần hội ngộ ở Trường Cấp 3 Vĩnh Lộc.

Dịp kỷ niệm 50 Trường Cấp 3 Vĩnh Lộc (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), tôi với Phạm Hoa ngủ ở làng Đông Môn ven chân thành Hồ. Nhà Hồ chỉ tồn tại 7 năm. Thế mà đã tổ chức 2 kỳ thi, lấy gần 200 người đỗ, trong đó có 1 trạng nguyên..

Tôi rủ rỉ lại cùng Phạm Hoa ký ức ấy. Có lẽ lần thi quốc gia vội vã ấy của Hồ Quý Ly trong lúc triều chính rối ren cùng họa xâm lăng của giặc Minh ở làng Đông Môn này đã khởi đầu cho sự học của đất Vĩnh Lộc? Lão thở dài lấy làm tiếc là trong sử huyện nhà, trong dư địa chí Vĩnh Lộc chả thấy nhắc chi đến sự kiện ấy của giáo dục Đại Việt cả?

Hôm sau cả hai tà tà xe máy đi lần tìm dấu tích một địa danh giáo dục, một di tích sự học nữa của huyện nhà, trường Quảng Hóa.

Cú rủ cùng cuộc đi và cả kiến văn phong phú của ông bạn nhà văn Phạm Hoa như sinh sắc thêm một quá vãng.

Phủ Quảng Hóa thành lập năm Minh Mệnh thứ 16 (1835). Những năm đầu thế kỷ XX, Phủ Quảng Hóa (gồm huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thuỷ, Yên Định); Phủ lỵ đặt tại làng Giáng, Tổng Cao Mật (nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc). Năm 1913 một trường Tiểu học được thành lập. Ngày đầu thành lập trường có tên gọi: “Trường tiểu học Quảng Hóa” để dạy chữ Hán, Quốc ngữ và Pháp ngữ. Đến năm 1927 trường có quy mô 6 lớp, thêm lớp Nhì, Nhất niên và lớp nhất.

Từ ngày thành lập đến tháng 8 năm 1945 có tên gọi Trường Pháp Việt Vĩnh Lộc. Sau năm 1945 là trường cấp 1 rồi Trường tiểu học Vĩnh Thành. Người thầy Hiệu trưởng đầu tiên, thầy Nguyễn Đan Quế. Trước khi trúng cử Dân biểu Trung Kỳ, thầy giáo Nguyễn Đan Quế từng dạy học (chữ Nho và chữ Pháp). Khi Trường Pháp Việt Quảng Hóa được thành lập, thày được chọn là Hiệu trưởng đầu tiên cho mãi đến năm 1926 khi trúng cử dân biểu Trung Kỳ.

Sau năm 1945, cụ Nguyễn Đan Quế được cử làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Thanh Hóa và lui về hoạt động tại quê nhà Vĩnh Lộc. Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ông Trần Đăng Ninh về làng Sóc Sơn đón cụ Quế ra chiến khu Việt Bắc. Nhưng không may cụ Quế lâm bệnh nặng rồi mất sau đó.

Vâng, một trong những người thầy đầu tiên của tôi ở trường làng, thày giáo Nguyễn Biển là con trai cụ Nguyễn Đan Quế. Thày Biển là thân phụ của TS Nguyễn Đình Thắng, học sinh cấp 3 Vĩnh Lộc. Thắng có chị gái là Nguyễn Thị Lan cùng lứa với tôi ở trường huyện Vĩnh Lộc. Lan học giỏi. Được chọn đi học ở Liên Xô và sau này là tiến sĩ về ngành Môi trường. Có một chuyện vui. Tháp tùng Thủ tướng thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ cuối năm 2006, trên chuyên cơ có 3 người cùng làng. NSND Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin. Người thứ hai là Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hội Phần mềm Việt Nam. Người thứ 3 là tác giả bài viết này cùng làng Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc.

Thắng là cú hích cho Quỹ khuyến học mang tên Nguyễn Đan Quế, đầu tiên là ở xã, sau là huyện. Rồi học bổng Nguyễn Đan Quế mang tầm vóc của Thanh Hóa mỗi năm trợ cấp học bổng cho hàng trăm học sinh nghèo vượt khó.

Rời nền xưa Trường Quảng Hóa, một hồi lâu chúng tôi tha thẩn bên gốc xà cừ cổ thụ ở sân Trường Cấp 3 Vĩnh Lộc. Gốc thụ mộc ấy như một chứng nhân lặng lẽ. Đã từng sừng sững, đã vạm vỡ từ thuở trò lứa Phạm Hoa. Phạm Hoa học trước tôi một khóa nhưng một quá vãng thân thương vẫn roi rói như mới hôm qua. Lại được thầy Tân hiệu trưởng bồi bổ thêm quá vãng thời mới thành lập năm 1961.

Năm đầu tiên với 3 lớp 8 (chưa có lớp 9, lớp 10). Các thầy Nguyễn Văn Cảnh (Hiệu trưởng), Trần Kiệu, Ngô Văn Thập, Phạm Phú Thang, Vũ Đình Đùng, Trịnh Truy… là một trong những thầy đầu tiên. Cung cách mô phạm vẫn như váng vất hình ảnh các thầy đồ trong sinh hoạt và giao tiếp. Niên học 1962, số lớp đã tăng gấp đôi. Trong 6 lớp, 3 lớp 8, 3 lớp 9 gồm 269 học sinh, thầy Phán được bổ sung làm giáo viên chủ nhiệm. Bước sang năm 1963, số lớp học sinh tăng gấp đôi.

Năm 1966, Trường có sự kiện là hai lớp chuyên văn và chuyên toán của tỉnh chuyển về. Và Khu B được thành lập ở xã dưới Vĩnh Hòa. Khu B có 3 lớp 8, 1 lớp 9 và 1 lớp 10. Niên học 1966 số lớp đã lên tới con số 19. Lượng học sinh năm nào cũng trên 1.000. Niên học 1981 sĩ số lên tới 1.555 học sinh.

Rồi lần lượt những năm sau, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông vào loại nhất nhì tỉnh. Học sinh vào các trường Đại học, Cao đẳng vào loại cao trong vùng. Nhiều năm con số đỗ đạt lên tới trên 50%. Năm học 2014-2015 đội tuyển học sinh giỏi các môn văn hóa của nhà trường xếp thứ 19/107 trường THPT toàn tỉnh… Nhà trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Năm 2002, Chủ tịch nước đã tặng thưởng nhà trường Huân chương Lao động hạng 3 và nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Giáo dục - Đào tạo, UBND tỉnh, Sở Giáo dục tỉnh Thanh Hóa cho ngôi trường từng đào tạo hơn 15.000 học sinh tốt nghiệp PTTH.

Câu chuyện cô giáo Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng lần gặp mới đây văng vẳng như dư âm một quá vãng bi hùng của thời chiến tranh vệ quốc. Công tác giáo dục truyền thống của Trường khá chu đáo nên học sinh các thế hệ đều biết tấm gương Hoàng Văn Dương niên học (1967-1970) ở Tân Phúc, Vĩnh Phúc. Anh học sinh lớp 10A ngày ấy là một thanh niên cao lớn, trắng trẻo, thông minh, học giỏi nhất lớp. Ngày anh nhập ngũ, lớp đến chia tay, bố anh bê một chiếc thúng to để trước mặt mọi người. Đấy là chiếc thúng đựng được gần 1 tạ thóc. Nhưng trong thúng không phải là thóc mà là một chồng sách. Ông nói: “Để lúc em nó về có sách học tiếp”. Nhưng Hoàng Văn Dương đã hi sinh ở chiến trường miền Nam sau đó 1 năm.

Năm 1970, Cấp 3 Vĩnh Lộc có 3 học sinh lớp 10 dự thi học sinh giỏi toàn miền Bắc. Đó là anh Nguyễn Thế Hiểu ở Luậy Chấp - Vĩnh Hoà. Hiểu học lớp 10C, người nhỏ, đen, tính tình trầm lặng, ít nói. Chàng trai học giỏi một cách lặng lẽ không ồn ào này đã xung phong đi bộ đội và hy sinh ở chiến trường.

Máu ở chiến trường. Và cả máu hậu phương. Vào 14h30 ngày 29/1/1967, tại bến đò Hoành, một trận thảm sát của không quân Mỹ đã diễn ra. Bà con vùng này kể, hôm ấy anh Phạm Quang Nghị học sinh cấp 3 Vĩnh Lộc (Khóa 1964 -1967, sau này là Ủy viên Bộ Chính trị Bí thư Thành ủy Hà Nội) đi học về muộn, vừa đạp xe đến bến đò Hoành thì đò đầy đã bắt đầu qua sông. Bất chợt máy bay Mỹ xuất hiện, ào tới ném bom. Bom và tên lửa xối xả vào con đò và xóm bãi ven sông. Con đò mong manh chở đầy người, chủ yếu là học sinh vừa tan trường. Bốn mươi hai người chết, sáu mươi chín người bị thương. Anh học trò Phạm Quang Nghị đã thoát hiểm nhưng hai em gái và một người trong dòng họ đã chết.

Chuyện cô giáo Hiệu trưởng khiến tôi thảng thốt bùi ngùi nhớ đến những sải chân gấp gáp ngày xa ấy. Cánh học sinh 5 xã miền xuôi trọ học ở huyện lỵ cứ trưa thứ 7 lại cuốc bộ về nhà chiều chủ nhật lại trở lên. Phải rảo nhịp chân cho kịp với đám các anh Oai, Cẩm… lớp trên. Những sải chân anh Oai xã Vĩnh Minh vào cuối năm 1971 lớp 10C không phải cùng lũ chúng tôi hướng về quê nhà xã Vĩnh Minh mà anh thẳng hướng về phía chiến trường miền Nam. Anh Oai là thành viên trong Trung đội cảm tử mang tên Phạm Quốc Ca đã cùng toàn bộ trung đội hy sinh ở đầu cầu Quảng Trị 1972. Trung đội anh Oai đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng!

Anh Oai cũng như anh Hiểu, anh Hoàng Văn Dương trong đội hình 107- một trăm linh bảy- Liệt sĩ của Trường Cấp 3 Vĩnh Lộc đã hy sinh!

Trường còn chu đáo thống kê con số hơn 200 học sinh Vĩnh Lộc là thương binh các loại.

Lần này về Trường không có Phạm Hoa. Lại những sải bước chầm chậm quanh gốc xà cừ sân trường năm xa ấy. Cứ thảng thốt tưởng như học sinh lớp 10A Vĩnh Lộc rồi người chiến sĩ lái xe Trường Sơn, nhà văn Phạm Hoa mới về nhập với đội hình bạn bè đồng đội từng ngã xuống?

Và quanh những thụ mộc sân trường, có các thế hệ học sinh cấp 3 Vĩnh Lộc. Những GS.TS Trần Quốc Dũng (Xây dựng), PGS.TS Lê Văn Hiếu, PGS.TS Nguyễn Văn Quân (Dầu khí) PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, PGS.TS Nguyễn Văn Toại (Y tế), TS Nguyễn Tiến Dũng (Tài chính), PGS TS Nguyễn Văn Viết (Nông nghiệp), PGS.TS Phạm Văn Hảo (Ngôn ngữ), NSƯT Hương Thơm (Tuồng), NSƯT Quốc Anh (Chèo). Các nhà văn Nguyễn Bảo, Lê Quang Sinh, điêu khắc gia Hoàng Nhân…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một hoa giáp cần mẫn, bi hùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO