Mùa Đông

Nguyễn Minh Hoa 09/01/2021 10:00

Đã sang Đông mà trời chưa lạnh, nhiều người nhớ, nên nhắc. Cúc kim bối rối trên phố, cứ như lỗi tại mình. Tại cúc kim nán lại, nên mùa Đông chưa thật về, lạnh vẫn còn đâu đó, nấn ná gì ở chặng cuối? Tuần sau liệu trời có trở lạnh?

Ảnh: Thomas Billhardt.

Mùa đã khác, chẳng như xưa, nhưng đã quen rồi nên cứ nhớ. Cảm xúc của con người ta đến lạ. Nhớ những ấm áp đã đành, đây lại nhớ rét, rét ngọt, mưa phùn gió Bấc, rét đến cóng tay làm gì cũng ngại mà vẫn nhớ. Rét để khoe áo mới, rét để gần gụi nhau, rét để cùng ăn những món nóng sực, thời gian như chậm lại để hoài niệm về những cũ xưa... Đông về mà chưa thấy rét thì đúng là đang thiếu, đất trời vẫn còn chưa trải đủ một vòng quay.

Xưa, cái lạnh xứ Bắc thật đáng sợ. Ngăn tủ trống trơn vì khăn áo đã mang cả trên người mà vẫn co ro. Trời xám ngắt, gió vi vút, những cái áo mút mặc bên trong áo sơ mi chẳng bao giờ đủ ấm cả. Những cái khăn đan bằng nửa lạng len đã trơ, không còn ấm. Những cái áo khoác bạc vai, cửa tay sờn, quắt lại sau những mùa đông dài mặc sà sã. Mẹ có áo khoác mới là con khó có thể, chẳng nhẽ con gái lớn phải mặc lại áo của mẹ? Tóc con gái đã dài, má con gái ửng hồng, đôi câu chuyện đã có nói đến ai đó rất riêng. Nên mẹ cố đan ngày, đan đêm để con gái có cái áo mới bằng chúng bạn. Mặc áo len mới, con ra dáng thiếu nữ hơn hẳn. Dấu mốc giản dị ấy mẹ nhớ, con nhớ và không ngờ đám bạn con cũng vanh vách kể sau cả mấy chục năm trời. Cái áo chẳng phải ấm chỉ mùa Đông ấy, mà ấm áp cho đến tận giờ, khi con biết hết mùa phơi phóng, gói ghém quần áo mùa cũ cất đi và để ra tủ quần áo mùa mới. Đàn bà con gái biết thu vén, lo nghĩ xa gần là biết chủ động cuộc sống của mình, tấm áo manh quần sẽ luôn gọn gàng, tươm tất trong mọi hoàn cảnh.

Những tủ đứng, tủ lệch, tủ gương trong mỗi nếp nhà đã cất giữ mùa Đông của các thế hệ. Để khi mà váy áo ngập đầu, nhà có máy giặt, máy sấy... vẫn cứ mong nắng để phơi cái bát, cái nồi, phơi cái chăn cho “được nắng”. Những đứa trẻ mặc áo nỉ hút-đy, chọn mua những cái mũ có đèn nháy, có tai mà không mấy đứa hỏi chuyện sao mẹ quàng mãi cái khăn len cũ. Chắc phải rất lâu sau, khi cũng như mẹ chúng, sau những mùa Đông nhiều ấm lạnh, sẽ biết cất giữ hay bỏ đi những gì không cần thiết.

Lại tiếp chuyện xưa. Con trai, con gái đều tuổi ăn, tuổi lớn. Có khi phải thật lâu mẹ mới có tấm áo mùa đông cho mình. Ít áo, nên cái áo nào cũng được nhớ, mua dịp nào, ở đâu, từ khoản tiền nào, nhớ cả người nhượng suất cho.

Năm chị cả đi lấy chồng, có áo mút đỏ theo trong va li hành trang ngày cưới, chị để lại ngăn tủ mình cái áo sợi rách khuỷu tay. Mùa đông năm ấy mẹ ngồi gỡ ra, chập sợi đan cho em cái áo gile. Cái áo sợi có nhiều mấu nối, mẹ khéo lắm, đưa hết cả vào mặt trong. Em hỏi: Sao phải chập sợi vào hả mẹ? Mẹ bảo: Sợi mòn mỏng, nên chập vào đan nó mới dày dặn. Tuy là cái áo đan lại, nhưng Tết năm đó em vẫn rất vui, em mặc áo mới từ đêm 30 Tết. Cũng năm ấy, chị lần đầu tiên ăn tết ở nhà chồng, bố mẹ cứ lo chị chậm thế không biết ông bà bên ấy có vừa lòng? Lần đầu tiên em thấy ngủ một mình lạnh. Dù trước đó khi chị đi lấy chồng em sung sướng vì được một mình một giường, một buồng, không bị chị tắt thụt đèn bắt đi ngủ sớm.

Mùa Đông năm sau, anh đi Tây. Anh được mua áo lông Đức, quần bò, em nhìn thật lâu, có ý tị. Em đã rét cước cả chân những hôm trời mưa dầm mà chẳng được mua cái áo khoác màu đỏ như mong ước. Gió rít trên nóc nhà, em vào trường cấp 3 của huyện, thi thoảng lắm trong lớp có đứa có áo mới. Nó thèn thẹn, còn các bạn nhìn ngắm mãi. Năm em học lớp 12, mẹ bảo áo ngắn cả rồi, bán đàn lợn xong, mẹ mua cho cái áo màu đỏ. Em mong rét từng ngày. Bao giờ manh nha từ phía chân trời xa cuối cánh đồng kia gió Bấc về để em mặc áo mới. Năm đó lạnh, đó là một mùa Đông kì diệu. Những áo cũ bỗng trở nên bé quắt và như bạc hơn so với cái áo màu đỏ thắm này.

Mùa đông năm sau, em mang cái áo màu đỏ lên tỉnh học đại học, thành phố khác xa làng trên xóm dưới và bạn bè cũng khác lạ so với đám trong xóm và đám học sinh trường huyện. Khối đứa nhìn cái áo đỏ của em đầy ẩn ý. Đi hội làng nhiều em biết, hẳn đó là ánh mắt dè bỉu. Mấy đứa nhắc đi nhắc lại “Áo đỏ chứng tỏ nhà quê”. Em hồn nhiên kể chuyện làng với những xóm “Đìa, Dộc, Chua, Quếch’’... chúng cười ngất. Đó cũng là những manh nha để em hiểu hơn về cuộc sống và suy nghĩ của những người xa lạ.

Cái áo đỏ cho em đỡ lạnh, mà so ra còn đẹp hơn áo của nhiều đứa khác – em nghĩ thế và thản nhiên đi qua những mùa Đông...

Đã bao mùa Đông đi qua, có những khi em mua cho mình đến 10 cái áo mới, các màu và bao giờ cũng có những cái áo màu đỏ. Đôi khi em gặp lại một ánh mắt ghen tị. Em nhớ cả chuyện xưa, chuyện nay. Có khi những cái áo chỉ để chiều chuộng mình trong mùa Đông mà thôi. Có khi áo mua chờ mùa mới, mua vì sẵn tiền trong ví, mua vì những nỗi buồn xâm lấn trong em...

Gió rít ngoài khuôn cửa, trong nhà không hề lạnh, bọn trẻ vẫn thích gần mẹ. Em chợt nghĩ dăm năm nữa, trong thế giới riêng của chúng, em có vị trí của một người bạn không nhỉ? Ánh đèn vàng và mùi tinh dầu thơm thật ấm, dù không muốn nhưng em lại nhớ và so sánh đôi người với ánh mắt, lời nói làm em rùng mình, họ đáng sợ hơn những người chê cái áo đỏ em mang từ quê ra tỉnh, họ xảo trá và độc ác, họ tranh cướp và thèm khát được ngợi ca... họ đáng sợ hơn cả cái rét mùa Đông. Nhưng rồi, e cũng cảm ơn những va vấp lớn nhỏ đã từng thấy, để giờ đây em nhanh chóng nhận ra và đối diện với tất cả. Nhẫn nhịn thôi chưa đủ, cái ác trong con người ta mạnh như cơn gió mùa Đông khanh khách cười trước những kẻ mong manh. Em nhìn thật lâu vào bản chất của cái ác ấy. Nó có chân rễ nguồn cội từ nếp nhà người ta. Phải chăng, bà mẹ đã không xào một món thật nóng cho con ăn trong những bữa ăn mùa Đông, không nói với con về nguồn gốc một tấm áo ấm? Bà ấy vô tâm, hay giời bắt mẹ con xa nhau, nên thành ra trái tim người ta không được ủ ấm và trở nên độc ác như thế? Em bỏ đi có là ích kỉ, cái ác vẫn bủa vây nơi chốn này, không có em họ vẫn bắt nạt người khác, họ sẽ vẫn sung sướng nham hiểm chứ không bao giờ nhận rằng mình độc ác. Em nhớ cả những khi cuộn tròn trong chăn ấm nhà trọ, nghĩ về những khái niệm bị đánh tráo, cho đến bây giờ vẫn luôn nghĩ về điều đó. Em đã không im lặng, đó là một lựa chọn, đó cũng là một lối đi, mà em biết là gian khó, nhọc nhằn.

Gió vẫn rít trên đường, thành phố đầy khói bụi, đám trung niên ngồi nói với nhau câu chuyện ngày xưa, về những áo sợi, áo mút ngắn hững hờ ngày ấy, về niềm vui khi có áo mới vẫn nhớ cho đến tận giờ. Và cũng nói về những cái áo mua về không xỏ tay lấy một lần, thật phí. Rồi hứa với nhau sẽ không mua, nếu thực sự không cần thiết... Hứa vì nhớ, ngày ấy cả tuần không giặt áo khoác, lạnh đến nỗi mặc cả áo len đi ngủ, lạnh thấm trong hơi thở, củi chất vào bếp sưởi mẹ cũng phải tính tem phiếu “chất đốt’’. Cái áo “đại cán” của bố bạc thếch chẳng được là phẳng bao giờ, giặt bằng xà phòng 72 phải hôm không có nắng hôi mù... Toàn những chuyện xưa đã mấy mươi năm, mùa đông phố thị mỗi mùa lạnh đều đã khác.

Lại nhớ chuyện có người đàn bà đan áo, vương sợi tóc vào len, cô gái ngày ấy đã đan sợi tóc đen nhánh của mình vào cùng, tấm áo ấy giờ có còn trong tủ nhà người ta? Tình yêu đi qua mùa, đông xưa còn thấm lạnh...

Em xếp lại những mùa đông trong căn nhà lợp ngói móc, nền đất nhà mình xưa, em xếp vào trong tủ nhà mình nay những cái áo màu đỏ cùng những dè bỉu, xảo trá, đắng cay mà em đã gặp phải. Em đã đối diện với giá lạnh, đã có khi muốn gục ngã.

Giời đất có mùa, qua đông lạnh giá sẽ đến mùa xuân ấm, những trải nghiệm qua rồi sẽ là những an nhiên. Em sẽ lại diện áo đỏ trên phố mùa đông, em băng qua những ngả đường tắc, bụi mù, khét lẹt hay mưa lạnh để trở về ngôi nhà của mình, nơi mà em vẫn nhóm lửa mỗi ngày, nơi ấm áp và thơm sực hương hoa. Nếu được rảnh rỗi em lại xếp mùa vào ngăn tủ...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa Đông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO