Một năm học và thi đặc biệt

Thu Hương 19/06/2021 07:43

Tháng 6, mùa thi, mùa chia ly. Năm học 2020-2021 vẫn chưa thực sự khép lại bởi ở nhiều địa phương, với một số khối lớp, kỳ thi và tổng kết cuối năm vẫn chưa diễn ra do những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Song vượt qua nhiều “sóng gió” do điều kiện dịch bệnh không mong muốn, ngành giáo dục đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, linh hoạt để thích ứng.

Học sinh Hà Nội đến trường thi vào lớp 10 công lập. Ảnh: Quang Vinh.

“Chạy đua” với dịch bệnh

Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy không chỉ thành phố lớn hay tỉnh miền xuôi thuận lợi, mà cả những địa phương thuộc khu vực miền núi, vùng cao như Yên Bái, Lào Cai…cũng áp dụng mạnh mẽ các giải pháp công nghệ thông tin và đạt hiệu quả tích cực trong dạy học.

Tuy vậy, nhìn lại một năm học 9 tháng có đến 2 đợt học online vẫn là một thách thức với ngành giáo dục, đặc biệt là với những lớp học sinh cuối cấp. Bộ GDĐT đã nhanh chóng có những hướng dẫn giảm tải nội dung môn học, linh hoạt thời gian kết thúc năm học… nhưng tâm trạng lo lắng, hồi hộp của các thí sinh trước những kỳ thi quan trọng là không tránh khỏi, nhất là khi để ứng phó với dịch Covid-19 diễn biến nhanh và phức tạp, ngành GDĐT buộc phải nhiều lần điều chỉnh việc dạy - học, kiểm tra với yêu cầu vừa đáp ứng nâng cao chất lượng, vừa thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch.

Nhớ lại trước kỳ nghỉ lễ 30/4, nhiều trường học trên cả nước đã quyết định thay đổi lịch học, kiểm tra học kỳ II. Thay đổi liên tục như vậy nhưng đến phút cuối, nhiều khối lớp vẫn chưa thể triển khai kỳ kiểm tra cuối kỳ II.

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, học sinh nhiều trường vẫn chưa hoàn thành năm học 2020-2021. Cuối tháng 6, năm học vẫn chưa kết thúc dù theo khung thời gian năm học do Bộ GDĐT đưa ra thì 31/5 là hạn cuối. Nhiều trường học vẫn đang miệt mài cho học sinh lớp 2, lớp 3 ôn tập với các đề kiểm tra vì sợ các con quên kiến thức, đến khi đi thi làm bài không tốt.

Một số trường lại nghỉ hẳn, chờ chỉ đạo tiếp theo của cấp trên về việc kiểm tra trực tuyến hay trực tiếp khi trở lại trường ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Phụ huynh thấp thỏm vì chưa thi hết học kỳ, cũng không thể để con thoải mái nghỉ hè như mọi năm, về quê thăm ông bà…

Nhiều kế hoạch bị ngừng trệ vì dịch bệnh. Riêng với học sinh lớp 9 và lớp 12, hai thời điểm quan trọng đứng trước những ngã rẽ khác nhau, đối mặt với những kỳ thi mang tính quyết định nhưng nền tảng chuẩn bị lại là hai năm học đặc biệt, bị xáo trộn bởi dịch bệnh khiến cho việc học và ôn tập có những khó khăn nhất định.

Nếu như một số địa phương đến thời điểm này đã hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 trong sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và người dân thì một số tỉnh thành, dịch bệnh bùng phát khó lường khiến lịch thi bị dời lại chưa biết đến ngày nào. Ôn thi trong tâm trạng lo lắng, bất an kéo dài là một thử thách đòi hỏi bản lĩnh của các thí sinh tham dự kỳ thi năm nay.

Thông cảm với các em, một số tỉnh thành đã quyết định chuyển sang hình thức xét tuyển vào lớp 10 với niềm tin về việc làm đẹp hồ sơ sẽ không xảy ra, rằng việc xét tuyển theo nguyện vọng đã đăng ký vẫn đảm bảo công bằng, khách quan do quyết định xét tuyển đưa ra vào phút cuối nên sẽ khó có những can thiệp khác vào hồ sơ của mỗi thí sinh.

Dù chọn cách nào thì xét đến cùng, nếu đứng trên lợi ích của thí sinh mà quyết định thì sẽ tạo ra những đồng thuận trong xã hội. Bởi song song với câu chuyện quyền lợi, chất lượng của kỳ thi, kỳ xét tuyển thì đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của mỗi thí sinh và nhà trường, người nhà cũng là một nhiệm vụ quan trọng không kém trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.

Trước đó, lễ khai giảng năm học cũng đã diễn ra ở nhiều địa phương dưới hình thức trực tuyến. Một lễ khai giảng năm học không có học sinh tham dự. Lễ bế giảng cũng không có tiếng cười của học sinh. Dịch bệnh làm cô trò xa nhau, làm gián đoạn nhiều chương trình dự định tổ chức…

Đặc biệt là thế nhưng nhờ đó, cũng có được những bài học cuộc sống đầy trân trọng, đáng giá được hình thành trong khó khăn.

Chia sẻ của cô cô Hiệu trưởng Trần Thị Tường Vi - Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đáng để suy ngẫm: “Khi nghe việc học sinh sẽ nhận đề và làm bài kiểm tra cuối năm ở nhà, nhiều ý kiến cho rằng “chắc điểm 9, 10 hết thôi”… Nhưng, đến khi nhận lại bài làm của các con, chúng tôi “ngỡ ngàng” với những bài làm không xong; có những câu tự luận của môn khoa học, lịch sử, địa lí các con để giấy trống. Tức là các con quyết tâm không mở sách giáo khoa chép vào khi không thuộc.… Tôi thật sự rất cảm động trước những bài làm “không tròn trịa” này! Tôi thay mặt nhà trường xin được cảm ơn các bố mẹ đã giáo dục các con tính trung thực!”.

Lễ bế giảng đặc biệt.

Kịch bản một kỳ thi

Trước mắt, ngành giáo dục còn một sự kiện quan trọng bậc nhất đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Mặc dù những năm gần đây, các trường đại học đã hướng đến tự chủ, trong đó có tự chủ tuyển sinh với các hình thức xét tuyển, thi tuyển khác nhau, không quá phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi chung để tuyển sinh. Song xét ở cấp độ quốc gia, đây vẫn là một kỳ thi quan trọng nhìn lại chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay, nhất là khi nước nhà đang bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều đột phá về dạy và học.

Năm học 2020-2021 có hơn 1 triệu thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó 3/4 thí sinh lấy kết quả kỳ thi để xét tuyển đại học.

Bộ GDĐT đang cùng với các địa phương, phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm kỳ thi đúng kế hoạch, an toàn cho học sinh, cán bộ coi thi và hệ thống giáo dục. Đến nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đều bảo đảm đúng tiến độ, nghiêm túc, quyết tâm tổ chức thành công kỳ thi vào ngày 7/7 và ngày 8/7/2021.

Trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GDĐT sẽ có phương án tổ chức đợt thi thứ 2 cho các địa phương đang phải giãn cách xã hội, thí sinh bị cách ly y tế… do dịch Covid-19.

“Trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu, nhiều địa phương bị ảnh hưởng, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để có phương án điều chỉnh thời gian kỳ thi” - Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT, năm nay, Bộ GDĐT đã chuẩn bị một kịch bản đầy đủ, bao gồm báo cáo tổng quát kèm theo một bản khai gồm 20 đầu việc - chứa đựng tham vọng và phòng ngừa rủi ro.

Về phía các địa phương, mỗi nơi vẫn cần có những kịch bản riêng, sát với tình hình địa phương là khẳng định của đại diện Bộ GDĐT. Trong đó, một vấn đề “đau đầu” đó là việc tổ chức thi đúng lịch của Bộ GDĐT cho cả thí sinh trong diện F1, F2. Thách thức lớn nhất là sẽ gia tăng số điểm thi, phòng thi cách ly, phòng thi dự phòng tình huống phát sinh và lực lượng cán bộ, nhân viên tham gia tương ứng.

Linh hoạt, chủ động tìm ra những cách làm mới để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021 là những thách thức đặt ra với ngành giáo dục trong thời điểm hiện nay. Điều này đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực của thầy và trò cả nước, của ngành giáo dục mà còn cần sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền trong việc đồng hành cùng ngành giáo dục trải qua những ngày cuối cùng của một năm học đặc biệt!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một năm học và thi đặc biệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO