Một triển lãm mỹ thuật bị nghiệp dư hóa

Minh Quân 02/12/2020 07:21

Ngày 1/12, tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã tổ chức khai mạc triển lãm Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020. Mặc dù là một triển lãm mỹ thuật quy mô toàn quốc tuy nhiên cách thức vận hành, tổ chức của “sân chơi” này đến nay vẫn khá nghiệp dư.

Triển lãm trưng bày 497 tác phẩm của 483 tác giả ở các loại hình đồ họa, hội họa, nghệ thuật sắp đặt, video art... đã phần nào giới thiệu được những thành tựu sáng tạo nghệ thuật, khuynh hướng nghệ thuật của các nghệ sĩ trong những năm qua. Tuy nhiên, với quy mô một triển lãm toàn quốc được tổ chức định kỳ 5 năm một lần thì dường như thất bại nhiều hơn thành công, nếu không nói là quá nghiệp dư.

Được biết, ngay trước khi diễn ra lễ khai mạc một số tác giả đã xin rút tác phẩm trưng bày vì lý do tranh đã bị trầy xước trong quá trình vận chuyển. Chưa kể trong quá trình sơn sửa không gian trưng bày tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội) do bất cẩn nhiều tác phẩm đã bị vấy bẩn. Cá biệt một số tác phẩm điêu khắc chưa kịp đưa ra trưng bày đã bị vỡ…

Lý giải về việc này, Cục phó Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Mã Thế Anh cho biết, với kinh phí gần 4 tỷ đồng để tổ chức triển lãm lần này là vô cùng hạn chế. Khi biết thông tin một số tác phẩm bị trầy xước, BTC cũng đã liên hệ với các tác giả xin lỗi và nhận trách nhiệm. Sau khi triển lãm bế mạc BTC sẽ ngồi lại thương thảo với các tác giả thể tìm phương án xử lý.

Ông Mã Thế Anh cho biết thêm, với quy mô gần 500 tác phẩm được trưng bày là rất lớn nên không tránh khỏi những “tai nạn” không mong muốn. Chúng tôi rất chia sẻ với các nghệ sĩ, nhà điêu khắc vì tác phẩm là “con đẻ” của họ như thế này là điều chúng tôi không mong muốn. Tuy nhiên, tôi cũng phải thừa nhận nếu chúng ta vẫn giữ cách tổ chức như thế này thì các sự kiện sau cũng rất có những sự cố trên sẽ tiếp tục xảy ra. Thực tế, không phải riêng tôi mà ai đứng ra tổ chức cũng có thể rơi vào trường hợp như thế này. Sau triển lãm này, BTC sẽ ngồi lại với nhau và cùng rút kinh nghiệm để lần sau cách tổ chức khác đi sẽ tránh được những điều đáng tiếc hiện nay. “Năm nay tôi đã tổ chức nhiều sự kiện và đã thành công nhưng riêng sự kiện này lại xảy ra sự cố. Cũng không ai làm việc như tôi cả, công việc thì rất là nhiều, thậm chí 10 giờ đêm tôi vẫn cùng anh em nỗ lực để triển lãm thực sự là ngày hội và tác phẩm được trưng bày một cách tốt nhất”- ông Mã Thế Anh nói.

Xung quanh sự việc trên, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhìn nhận, “từ những năm 60 đến nay tôi đã biết có rất nhiều cuộc triển lãm đều có hỏng hóc, thậm chí mất tranh. Do đó, nếu công tác tổ chức vẫn tiếp tục vận hành như hiện nay thì những bất cập này vẫn có thể xảy ra”.

Ông Phan Cẩm Thượng cũng phân tích, chúng hoạt động vẫn rất nghiệp dư, chưa có công ty vận chuyển cho nghệ thuật. Công nhân vận chuyển không quan tâm đến tác phẩm nghệ thuật mà coi đó là thùng hàng. Những tác phẩm bọc kính có khi vỡ khủng khiếp, đâm cả vào mặt tranh. Rất may mà hiện tượng này không xảy ra. Bên cạnh đó, về công tác mặt trưng bày cũng rất thiếu chuyên nghiệp. Chúng ta khi tổ chức triển lãm thường thì thuê luôn đội ngũ đang làm việc tại địa điểm tổ chức thực hiện. Thông thường đội ngũ này không phải là người chuyên nghiệp. Họ chỉ là người tham gia bốc vác, treo, có khi đóng đinh lên tường rất lung tung. Không những vậy chính vì không có công ty trưng bày tranh chuyên nghiệp như thế và nghệ sĩ không tham gia bảo hiểm tác phẩm… “Còn với Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 chúng ta tổ chức quá gấp gáp nên khi chuẩn bị khai mạc họ mới sơn tường. Mà người sơn không quan tâm bên cạnh họ là tác phẩm nghệ thuật nên đã để bắn rất nhiều sơn linh tinh lên tác phẩm. Công tác này, về phía đơn vị tổ chức nên quan tâm đến những thay đổi có tính chất nhà nước”- ông Phan Cẩm Thượng nói.

Bên cạnh đó, với quy mô một triển lãm toàn quốc, chất lượng nghệ thuật cũng là điều đáng bàn. Khi triển lãm năm nay không tìm được tác phẩm giành giải Nhất. Trong số 3.571 tác phẩm tham gia BTC chỉ chọn được 29 tác phẩm để trao thưởng. Theo đó, BTC đã trao 6 giải Nhì, 11 giải Ba và 12 giải Khuyến khích. Đơn cử như lĩnh vực điêu khắc, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên- Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM cho biết, ở triển lãm lần này vẫn chưa có những tác phẩm gây được ấn tượng mạnh cho người xem và chưa phản ánh được bức tranh toàn diện của hoạt động điêu khắc trong những năm qua. Cũng theo nhiều chuyên gia cho rằng, các thức tổ chức cùng phải thay đổi, nên mời đích danh các tác giả có tên tuổi, thay vì đợi họ gửi tranh đến triển lãm và duyệt.

Có thể nói những “biến cố” tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 khó có thể giải thích đó là tai nạn. Bởi chính việc thiếu chuyên nghiệp có hệ thống thì những sự việc trên xảy ra là điều dễ hiểu. Chưa kể, chính những người đảm nhậm vai trò tổ chức khi gặp những sự việc trên cũng rất lung túng trong việc tìm ra phương án giải quyết một cách tối ưu. Ở đó, nếu công tác tổ chức không có những sự thay đổi mang tính đột phá, chuyên nghiệp thì dường như sau mỗi “tai nạn” xảy ra những người làm tổ chức vẫn chỉ biết “hát” bài ca “xin rút kinh nghiệm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một triển lãm mỹ thuật bị nghiệp dư hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO