Mùa cá đối Gò Công Đông

Đoàn Xá 09/01/2018 09:35

Xuất hiện chừng vài tháng, từ tháng 10 cho tới tháng 1 (âm lịch) năm sau, cá đối ở vùng biển, cửa sông Gò Công Đông đã mang lại thu nhập đáng kể cho hàng trăm hộ dân, nhất là dân nghèo. Nhiều người có thể kiếm được 400-500 ngàn đồng từ cá đối sau một ngày vất vả sông nước.

Mùa cá đối Gò Công Đông

Gỡ cá đối ở cảng Đèn Đỏ.

Ông Bùi Văn Vải, 51 tuổi, ở ấp Đèn Đỏ (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang), một ngư dân làm nghề lưới cá đối với vùng cửa biển này kể. Là loài cá sống ở vùng nước lợ và xuất hiện ở nhiều vùng biển của nước ta. Tuy nhiên, do thiên nhiên ưu đãi, với nhiều cửa sông đổ ra biển và khu vực vịnh Gành Rái rộng lớn, trữ lượng cá đối từ lâu ở vùng Gò Công là rất lớn. Cá xuất hiện từ ven biển, cửa sông hay thậm chí cả ở vùng nước cách biển hàng chục cây số, vẫn xuất hiện cá đối.

Có lẽ, đó cũng chính là lý do mà bao năm qua, cá đối đã trở thành thân quen với ngư dân trong vùng. Cứ khi thủy triều đẩy nước từ biển vào sông (ngày 2 lần), hàng đàn từ biển lại men theo dòng nước đi vào. Thế nhưng, cũng không dễ dàng để có thể đánh bắt được chúng, nhất là thời điểm hiện nay. “Bây giờ cá ít mà ghe đánh bắt thì nhiều. Như từ tháng trước, các ghe ở dưới Cần Giuộc, Long Hựu (tỉnh Long An) hay Cần Giờ đã chạy qua bên này lưới cá đối. Nhiều ghe còn đi theo cặp, dùng lưới dài cả trăm thước, vây kín mặt sông, hỏi làm sao còn cá cho người khác. Như ghe của mình, dùng lưới bao dài khoảng ba chục mét, chạy vòng vòng, gặp đàn cá mới thả lưới xuống để vây. Tuy vậy, nếu chăm chỉ và đoán đúng luồng cá, vẫn có hôm đánh được gần hai chục ký cá đối. Bây giờ, ghe về cảng là thương lái tới thu mua, mang cá về Mỹ Tho, Sài Gòn ngay trong ngày”- ông Vải tiếp lời.

Trong thời gian lang thang dọc vùng ven biển Vàm Láng, Tân Thành, Đèn Đỏ, Kiểng Phước của dải đất Gò Công Đông, chúng tôi gặp rất nhiều ngư dân làm nghề lưới cá đối. Với kinh nghiệm nhiều năm đánh bắt cá đối, anh Trần Văn Lâm, một ngư dân khác ở cảng Vàm Láng (thị trấn Vàm Láng, Gò Công Đông) nhìn chúng tôi cười bảo, vì cá đối có giá trị kinh tế cao, lại chỉ rộ một thời gian ngắn nên ai làm nghề lưới cá đối đều có sự chuẩn bị khi tới mùa cá. Từ ghe, lưới cho tới các loại dụng cụ khác.

Và quan trọng nhất, người lưới cá đối phải có kinh nghiệm, nhìn vùng nước nào là biết có đàn cá hay không. Như ban đêm, cá đối thường ở vùng nước ven bờ kiếm thức ăn, chỉ cần soi đèn thấy sóng gợn lao xao là chắc chắn có đàn. Ban ngày, cá đối lại hay đi vào vùng nước xiết, nhất là giữa con nước thượng nguồn chảy xuống và con triều ngoài biển đẩy lên. Nếu gặp những con nước ấy, có khi lưới được vài chục ký cá cũng không biết chừng.

Tuy nhiên, đó chỉ là những kiểu bắt cá đối thông thường còn với những người đã gắn bó nhiều mùa cá đối, họ có thêm nhiều cách đánh bắt loài thủy sản này. “Ở quanh đây, ngoài nghề lưới, nhiều người còn sử dụng ống nhòm, sử dụng chai nhựa để đuổi cá đối.

Theo đó, cứ quan sát thấy đàn cá ở xa xa, ngư dân lại thả lưới xuống rồi vòng ghe sau đàn cá trước khi ném chai nhựa lùa đàn cá tới khu vực mặt nước có thả lưới. Cũng như nhiều đàn cá sống trên vùng nước mặt khác, cá đối thường di chuyển rất nhanh cả đàn khi gặp tiếng động. Vì thế, việc cả đàn dính lưới cũng thường xuyên xảy ra. Ngoài lưới, nhiều ngư dân ở Gò Công vẫn câu được cá đối. Đó là thời điểm đêm đổ về rạng sáng, cá đối kéo nhau đi kiếm ăn. Ngư dân chỉ việc rang gạo xay nhuyễn, thả xuống mặt nước ven bờ rồi thả câu. Mỗi người có thể thả khoảng chục chiếc cần câu có lưỡi chùm, gặp đàn cá là giật mạnh lên khỏi mặt nước. Đó là cách đánh bắt cổ xưa của nhiều ngư dân ven bờ sông Tiền ở vùng Gò Công này”- anh Lâm kể thêm.

Có thể nói, cá đối như một món quà, là “lộc biển” bao đời đã ban tặng cho những ngư dân làm nghề đánh bắt ven bờ ở khu vực Gò Công Đông này. Đó không chỉ là sinh kế mà còn mang đến nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân dịp cuối năm như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa cá đối Gò Công Đông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO