Một tấm lòng son ở với đời

Bùi Tuấn 25/10/2021 09:00

Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu qua đời lúc 12h37 ngày 30/9/2021, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, hưởng thọ 105 tuổi. Dòng tin ấy lan đi rất nhanh. Những ai thân quen với GS Vũ Khiêu đều biết ông đã qua tuổi “bách niên”. Trong những năm cuối đời, giáo sư không còn khỏe nữa nhưng trí tuệ thì vẫn minh mẫn. Mỗi khi nhớ về GS Vũ Khiêu, tôi luôn nghĩ tới hình ảnh của một học giả uyên bác, một bậc trí thức lớn, một nhà văn hóa có kiến thức sâu rộng hiếm người sánh được.

GS Vũ Khiêu (1916-2021).

Khi dòng tin GS Vũ Khiêu qua đời bay đi giữa một buổi trưa cuối thu Hà Nội vẫn còn chưa thể “bình thường mới”, khiến tôi nhớ tới hai câu thơ, mà lúc sinh thời, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đề tặng GS Vũ Khiêu: “Hai bàn tay trắng không vương bụi/ Một tấm lòng son ở với đời”.

GS Vũ Khiêu đã thanh thản rũ bỏ bụi trần, nhưng tấm lòng của ông, phẩm cách trí thức và dấu ấn xuyên thế kỷ của ông thì vấn còn đó, vang vọng trong ký ức lớp hậu sinh và qua những công trình nghiên cứu đa dạng…

Là tác giả của gần trăm cuốn sách mà nhiều người cần phải đọc, về nhiều lĩnh vực: triết học, giáo dục, kinh tế, tôn giáo, văn hóa, lịch sử, đạo đức, mỹ học, tư tưởng Hồ Chí Minh, GS Vũ Khiêu là một tấm gương về lao động trí óc. Với sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa phương Đông và phương Tây, GS Vũ Khiêu đã có những đóng góp to lớn trong nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam với những tác phẩm có giá trị lịch sử, văn hóa mang tính thời đại, ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống đạo đức và văn học nghệ thuật ở nước ta.

Ngược dòng thời gian, chàng trai Đặng Vũ Khiêu quê ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Tốt nghiệp tú tài trường Bonnal (Ngô Quyền - Hải Phòng), Vũ Khiêu tham gia cách mạng, đã hoạt động trên các lĩnh vực: Công tác Đảng, dân vận, chính quyền, quân đội và đối ngoại…

Trong kháng chiến chống Pháp, ông được phân công làm công tác tuyên huấn ở Khu 10, rồi Khu Việt Bắc, Tây Bắc, trực tiếp có mặt tại tiền tuyến từ Chiến dịch Biên giới năm 1950, đến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Trong quá trình hoạt động, ông đã tập hợp và cùng làm việc với các văn sĩ, trí thức nổi tiếng của Việt Minh như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Thanh Tịnh... Sau năm 1954, ông chuyển từ công tác tuyên huấn sang làm công tác nghiên cứu. Ông cũng tham gia giảng dạy triết học và lý luận khoa học xã hội cho các trường Đảng và các trường đại học. Năm 1959, ông làm Thư ký khoa học xã hội của Ủy ban Khoa học Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học, là người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã hội học ở Việt Nam.

Về hoạt động đối ngoại, ông có nhiều đóng góp, làm Trưởng đoàn Việt Nam tại Hội thảo phong tặng Hồ Chí Minh là con người hòa bình; sáng lập viên tham gia thành lập Hội Xã hội học các nước XHCN; giúp Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên điều hành nhiều hội thảo quốc tế của UNESCO thế giới tại Việt Nam; cùng Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ chủ trì nhiều cuộc hội thảo về Nho giáo tại Việt Nam và Paris; được nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Chủ tịch Hội Khổng học thế giới mời làm cố vấn của Hội…

Tôi còn nhớ, khi bước vào tuổi tròn trăm, GS Vũ Khiêu vẫn giữ được sự dẻo dai. Máy bay vừa hạ cánh xuống TPHCM, ít phút sau đó ông tươi cười trong cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo Thành phố. 5h sáng hôm sau, GS Vũ Khiêu lại tiếp tục ra sân bay bay đi Long Xuyên.

Một số tác phẩm của GS Vũ Khiêu.

GS Vũ Khiêu sinh ngày 19/9/1916. Ông đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 1 năm 1996 cho cụm các công trình “Anh hùng và nghệ sĩ” (1972), “Góp phần nghiên cứu cách mạng tư tưởng và văn hóa” (1987), “Người trí thức Việt Nam qua các chặng đường lịch sử”. Năm 2000, giáo sư được phong danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới…

Nhìn lịch di chuyển, làm việc của người trí thức Vũ Khiêu, ít ai hình dung người đó đã bước vào tuổi 100. Nhưng duy trì được phong độ ấy, ngoài sự “trời cho” còn phần nhiều là do sự rèn luyện của ông. Trong cuộc đời của mình, GS Vũ Khiêu không cho phép mình được ngày nào ngơi nghỉ. Hồi trẻ cũng thế mà về già lại càng như vậy.

Lại nhớ năm 2000, khi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, GS Vũ Khiêu đã nói: “Vào tuổi 85 được nhận danh hiệu Anh hùng, tôi nghĩ rằng đã là anh hùng, thì sao có thể có ngày nghỉ. Tôi lại quyết tâm trở về với công việc và nguyện rằng từ đây cho đến lúc xuôi tay, tôi sẽ không có một ngày nào nghỉ”.

Đến năm 2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, được vinh danh là “công dân ưu tú của Thủ đô”, GS Vũ Khiêu tâm sự: “Với danh hiệu cao quý này, tôi lại không thể nghỉ ngơi được nữa. Năm nay tôi đã 95 tuổi, nếu trời cho thọ tới 100 tuổi thì tôi vẫn còn 5 năm để sống và làm việc. Tôi dồn hết tâm huyết để tiếp tục phục vụ Tổ quốc, phục vụ Thủ đô”.

Đưa ra quyết tâm ấy và ông thực hiện một cách rốt ráo. Đêm ông cũng ngủ ít hơn và miệt mài với những công trình nghiên cứu. Ông luôn chạy đua với thời gian, dẫu vẫn biết “không ai bảo đến mà vẫn đến đó là trời, không ai bảo đi mà vẫn đi đó là mệnh”.

Không chỉ là một nhà trí thức uyên bác, ưu thời mẫn thế, GS Vũ Khiêu còn là người có nhiều công trình nghiên cứu về giới trí thức Việt Nam từ xưa tới nay. Theo ông, điểm mạnh của người trí thức chân chính của Việt Nam là ở chỗ họ luôn gắn cuộc đời của mình với tiền đồ của dân tộc. Họ toàn tâm toàn ý vươn tới đỉnh cao của phẩm giá và trí tuệ của con người. Họ ngày đêm suy nghĩ, phát minh và sáng tạo để mang lại phồn vinh cho Tổ quốc, danh dự cho dân tộc và lẽ sống cho bản thân mình.

Theo GS Vũ Khiêu, chỗ mạnh của trí thức Việt Nam không phải ở những người này mà đang ngày một phát triển ở những tầng lớp trí thức chân chính những hiền tài của đất nước, những vốn quý của dân tộc. Họ thể hiện thế mạnh cực kỳ lớn lao của trí thức Việt Nam. Ý chí và hoài bão của họ đang ngày càng được bổ sung và củng cố từ nhiều phía.

Trong công trình khảo cứu về “Nguyễn Trãi - khí phách và tinh hoa dân tộc”, GS Vũ Khiêu nhấn mạnh: “Đau khổ của người trí thức là đau khổ được nhân lên gấp đôi, bởi đó là đau khổ của nhân dân được cộng thêm những suy tư của người trí thức”. Ông cũng quan niệm: “Trí thức là người biết rộng hơn, biết sâu hơn và nhìn xa hơn những người không phải là trí thức. Chính vì thế mà người trí thức đã lo trước khi người khác chưa lo. Anh ta thấy rõ con đường phải đi khi người khác chưa thấy. Anh ta tin tưởng tuyệt đối vào tương lai khi người khác chưa tin tưởng…”.

Nhắc tới GS Vũ Khiêu, nhiều người còn nhớ tới tài viết các bài phú, văn tế và câu đối nổi tiếng. Một số ý kiến cho rằng, ông là bậc thầy về thể văn phú. Hồi trẻ, GS Vũ Khiêu đã viết 2 bài phú được truyền tụng. Đó là “Truy điệu những lương dân chết đói” (3/1945) và “Văn tế anh hùng liệt sĩ của Cách mạng Tháng Tám” (8/1946). Sau này, ông lại có tiếp: “Phù Đổng Thiên Vương phú”, “Văn tế danh nhân văn hóa Nguyễn Quý Tân”, “Văn tế cụ Hoàng Trung Đặng Huy Trứ”, “Văn bia Lý Thái Tổ ở Hoa Lư” và gần đây là bài văn tế trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương. GS Vũ Khiêu cũng đã soạn rất nhiều văn bia, văn tế, cùng hoành phi, câu đối tại rất nhiều đền thờ danh nhân và đài tưởng niệm liệt sĩ trong cả nước, để ca ngợi khí phách anh hùng, tâm hồn cao đẹp của các anh hùng đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

GS Vũ Khiêu đã xuất bản hơn 70 đầu sách. Một số tác phẩm có giá trị về văn hóa gồm: “Đẹp” (năm 1963), “Cao Bá Quát” (1970), “Anh hùng và nghệ sĩ” (1972), “Ngô Thì Nhậm” (1976), “Cách mạng và nghệ thuật” (1979), Nguyễn Trãi (1980), “Từ văn hiến Thăng Long đến hào khí Đồng Nai và thành đồng Tổ quốc” (2010), “Hồ Chí Minh” (2012), “Bàn về văn hiến Việt Nam” (2000)...

Ngoài ra, GS Vũ Khiêu có đóng góp quan trọng làm nên nhiều công trình nghiên cứu lớn về Thăng Long - Hà Nội: Chủ trì Hội đồng biên tập bộ sách “Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long” (4 tập), “Bách khoa thư Hà Nội” (18 tập); Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tủ sách Nghìn năm Thăng Long Hà Nội (giai đoạn 1 đã xuất bản 100 bộ sách). Khi ở tuổi 100, ông vẫn tiếp tục làm việc để hoàn thành bộ sách “Văn hiến Thăng Long” gồm 3 tập, dày 2.400 trang.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một tấm lòng son ở với đời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO