Một quyết định ‘cởi trói’

Nam Việt 14/10/2021 00:29

Ngày 12/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với 4 cấp độ dịch. Quy định này được áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Đây là bước ngoặt quan trọng để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội khi dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát.

Trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19, đã gần 2 năm qua, tùy thực tế của từng địa phương, áp dụng các Chỉ thị số 15 (ngày 27/3/2020), Chỉ thị số 16 (ngày 31/3/2020), Chỉ thị số 19 (ngày 24/4/2020) của Thủ tướng Chính phủ.

Nghị quyết mới của Chính phủ lập tức nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội, vì nó loại bỏ việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch “mỗi nơi một kiểu” kể cả khi dịch đã được kiểm soát, dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, vận tải hàng hóa và hành khách, tạo thêm khó khăn khi mà dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh cũng như cuộc sống của người dân.

Nghị quyết mới của Chính phủ phân chia rõ 4 cấp độ dịch: Cấp 1 là nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 là nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3 là nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4 là nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Cấp độ dịch được phân loại dựa trên 3 tiêu chí, gồm tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỷ lệ tiêm đủ liều); và khả năng thu dung, điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung).

Đáng chú ý, phạm vi đánh giá cấp độ dịch được sẽ chia nhỏ quy mô cấp xã. Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố quyết định chuyển đổi cấp độ dịch. Trong trường hợp nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.

Nghị quyết mới cũng chỉ rõ, ngoài các biện pháp được nêu trong quy định, các tỉnh, thành phố có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Ở cấp độ 1, 2 và 3, việc đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau sẽ không bị hạn chế. Tuy nhiên, ở cấp độ 3 thì cần tuân thủ điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Còn nếu dịch ở cấp độ 4, việc đi lại sẽ bị hạn chế, người dân cần tuân thủ các điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đáng chú ý, ở cả 4 cấp độ dịch, việc điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 đều được áp dụng, phù hợp với điều kiện thu dung, điều trị và điều kiện ăn ở, sinh hoạt, nguyện vọng của người bị nhiễm, theo từng địa phương.

Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh được phép hoạt động ở cả 4 cấp độ dịch. Riêng cấp độ 4, trong trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh có thể quy định về số lượng người vận chuyển hàng bằng xe máy sử dụng công nghệ cùng tham gia lưu thông trong một thời điểm. Đối với vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải được phép hoạt động bình thường ở cấp độ 1; cấp độ 2 vẫn được hoạt động nhưng kèm theo điều kiện. Ở cấp độ 1, 2 và 3, các cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống được hoạt động nếu đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.

Nghị quyết quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ phù hợp với thực tế diễn biến dịch cũng như kết quả phòng, chống Covid-19 của đất nước; chính vì thế được coi là quyết định “cởi trói”, mở cửa để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Điều mà người dân, doanh nghiệp đã chờ đợi từ lâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một quyết định ‘cởi trói’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO