Một vụ án dân sự 20 năm chưa xử xong

Tinh Anh 15/09/2020 13:30

Sau 20 năm theo đuổi thưa kiện một vụ án dân sự quá mệt mỏi, ông Trần Hữu Sỹ (79 tuổi, trú tại xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã quỳ gối đội đơn trên đầu, trước mặt thẩm phán, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm (TAND tỉnh Đồng Nai) xin được xét xử để kết thúc vụ án. Song, dù ông Sỹ có quỳ thì chủ tọa phiên tòa vẫn tuyến bố hoãn phiên tòa, với lý do bị đơn bị... rối loạn tiêu hóa. Việc một cụ ông gần 80 tuổi phải quỳ gối xin thực thi pháp luật khiến cho dư luận không khỏi xót xa.

Vụ án dân sự “tranh chấp hợp đồng nhận thuê khoán hồ vườn ươm” (ông Trần Hữu Sỹ là nguyên đơn và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai là bị đơn) đã diễn ra suốt 20 năm vẫn chưa thể kết thúc do các cấp tòa án không thực sự nhiệt tâm.

Sau khi thụ lý đơn khởi kiện của ông Sỹ, tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên án, nhưng tòa giám đốc thẩm yêu cầu xét xử lại từ đầu. Sau đó, tòa sơ thẩm “ngâm tôm” vụ kiện tới 9 năm sau mới đưa ra xét xử lại.

Hiến pháp 2013 quy định: TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Vậy, TAND hai cấp (sơ thẩm, phúc thẩm) của tỉnh Đồng Nai bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như thế nào mà tới 20 năm vẫn chưa xử xong một vụ kiện dân sự?

Với việc “nhẩn nha” tới 20 năm đằng đẵng chưa xét xử xong một vụ kiện dân sự không quá phức tạp, thử hỏi với một vụ tranh chấp phức tạp, hoặc một vụ án hình sự thì TAND các cấp của tỉnh Đồng Nai sẽ mất bao lâu? Khi đó, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân có được đảm bảo? Giả sử đây không phải là một vụ kiện dân sự, mà là một vụ án hình sự, việc kéo dài quá nhiều năm liệu có ảnh hưởng tới hồ sơ tài liệu, các bị cáo trong vụ án, quan trọng hơn là liệu có đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật?

Chiếu theo quy định của Hiến pháp, nhiệm vụ của TAND là bảo vệ công lý, phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật, không chịu sự chi phối của bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Bảo vệ công lý còn có nghĩa TAND phải thực hiện quyền tư pháp của mình để “truy” đến cùng kẻ có lỗi và bảo vệ cho người bị hàm oan. Song, trong vụ kiện dân sự của ông Trần Hữu Sỹ, dư luận xã hội cho rằng, vì lý do (khách quan hay chủ quan) nào đó, các cấp TAND tỉnh Đồng Nai chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ đã được hiến định.

Và tất nhiên, khi TAND các cấp không tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ được Hiến pháp, pháp luật quy định, người dân sẽ phải lãnh hậu quả. Cụ thể trong trường hợp này, ông Trần Hữu Sỹ đã phải trả giá 20 năm trời cho sự vô cảm của các cấp tòa tỉnh Đồng Nai. Chưa bàn đến việc ông Sỹ khởi kiện đúng hay sai, riêng việc phải theo “hầu tòa” tới 20 năm chưa được giải quyết là không thể chấp nhận được. Chiếu theo các quy định của pháp luật thì TAND các cấp tỉnh Đồng Nai đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng dân sự.

Chiếu theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, TAND các cấp của tỉnh Đồng Nai buộc phải giải quyết xong vụ án dân sự trong thời hạn 4 tháng, hoặc tối đa là 6 tháng (nếu có tình tiết phức tạp). Vậy mà không hiểu vì sao các cấp tòa của tỉnh Đồng Nai lại có thể dây dưa tới 20 năm chưa giải quyết xong?! Sau khi bị tòa giám đốc thẩm tuyên xét xử lại, 9 năm sau tòa sơ thẩm mới giải quyết. Đúng là chuyện thật như đùa. Và cũng chẳng có tòa ở đâu trong vòng 3 tháng hoãn tới 6 lần xét xử như TAND tỉnh Đồng Nai.

Ngoài việc vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng dân sự, các cấp TAND tỉnh Đồng Nai còn thể hiện sự vô cảm, không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Việc TAND tỉnh Đồng Nai để một ông lão gần 80 tuổi phải quỳ trước tòa để xin được xét xử (chưa biết sẽ thắng hay thua kiện) là hình ảnh hết sức phản cảm, khó coi. Bất kể người dân nào cũng có quyền yêu cầu TAND bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, chứ không cần phải quỳ!

Vậy nên, dư luận xã hội mong TAND các cấp của tỉnh Đồng Nai sớm giải quyết dứt điểm vụ kiện dân sự hy hữu, kéo dài quá nhiều năm này, tránh làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào cán cân công lý. Các cơ quan chức năng cũng rất cần xem xét trách nhiệm của những cá nhân có liên quan đến vụ kiện, nếu phát hiện hành vi “câu giờ” vì bất cứ lý do gì cần xử lý nghiêm minh nhằm cảnh tỉnh những người thực thi công vụ khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một vụ án dân sự 20 năm chưa xử xong

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO