Thời điểm này, du lịch đang là một trong những ngành dịch vụ có hoạt động sôi nổi nhất vì đang trong đợt cao điểm hè. Lợi dụng tâm lý muốn trải nghiệm du lịch với giá rẻ của người dân, nhiều thông tin quảng cáo các combo, tour du lịch giá hời nhan nhản xuất hiện trên mạng xã hội…
Giá rẻ bất ngờ
Liên tiếp những ngày gần đây, trên các hội nhóm review về du lịch đồng loạt xuất hiện nhiều bài đăng quảng cáo các combo du lịch, tour trải nghiệm với giá “siêu hời”.
Đa phần các bài đăng hướng đến những địa điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang…
Theo lời quảng cáo, chỉ với mức giá từ 3 - 4 triệu đồng, du khách đã có thể sở hữu những combo du lịch với rất nhiều tiện ích như: Lưu trú tại các khách sạn, resort từ 3 sao trở lên với bữa sáng miễn phí, view gần biển, miễn phí vé vui chơi…
Thậm chí, với mức giá này, một số bài đăng sẵn sàng “nổ” trong combo đã bao gồm luôn vé máy bay khứ hồi kèm hành lý ký gửi. Phía dưới những bài đăng này luôn kèm theo số điện thoại để du khách có thể dễ dàng liên hệ.
Các bài đăng nhan nhản trong các hội nhóm du lịch với cả trăm ngàn thành viên khiến thông tin gần như hỗn loạn. Những người chưa có kinh nghiệm du lịch dễ dàng “sa lưới” bởi bẫy giá rẻ bất ngờ.
Chị Trần Thị Chi Linh (26 tuổi, nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Trong tháng 8, mình và người yêu có ý định du lịch Phú Quốc nên đã tham gia vào các hội nhóm review du lịch tại đây. Tuy nhiên, bài review thì ít mà mấy bài quảng cáo tour du lịch thì nhiều. Đa phần đều là những combo có giá rẻ hơn rất nhiều so với những người đã du lịch review lại nên mình chỉ lướt qua, không tham khảo”.
Đã từng có kinh nghiệm nhiều năm tự đi du lịch, theo chị Linh, hiện giờ đang là đợt cao điểm du lịch hè, do đó hầu hết các chi phí dịch vụ như vé máy bay, khách sạn, hay cả các hoạt động vui chơi… đều có khả năng tăng giá rất cao. Vậy nên nếu chỉ tin theo những lời quảng cáo trên các hội nhóm, du khách rất dễ gặp “quả lừa”.
“Nhiều trường hợp họ bắt mình chuyển cọc tiền trước rồi lặn mất tăm hơi, không thể liên lạc được. Số tiền cọc coi như mất mà mình thì lại phải mất công tìm lại các combo tương ứng. Cũng có những trường hợp quảng cáo một đằng nhưng khi đến nơi trải nghiệm lại một nẻo, khách sạn lại không được như ảnh chụp, các chi phí phát sinh tăng cao, thậm chí khách du lịch phải trả những khoản phí vô lý…”, chị Linh cho hay.
Nhận quả đắng trước khi du lịch
Không chỉ phải đối mặt với những thông tin thất thiệt về tour giá rẻ, nhiều khách du lịch còn nhận trái đắng khi lỡ đặt cọc tiền cho những đối tượng/cơ sở dịch vụ du lịch “ảo”.
Trường hợp của chị Nguyễn Mai Hương (Phúc Thọ, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Dự định đi du lịch đảo Cát Bà (TP Hải Phòng) vào hai ngày cuối tuần với hội bạn thân, chị Hương đã đăng bài trên hội nhóm review Cát Bà.
Chỉ chưa đầy 1 giờ sau khi đăng bài, rất nhiều tài khoản đã để lại bình luận với những lời chào mời hấp dẫn như homestay view biển, giá chỉ từ 500.000 đồng/ngày/2 người với bữa sáng miễn phí. Bên tư vấn cũng nhiệt tình gửi kèm ảnh và video homestay cho chị Hương tham khảo.
Tuy nhiên, sau khi đặt cọc trước số tiền 1 triệu đồng cho 2 phòng vào ngày 16 và 17/7, chị Hương lập tức bị chặn tin nhắn Messenger. Tiếp tục liên hệ số điện thoại đặt phòng đã được cung cấp thì phát hiện “thuê bao”.
“Đó là một trải nghiệm tồi tệ vì sau đó tôi phải mất công tìm mãi mới được một homestay còn phòng vào 2 ngày đã lên kế hoạch. Số tiền mặc dù không nhiều nhưng chủ yếu mình mất thời gian, việc tìm phòng cũng rất khó khăn do rơi vào cuối tuần”, chị Hương bức xúc.
Cũng có hoàn cảnh tương tự, anh T.N. (Hà Nội) đã mất 4 triệu tiền đặt cọc cho chuyến đi Phú Quốc. Anh N. cho biết, anh đặt vé du lịch combo cho 3 ngày 2 đêm tại Phú Quốc qua một fanpage có tên “Phú Quốc Travel” từ ngày 17 đến 19/7 với mức giá 8 triệu đồng.
“Phía bên công ty yêu cầu chuyển khoản trước 50% để họ book trước phòng khách sạn. Sau khi đặt phòng khách sạn xong sẽ chuyển 50% còn lại. Khi tôi gọi điện để kiểm tra phòng và thông tin thì chính xác thông tin ngày, số lượng, hạng phòng... Tuy nhiên, phía công ty du lịch chỉ đặt phòng và không chuyển tiền đặt cọc cho khách sạn. Cho nên sau thời gian quy định thì phòng đã tự huỷ book”, anh N. cho hay.
Đến khi phát hiện, gọi điện lại cho bên công ty du lịch và nhắn tin trên fanpage thì anh N. chỉ còn cảm giác bất lực khi không thể liên lạc được. Biết mình đã bị lừa, anh N. tiếp tục gọi điện xuống khách sạn nơi đặt phòng thì nhân viên trả lời phòng đã tự huỷ do quá hạn mà công ty du lịch không đặt cọc phòng.
Những cú lừa liên tục xuất hiện trong đợt cao điểm du lịch dấy lên nhiều lo ngại cho du khách trước khi quyết định “xuống tiền” cũng như làm xấu xí hình ảnh du lịch của nhiều địa điểm trong mắt người dân. Làm cách nào để tránh những chiếc “bẫy” du lịch, cần lưu ý những gì để không rơi vào cảnh tiền mất tật mang?