MTTQ cấp cơ sở là nòng cốt trong tập hợp, nắm bắt tình hình nhân dân

Tiến Đạt (thực hiện) 23/08/2022 07:05

Theo ông Đỗ Duy Thường - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ các cấp cần phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm trong tiếp công dân, tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, cũng như tăng cường giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đảm bảo tính thông suốt, đồng bộ, từ đó nâng cao tính hiệu quả của hoạt động này.

Ông Đỗ Duy Thường.

PV: Thưa ông, việc tiếp công dân giúp MTTQ Việt Nam kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm cơ sở để góp ý đến cấp ủy đảng, chính quyền, định hướng trong tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên hiện một số nơi chưa thật sự quan tâm đến vấn đề tiếp công dân, còn cho đây là nhiệm vụ của chính quyền. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Ông ĐỖ DUY THƯỜNG: Tôi cho rằng, việc tiếp công dân của MTTQ Việt Nam đã được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật, do đó MTTQ các cấp phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật chứ không chỉ ở Trung ương. Trách nhiệm trong công tác tiếp công dân phải được thể hiện từ cấp cơ sở trở lên, thậm chí MTTQ xã, phường, thị trấn cần thông qua hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở cơ sở để nắm bắt tình hình, ý kiến, kiến nghị của nhân dân ở khu dân cư để báo cáo lên cấp trên theo quy định thống nhất trong hệ thống MTTQ Việt Nam. MTTQ cấp xã, phường, thị trấn cần phát huy tối đa vai trò trong công tác này, phải làm thường xuyên, hàng ngày, thậm chí hàng giờ khi xuất hiện những vấn đề, sự kiện nổi cộm, gây bức xúc cho nhân dân.

Muốn làm được điều đó, theo tôi, cán bộ Mặt trận ở cơ sở cần nhận thức đầy đủ, nắm vững hơn về trách nhiệm của Mặt trận, tránh hiểu lầm đó chỉ là trách nhiệm của HĐND hay UBND. MTTQ các cấp cần thường xuyên tập huấn để cập nhật, nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng vận động, giao tiếp cho đội ngũ cán bộ Mặt trận. Qua tiếp công dân, cán bộ Mặt trận cần có trách nhiệm động viên, hỗ trợ nhân dân thực hiện dân chủ, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh tiếp qua loa, hình thức, làm sao giải quyết sớm nhất những yêu cầu thỏa đáng của người dân.

Hiện nay, có tình trạng đơn, thư đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng quy định pháp luật, nhưng người dân không chấp hành, khiếu nại nhiều lần, chủ yếu là lĩnh vực đất đai. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của MTTQ Việt Nam như thế nào, thưa ông?

- Vấn đề này thuộc sự điều chỉnh của Luật Khiếu nại, tố cáo, trong đó quy định công dân có quyền khiếu nại tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền, nếu cơ quan có thẩm quyền trả lời chưa thỏa mãn thì có thể khiếu nại lên cấp trên hoặc có thể khởi kiện ra tòa. Quy định như vậy, tuy nhiên không phải ai cũng nhận thức được đầy đủ về cơ chế pháp luật khiếu nại tố cáo, đồng thời điểm hạn chế nằm ở việc đa phần người dân còn tâm lý “ngại” khởi kiện ra tòa.

Đối với các vụ việc liên quan đến lĩnh vực đất đai, tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chậm giải quyết là do còn nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế trong các Luật, bộ luật có liên quan đến đất đai. Khiếu kiện kéo dài liên quan đến đất đai luôn là vấn đề nóng và điều này đòi hỏi cán bộ Mặt trận các cấp phải phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện góp ý xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý đất đai.

UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có kế hoạch tổ chức phản biện xã hội đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), với những nội dung mới cơ bản về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đặt ra những nội dung mới về cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, giá đất,... Đây là việc làm kịp thời và thiết thực của MTTQ Việt Nam. Theo tôi, các chuyên gia cũng cần nghiên cứu về vấn đề giải quyết khiếu nại tố cáo về các vụ việc tranh chấp trong lĩnh vực đất đai lồng ghép trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.

Tôi cũng kỳ vọng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ khắc phục được những tồn tại trong quá trình thực hiện Luật Đất đai trước đây và làm sao đem lại hài hòa lợi ích cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt chuyên đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân mà lâu nay trong quá trình thực hiện còn có bất cập, tồn tại, vì vậy cần sớm hoàn thiện được điều này để cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thêm căn cứ pháp lý phù hợp với điều kiện thực tiễn giúp giải quyết tranh chấp và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.

Trong thời gian tới, theo ông, giải pháp nào giúp cho MTTQ Việt Nam thực hiện tốt hơn hoạt động tiếp công dân, bảo đảm kịp thời quyền lợi chính đáng của công dân?

- Tôi cho rằng, MTTQ Việt Nam cần đẩy mạnh giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có chương trình giám sát của những năm trước đây và đã có những văn bản kiến nghị, dẫn chứng về các vụ việc cụ thể, nắm được việc chậm giải quyết, giải quyết không đúng thời gian trình tự, thủ tục,… để đề xuất giải pháp khắc phục; do đó, MTTQ các cấp cũng cần đẩy mạnh hoạt động này.

Bên cạnh đó, MTTQ các cấp cần thực hiện tốt việc tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại của công dân, có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết tiếp công dân. Nếu phát hiện trong quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân có vấn đề vướng mắc, phát sinh thì hàng năm cần thực hiện chương trình giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân, bám sát vào từng vụ việc cụ thể để giám sát.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    MTTQ cấp cơ sở là nòng cốt trong tập hợp, nắm bắt tình hình nhân dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO