Mùa cá cuối năm

ĐOÀN XÁ 20/11/2022 08:25

Bước vào những tháng cuối năm, hàng ngàn ngư dân ở vùng biển miền Đông Nam bộ, từ Vũng Tàu, Long Hải, Đất Đỏ cho tới La Gi, Tuy Phong, Phan Thiết... đang vui mừng vì trúng mùa cá chỉ vàng. Không chỉ có những người làm nghề đánh bắt, nhiều người dân làm sơ chế, phơi cá chỉ vàng cũng hưởng lợi lớn từ mùa đánh bắt này cho dịp xuất khẩu cuối năm.

Cá chỉ vàng được sơ chế ở La Gi.

Chuyển sang lưới cá chỉ vàng

Dọc ven biển miền Đông Nam bộ từ TP Vũng Tàu tới các làng biển ở tỉnh Bình Thuận, hàng chục ngàn ghe, thúng của ngư dân đang tất bật với vụ cá cuối năm. Đây là mùa đánh bắt chính của ngư dân do biển động, hầu hết các loại hải sản đều xuất hiện nhiều. Trong số này, lưới cá chỉ vàng đang mang đến lợi nhuận lớn.

Ngồi trên ghe thúng rộng chín mét ở làng chài Mũi Né (phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), ông Đinh Văn Lợi, 53 tuổi vừa nhìn ra phía bờ cát, vừa cho biết thời điểm này đang chính là vụ cá chỉ vàng. “Giờ các chú ra mà coi. Ghe nào cập bờ cũng có từ dăm ký cho tới vài chục ký cá chỉ vàng. Loại này dễ bán lắm, có bao nhiêu thương lái họ cũng thu mua hết. Chứ như: ghẹ, mực, ốc, cá thu, cá bớp... lại khó bán vì giá cao mà thời gian này lại ít khách du lịch. Ghe của tôi cũng mới được gần chục ký cá chỉ, bán được hai trăm ngàn. Giờ xăng dầu lên giá, có tiền ngày nào là tốt ngày đó rồi”, ông Lợi chia sẻ.

Theo ông Lợi, làm nghề biển hiện nay mỗi chuyến đi trong ngày thường tiêu tốn từ 50 tới 80 ngàn đồng tiền dầu, tùy bữa biển êm hay sóng. Trước kia ông làm nghề lưới ghẹ nhưng từ khi dịch bệnh, ông chuyển sang lưới cá, vì ít khách du lịch, ghẹ mất giá. “Lưới ghẹ nhàn lắm, chỉ thả xuống rồi quay lại gỡ. Mỗi ngày được 2-3 ký ghẹ là sống được. May mắn được 4-5 ký thì kiếm vài triệu đồng luôn. Nhưng từ hồi dịch khách nước ngoài họ không về, ghẹ mất giá một nửa. Cả năm rồi tôi chuyển sang lưới cá, vất vả hơn vì phải kéo nhiều. Có ngày được ba chục ký nhưng bán chỉ ba trăm ngàn đồng vì là cá tạp, cá nhỏ bán cho mấy nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Hơn tháng nay tới mùa cá chỉ vàng nên đỡ hơn vì thương lái thu mua làm khô xuất khẩu”, ông Lợi trò chuyện với chúng tôi.

Theo tìm hiểu, cá chỉ vàng có giá trị kinh tế khá thấp so với những loại hải sản mà ngư dân đánh bắt. Tuy nhiên, ưu điểm của loài cá này là chúng xuất hiện nhiều và ở vùng biển ven bờ nên các ghe nhỏ, thúng cũng có thể đánh bắt được. Vì vậy, trong số hàng ngàn ghe, thúng ở làng chài Mũi Né, một trong những làng chài lớn nhất phía Nam đã chuyển sang lưới cá thời gian qua.

Cách đó chừng 10 cây số, tại làng biển Hòn Rơm (cũng thuộc TP Phan Thiết), hàng trăm ngư dân cũng đang nhộn nhịp chuyển cá vào bờ, phân loại để bán. Đây là làng biển lâu đời, với hầu hết là nghề đánh bắt gần bờ. Ghe thuyền của ngư dân Hòn Rơm là loại nhỏ, phần lớn là ghe thúng. Bắt đầu từ 11-12 giờ đêm, ngư dân khởi động một ngày đánh bắt và quay lại làng khi sáng sớm, kịp cho những thương lái tới thu mua. “Mình làm nghề biển hơn 20 năm rồi. Thú thực cũng không có nghề đánh cá chỉ vàng đâu. Chỉ có nghề lưới kéo, lưới cào thôi. Còn đợi khi thu lưới lên mới biết có cá chỉ vàng hay cá bạc má, cá nục, cá ngừ... Thời gian này cá chỉ vàng nhiều lắm”, anh Nguyễn Văn Thảo, 44 tuổi, một ngư dân ở khu Hòn Rơm nói. Cũng theo anh Thảo, hiện cá chỉ vàng được thương lái thu mua tại cảng là 15 tới 18 ngàn đồng mỗi ký. Đây là mức giá khá thấp so với ghẹ, mực, cá thu... nhưng bù lại, mỗi chuyến đi biển ngư dân có thể thu vài chục cho tới gần trăm ký cá chỉ vàng. “Cá chỉ thường đi theo đàn. Mùa này chúng xuất hiện nhiều lắm, nhất là những đêm biển động. Tuần trước tôi gặp đàn, gọi thêm mấy bạn ghe nữa. Bữa đó anh em ghe nào cũng hơn trăm ký cá chỉ. Nhưng hôm sau thì chỉ được dăm ký thôi. Giờ cá về là mình phải gỡ và xếp lưới lại, sau đó được nghỉ từ trưa tới đêm rồi lại tiếp tục lên ghe đi đánh bắt”, anh Thảo kể.

Tại bãi biển dài khoảng 500 mét, hàng trăm chiếc ghe, thúng của ngư dân Hòn Rơm được đặt nằm cạnh nhau. Xen kẽ trong đó là những ngư dân đang túm tụm lại để phân loại, bán cá. Với đặc thù nghề lưới kéo thường có nhiều loại cá dính lưới, ngư dân phải phân loại trước khi bán cho thương lái.

Cá chỉ vàng mang lại nguồn thu lớn cho ngư dân.

“Hốt bạc” với những giàn phơi cá

Thời gian này, đi qua những làng biển lâu đời dọc dải đất Nam Trung bộ, từ TP Vũng Tàu tới vùng Đất Đỏ, Bình Châu hay La Gi, Mũi Né cho tới Tuy Phong, Hàm Bắc Bình... đều dễ dàng bắt gặp những giàn phơi cá chỉ vàng của ngư dân nằm sát ven biển. Dọc theo những làng biển, nơi ghe thuyền đậu san sát nhau là những giàn phơi cá. Bà Nguyễn Thị Năm, chủ một vựa phơi cá chỉ vàng ở xã Tân Bình (thị xã La Gi) cho biết mỗi ngày bà nhập tới hơn 4 tấn cá chỉ vàng của bạn ghe. “Ghe của mấy đứa cháu ngoài cảng La Gi mùa này đi lưới gặp nhiều cá chỉ vàng, cá nục, thu chuột nhưng tôi chỉ lấy cá chỉ làm khô thôi. Khô cá chỉ ở đây để nguyên con, không sơ chế hay tẩm ướp như nhiều nơi khác. Vì là hàng xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc nên họ cẩn thận lắm. Cá phải tươi ngon, đều nhau, phơi đủ hai ngày nắng, không trầy xước, mất vây là đạt yêu cầu. Mùa này cá bự, béo nên rất dễ làm khô. Từ nay tới cuối năm, vựa tôi chỉ sản xuất cá chỉ để phục vụ nhu cầu tết mà thôi”, bà Năm cho hay. Gia đình bà Năm gồm 4 người, bà phải thuê thêm 2 nhân lực mới đủ người làm. Cũng theo người phụ nữ này, công đoạn vất vả nhất là sơ chế, làm sạch và chọn lọc cá. Do cá chỉ đánh bắt bằng nghề lưới nên thường có những con cá bị trầy tróc da, vây phải bỏ riêng. Thông thường, cứ hơn 2 ký cá tươi thì cho ra một ký khô. Hiện khô được xuất bán với giá từ 100 tới 120 ngàn đồng/ký cho công ty thu mua để đóng gói, dán nhãn và hút chân không trước khi xuất khẩu.

Nhưng không chỉ có các vựa thu mua, bán cho những công ty xuất khẩu mà tại các làng ven biển, ngư dân làm khô cá chỉ vàng nhỏ lẻ cũng rất nhiều. Với lợi thế nhiều, giá rẻ và dễ làm, dễ bảo quản để vận chuyển, gửi đi nơi khác tiêu thụ, cá chỉ vàng đang đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân ven biển. “Cả tháng nay vợ chồng tôi chỉ làm khô cá chỉ vàng rồi gửi cho đứa em út ở quận Gò Vấp (TPHCM) tiêu thụ. Nghe nói nó bỏ mối cho mấy chỗ cửa hàng tiện ích. Cá chỉ ở vùng Tuy Phong này là ngon nhất. Cá tươi dưới ghe đưa lên mình cứ thế phơi. Trời nắng thì 2 ngày là được. Cá vừa dẻo, vừa dai mà cũng thơm lắm, không bị mùi như nhiều nơi khác, lại rẻ nữa. Cá chỉ này khô có thể để cả năm ăn vẫn chất lượng”, anh Nguyễn Văn Hoài, một ngư dân ở thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) chia sẻ. Ngoài vợ chồng anh Hoài, dọc theo con đường ven biển của thị trấn có tới năm chục hộ dân cũng làm nghề phơi cá khô. Suốt thời gian này, hầu hết các giàn chỉ có một loại là cá chỉ vàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa cá cuối năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO