Một triệu doanh nghiệp năm 2020 - có khả thi?

Duy Phương 22/06/2020 08:30

Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải cắt giảm ngay thủ tục hành chính. Song, trên thực tế “giấy phép con” vẫn tiếp tục là rào cản gây khó cho doanh nghiệp. Từ số báo này, Đại Đoàn Kết khởi đăng loạt bài phản ánh thực trạng ấy.

Bài 1: 'Rừng' giấy phép con

Ảnh minh họa: Dũng Choai.

Chưa lo xong thủ tục này lại phải đối phó với “giấy phép con” khác liên tục phát sinh khiến doanh nghiệp (DN) quá mệt mỏi, không thể tập trung sản xuất kinh doanh. Nhiều DN cho rằng, có những quy định đáng lẽ ra không nên xuất hiện, bởi sự xuất hiện của chúng làm xấu môi trường kinh doanh, DN ngày càng khó thở do một cổ có quá nhiều “tròng”.

Đội chi phí vì... giấy phép con

Không phủ nhận, thời gian qua, môi trường kinh doanh đã được cải thiện hơn rất nhiều. Việc các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện cắt bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đã tạo nên sự thông thoáng hơn cho môi trường kinh doanh hiện nay. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, đó mới chỉ là giảm ở bề nổi, còn thực tế, vẫn còn tồn đọng rất nhiều điểm nghẽn.

“Trước hết phải nói đến vấn đề tham nhũng. Tất nhiên, tham nhũng không chỉ có ở Việt Nam mà nó tồn tại ở nhiều nước trong khu vực. Tham nhũng đã trở thành một phần của văn hóa kinh doanh nhưng là văn hóa tiêu cực, nó đang trở thành gọng kìm bóp nghẹt môi trường kinh doanh...”- ông Hiếu phân tích.

Trao đổi về mục tiêu 1 triệu DN trong năm 2020, ông Hiếu bày tỏ sự lo lắng khi đưa ra nhận định là rất khó khăn. Theo vị chuyên gia này, môi trường kinh doanh phải thực sự rất thông thoáng, phải triệt tiêu được những bất cập về tham nhũng, đặc biệt là các thủ tục hành chính rườm rà - rào cản lớn hiện nay, mới có thể tạo động lực phát triển cho cộng đồng DN. Khi đó, DN mới yên tâm kinh doanh sản xuất, các hộ kinh doanh cá thể mới yên tâm “lớn lên”, DN chỉ mở rộng quy mô chứ không thu hẹp lại, không phá sản. Lúc đó mục tiêu 1 triệu DN trong năm 2020 mới khả thi.

TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, vấn đề về giấy phép con chính là câu chuyện đáng bàn và cần bàn để có giải pháp rốt ráo ngăn chặn. Câu chuyện này đã nói bao nhiêu năm nay nhưng chưa khi nào hết nóng, dù thời gian qua các nhà quản lý đã có cố gắng trong việc loại bỏ giấy phép con.

Chỉ đơn cử, một DN nhập khẩu hóa chất, trước hết, họ phải xin được giấy phép nhập khẩu hóa chất của Bộ Công thương. Và khi đã xin được giấy phép và hàng đã về đến cảng rồi, lại phải xin giấy phép để phân phối lượng hóa chất đó. Như vậy phải qua rất nhiều công đoạn, DN phải làm rất nhiều thủ tục khiến tạo áp lực chi phí hành chính, chi phí thời gian rất lớn.

Giấy phép con “đánh đố” doanh nghiệp

Một câu chuyện khác cũng liên quan đến “giấy phép con” khiến nhiều DN khóc ròng. Đó là thực trạng các DN xuất khẩu hàng hóa thuộc lĩnh vực da giày, thủy sản... lâu nay phải gánh thủ tục thực hiện quy định về mã số mã vạch.

Ông Trần Văn Chiến, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu thủy sản tại TP Hồ Chí Minh cho biết, DN của ông đến khổ sở vì yêu cầu về mã số mã vạch mà phía nhà quản lý đưa ra. Không ít lần các lô hàng thủy sản của công ty bị ách tắc lại tại cảng vì chưa thể đáp ứng yêu cầu này. Theo ông Chiến, hàng hóa bị ách tắc sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như có nguy cơ bị đối tác hủy hợp đồng. Nguyên nhân chỉ vì phía Hải quan yêu cầu phải có giấy xác nhận của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng về việc in mã số mã vạch lên sản phẩm.

Hàng nghìn DN xuất khẩu các loại hàng hóa của Việt Nam từ thủy sản, thực phẩm đến giày da... đều đang gặp khó với thủ tục liên quan đến mã số mã vạch. Không ít lần, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) đã từng lên tiếng về thủ tục yêu cầu DN phải có giấy xác nhận mã số mã vạch trên các sản phẩm xuất khẩu.

Theo Vasep, việc yêu cầu khách hàng phải cung cấp quá nhiều giấy tờ liên quan đến mã số mã vạch đang tạo ra khó khăn đối với việc xuất khẩu hàng hóa của các DN.

Doanh nghiệp chế biến thủy sản.

Trong khi đó, thực tế thì các DN thường xuyên có thêm khách hàng mới hoặc mặt hàng mới nên mã số, mã vạch của các sản phẩm cũng phải đổi mới và cập nhật thường xuyên, gây mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí cho DN để giải quyết vấn đề này.

“Yêu cầu mã số mã vạch khiến DN khó khăn hơn rất nhiều trong việc tìm kiếm khách hàng, làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DN so với DN “ngoại”...” - ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep nhấn mạnh.

“Quyết” phải đi đôi với “tâm”

Chủ trương của Chính phủ hiện nay là cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho DN, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để khuyến khích sản xuất, xuất khẩu. Việc quy định thêm một thủ tục về cấp giấy xác nhận đối với mã số mã vạch đăng ký ở nước ngoài cho hàng xuất khẩu thực chất là tạo thêm “thủ tục con”, tăng thêm gánh nặng không cần thiết về thủ tục hành chính cho DN.

Câu chuyện về mã số mã vạch ảnh hưởng đến các DN xuất khẩu chỉ là một trong vô vàn những câu chuyện liên quan đến giấy phép con, thủ tục hành chính được nhà quản lý “vẽ ra” gây khó thêm cho DN. Dường như, việc phải đối diện với cả ‘rừng” thủ tục, giấy phép con khiến cho nhiều DN e ngại, họ sợ phải mất thời gian, công sức để lo hàng “mớ” các thủ tục mà cơ quan quản lý nhà nước đặt ra.

Có DN cho biết, lo xong thủ tục, yêu cầu của nhà chức trách, phía đối tác chờ lâu quá đơn phương hủy luôn hợp đồng, vậy là DN mất luôn cơ hội làm ăn. Ở đây, rõ ràng chính sách từ phía nhà quản lý lại trở thành rào cản “ngáng chân” DN.

Số liệu của VCCI cho biết, năm 2019, vẫn còn tới 55% DN vẫn phải “chi phí không chính thức” cho bộ máy công quyền. Một bộ phận lớn DN phải “bôi trơn” với chi phí chiếm tới 10% tổng doanh thu. Thực trạng này đang kéo giảm năng lực cạnh tranh của DN, làm chậm mục tiêu đạt con số 1 triệu DN hết năm 2020 của Chính phủ.

Tuy nhiên, mới đây Chính phủ đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ: Sẽ quyết tâm cắt bỏ những gì làm khó DN. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cắt giảm mọi quy định rào cản đối với hoạt động của DN, bất kể đó là thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh hay quy định gì.

Theo TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), để giảm thiểu khó khăn cho DN, tới đây không cần tranh luận xem một quy định là thủ tục hành chính hay điều kiện kinh doanh, chỉ cần thấy quy định đó gây khó khăn cho DN là cắt bỏ.

Dư luận kỳ vọng, với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc xử lý cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất hợp lý gây khó cho DN, môi trường kinh doanh sẽ thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của cộng đồng DN. DN sẽ “dễ thở” hơn, không còn phải nơm nớp lo đối phó với cả “rừng” giấy phép con. Khi đó, mục tiêu 1 triệu DN có lẽ sẽ được hiện thực hóa.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một triệu doanh nghiệp năm 2020 - có khả thi?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO