Một năm chiến thắng Covid-19

Minh Thúy 25/01/2021 07:37

Một năm trước, ngày 23/1/2020, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 121/CĐ-TTg về việc phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Kể từ đó, đất nước trải qua một năm với rất nhiều quyết tâm, với rất nhiều cảm xúc: Năm Việt Nam chiến thắng đại dịch Covid-19.

Các thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai trong thời điểm bệnh viện được gỡ bỏ phong tỏa, 0h ngày 12/4/2020. Ảnh: Quang Vinh.

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 121/CĐ-TTg (ngày 23/1/2020) đến nay, một năm trôi qua với quyết tâm rất lớn: Mỗi khu dân cư là một pháo đài chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ trong pháo đài ấy. Chủ trương chặn dịch từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch ở bên trong đã hạn chế tới mức thấp nhất số ca lây nhiễm cũng như số người tử vong do Covid-19.

Những dấu mốc không quên trong cuộc chiến chống dịch bệnh

Tròn 1 năm phòng chống dịch Covid-19, có thể điểm lại một số mốc thời gian quan trọng sau:

Ngày 23/1/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 121 về việc phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Ngày 30/1/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 170 thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19. Đây cũng là thời điểm phát hiện 3 bệnh nhân từ Vũ Hán (Trung Quốc) về xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) dương tính với SARS-CoV-2.

Ngày 1/2/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 173 về việc công bố dịch.

Từ ngày 3/2 đến 0h ngày 4/3/2020, khoanh vùng cách ly khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).

Ngày 7/2/2020, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương công bố nuôi cấy và phân lập thành công chủng mới của virus Corona trong phòng thí nghiệm.

Ngày 7/3/2020, công bố bệnh nhân 17 từ Anh về nước trên chuyến bay VN0054, cuộc chiến chống dịch với các ca xâm nhập từ bên ngoài được đẩy mạnh. Sau đó Hà Nội công bố dịch. Phong tỏa tuyến phố Trúc Bạch.

Ngày 17/3/2020, thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 19/3/2020, Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế tổ chức Lễ phát động nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”.

Ngày 20/3/2020, công bố 2 bệnh nhân 86,87 là điều dưỡng viên Bệnh viện Bạch Mai. Từ đó phát hiện ổ dịch tại bệnh viện với 44 ca bệnh. Cùng thời điểm, công bố bệnh nhân 91, phi công người Anh, từ đó phát hiện ổ dịch tại quán bar Buddha (tại TPHCM) với 19 ca. 0h ngày 12/4/2020, gỡ phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai.

Từ 0h ngày 21/3/2020, hành khách nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường hàng không thực hiện cách ly tập trung bắt buộc 14 ngày.

Ngày 27/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15 yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống Covid-19.

Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19.

Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16 thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Thực hiện cách ly toàn xã hội 15 ngày từ 0h ngày 1/4 trên phạm vi cả nước.

Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 447 về việc công bố dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Ngày 24/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 19 về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Ngày 25/7/2020, công bố bệnh nhân 416 tại Đà Nẵng sau 99 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Từ đó phát hiện 553 ca bệnh tại Đà Nẵng và một số tỉnh thành.

Tối 31/11/2020, công bố bệnh nhân Covid-19 là bệnh nhân 1342, tại TP HCM sau 55 ngày cả nước không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Ngày 17/12/2020, Học viện Quân y chính thức tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax đầu tiên của Việt Nam trên người tình nguyện.

Tối 26/12, Bộ Y tế cống bố ca mắc mới là bệnh nhân 1440, nhập cảnh trái phép về Vĩnh Long.

Ngày 21/1/2021, khởi động chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivax phòng bệnh Covid-19 thứ hai của Việt Nam.

Nhìn lại những dấu mốc chính trong cuộc chiến phòng chống Covid-19 suốt năm qua, một lần nữa cho thấy quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và sự đồng lòng của toàn dân. Điều đó đã làm nên thắng lợi của đất nước trong cuộc chiến cam go này, trong khi tới nay thế giới vẫn đang phải chống trả dịch bệnh khi mà đã sắp tới con số 100 triệu người nhiễm SAR-CoV-2.

Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong điều chế vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.

“Thành công của Việt Nam rất thần kỳ và kỳ lạ”

Cho tới hết ngày 23/1/2021, cả nước không ghi nhận mắc mới, trong khi có 19.142 người đang được cách ly. Trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 125 người; cách ly tại cơ sở khác 18.103 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 1.184 người. Như vậy, tính tới thời điểm đó, Việt Nam ghi nhận 1.548 trường hợp mắc Covid-19, có 693 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7/2020 đến hết ngày 23/1/2021 là 553 ca.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 31 người đã chuyển âm tính ít nhất một lần với SARS-CoV-2. Việt Nam có 52 ngày liên tiếp (tính đến hết ngày 23/1/2021) không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Còn tính từ đầu dịch tới nay (trong vòng 1 năm), chỉ có 35 người tử vong đều là những người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền rất nặng.

Tới nay, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ số ca/1 triệu dân thuộc loại thấp nhất thế giới.

Thành tích chống dịch Covid-19 của Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi đó là “ngôi sao sáng” trong cuộc chiến đấu chống dịch toàn cầu.

Mới đây nhất, trang Nikkei của Nhật Bản đã có bài đánh giá về sự bứt phá ngoạn mục của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu. Nhận xét của Nikkei, nhờ thành tích bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Việt Nam nắm bắt được cơ hội kinh tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ; trong khi ngay cả khi các nước láng giềng vẫn phải vật lộn với suy thoái do đại dịch. Và rằng, “dưới góc nhìn của người dân Nhật Bản, thành công của Việt Nam rất thần kỳ và kỳ lạ”.

Ngày 23/1, nhân tròn 1 năm Việt Nam chống dịch và chiến thắng dịch Covid-19, trao đổi với truyền thống, Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nhận định: “Việt Nam đã và đang kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, giữ số ca mắc và ca tử vong ở mức thấp so với các quốc gia khác”.

Theo ông Kidong Park, cho đến thời điểm hiện tại, tổng số ca xác định mắc Covid-19 trên 1 triệu dân ở Việt Nam giữ ở con số 16; và tổng số ca tử vong trên 1 triệu dân là 0,4. Đây là những con số thấp nhất trong số 15 quốc gia có trên 90 triệu dân.

“Không chỉ dừng lại ở đó, Việt Nam đang tiếp tục đẩy nhanh năng lực kiểm soát Covid-19 thông qua việc tham gia tích cực vào nỗ lực toàn cầu sản xuất vaccine Covid-19. Hiện tại, Việt Nam có một ứng viên vaccine đang được phát triển trong nước và đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Đây thực sự là một nỗ lực ấn tượng”- Tiến sĩ Kidong Park nói.

Tuy nhiên, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cũng không quên lưu ý cần phải cảnh giác cho tới khi chấm dứt đại dịch.

Tới nay, Việt Nam đã có 2 loại vaccine ngừa Covid-19 thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện. Đó là vaccine Nanocovax và Covivac. Từ ngày 17/12/2020 đã bắt đầu tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax. Qua đánh giá cho thấy vaccine sinh miễn dịch 4-20 lần so với bình thường. Còn với Vaccine Covivac được nghiên cứu từ tháng 5/2020; giai đoạn tiền lâm sàng đã được đánh giá tại Việt Nam, Ấn Độ và Mỹ, với kết quả cho thấy vaccine an toàn và sinh miễn dịch. Trong giai đoạn nghiên cứu, đã có 10 lô vaccine (50.000 - 100.000 liều vaccine /lô) được sản xuất thành công. Với 2 loại vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng, nhiều hy vọng cho thấy Việt Nam sẽ có vaccine phục vụ cho tiêm ngừa rộng rãi từ khoảng giữa năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một năm chiến thắng Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO