Mù Cang Chải tự tin với thế hệ chủ nhân tương lai đất núi

Tùng Duy 05/09/2020 10:14

Hơn 20.000 học sinh huyện miền núi Mù Cang Chải (Yên Bái) sáng nay hòa chung không khí khai giảng của cả nước bước vào năm học mới.

Học sinh trường THPT Mù Cang Chải bước vào năm học mới.

Dù còn nhiều khó khăn của vùng sơn cước đặc thù Tây Bắc, giao thông cách trở, đời sống của đồng bào các dân tộc còn đối mặt nhiều thách thức, các thầy cô giáo và học trò Mù Cang Chải vẫn hoàn thành nhiệm vụ của một năm học với những bước tiến khác biệt cả lượng và chất.

Huyện Mù Cang Chải khi thành lập năm 1957 hầu như 100% dân số không biết chữ, cuộc sống đói nghèo, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, giao thông chia cắt toàn diện.

Năm 1959 ngành giáo dục huyện này được tăng cường 13 giáo viên vùng xuôi lên công tác để thực hiện mục tiêu thanh toán nạn mù chữ.

Trải qua 62 năm, giáo dục Mù Cang Chải đi qua nhiều bước phát triển, nâng cao chất lượng với những kế hoạch và giai đoạn chiến lược, quy mô mạng lưới trường lớp được phát triển mở rộng và cơ bản ổn định.

Từ vài trăm học sinh vỡ lòng toàn huyện, nay đã có 39 trường học từ mầm non đến PTTH, trong đó có 15 trường mầm non, 7 trường tiểu học, 8 trường TH&THCS, 6 trường THCS, 1 trường THPT, 1 trường THCS và THPT, 1 Trung tâm Giáo dục dạy nghề - Giáo dục thường xuyên, với 604 nhóm lớp, 20.380 học sinh, học viên (20 trường phổ thông dân tộc bán trú với trên 11.000 học sinh ở bán trú).

Mù Cang Chải hiện đã có 7 trường đạt chuẩn quốc gia với cơ sở vật chất trường lớp học từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu dạy, học, sinh hoạt của giáo viên, học sinh.

Hiện Mù Cang Chải có tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học đạt trên 97%, THCS đạt trên 91%, giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS - chống mù chữ 14/14 xã, thị trấn; tỷ lệ hoàn thành chương trình cấp học, chuyển lớp, chuyển cấp mầm non đạt trên 99%, cấp tiểu học đạt trên 98%, cấp THCS, THPT đạt trên 93%...

Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn hiện nay. Hiện tại, với trên 1.300 cán bộ, nhà giáo với cơ cấu đội ngũ cơ bản hợp lý theo từng ngành học, môn học và có trên 98% đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn…

Từ một huyện thiếu đói triền miên, người dân mù chữ, thất học, sống du canh, du cư, đến nay, lương thực bình quân đạt trên 650 kg/người/năm; thu nhập bình quân đạt gần 20 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ giảm nghèo đạt trung bình 7,5 - 8%/năm, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, sâu rộng và có những chuyển biến tích cực.

Huyện xác định phát triển với cơ cấu kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng; nông lâm nghiệp - dịch vụ du lịch, trong đó, chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển nhanh và bền vững hệ thống dịch vụ, thương mại gắn với phát triển du lịch, giữ gìn bản sắc văn hóa, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động nông thôn.

Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp, nhất là giao thông, điện, đường, trường trạm, bưu chính, viễn thông.

Ghi nhận những đóng góp của các thế hệ nhà giáo, có nhiều tập thể, cá nhân ngành GDĐT huyện được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý. Tỷ lệ cán bộ huyện, xã là người Mông hiện nay chiếm 80%, trong đó, trình độ cao đẳng, đại học chiếm 60%.

Những học sinh hôm nay, nhân lực mới thể hiện con người Mù Cang Chải nói riêng và Tây Bắc nói chung, sẽ tự tin hơn, toàn diện hơn, cùng quyết tâm xây dựng đất núi phát triển hòa chung nhịp sống cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mù Cang Chải tự tin với thế hệ chủ nhân tương lai đất núi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO