Mùa đông lạnh lẽo và độ nóng Covid-19

Phan Quang Vũ 22/11/2020 07:58

Hậu cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với những diễn phức tạp đã thu hút sự chú ý của dư luận. Mà cũng chính vì thế, đôi khi người ta “quên mất” một việc còn mệt mỏi hơn, đó chính là tốc độ lây lan, tàn phá của Covid-19.

Trong tuần, không dưới 3 lần, Tổ chức Y tế thế giới đưa ra cảnh báo khi mà tình trạng căng thẳng tiếp diễn ở Mỹ và châu Âu. Tại Trung Đông, Iran cũng đã nổi lên như một điểm nóng Covid-19 khi số ca tử vong gia tăng.

Covid-19 hoành hành, các đường phố nước Mỹ vắng vẻ.

Trong vòng hơn 7 tháng qua, nước Mỹ chật vật với Covid-19, trong lúc lại có nhiều ý kiến khác nhau về cách phòng ngừa, truy vết và việc áp dụng các biện pháp ứng phó từ chính quyền các tiểu bang.

Kể từ cuối tháng 9 tới nay, bất chấp các tranh luận thì con virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục “công phá”. Cho tới thời điểm này, nước Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca lây nhiễm Covid-19. Thông tin về 2 loại vaccine mới (Pfizer và Moderna)có thể áp dụng đại trà trong nay mai thì cũng không xóa được nỗi lo lắng thường trực trong mỗi người dân Mỹ.

1. Làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới đang càn quét khắp nước Mỹ với tốc độ nhanh chưa từng thấy kể từ khi đại dịch bùng phát. Điều đó buộc nhiều bang phải áp đặt các lệnh phong tỏa và giới hạn mới sau khi trải qua một tuần có tới hơn 1 triệu ca nhiễm.

Tại Chicago (thủ phủ bang Illinois), yêu cầu “ở tại nhà” nhằm ngăn ngừa virus lây lan mạnh bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16/11. Cùng ngày, tại Philadelphia (bang Pennsylvania), các lệnh hạn chế mới cũng được công bố khi số ca nhiễm mới tại đây tăng vọt. Tại bang New York, Thị trưởng New York City Bill de Blasio cho biết các trường học công lập hiện tại vẫn mở cửa nhưng một khi tỉ lệ xét nghiệm dương tính vượt quá 3%, sẽ buộc đóng cửa hệ thống trường công lập và nối lại hoạt động học tập từ xa. Hiện tại tỉ lệ xét nghiệm dương tính tại New York City đã ngấp nghé ngưỡng 3% này.

Trong một động thái khác, các thống đốc một loạt bang vùng Đông Bắc Mỹ vốn chịu ảnh hưởng từ sớm của đại dịch, đã tổ chức hội nghị cấp cao nhằm thảo luận về dịch bệnh, nhằm tìm cách chặn đà lây lan của virus.

Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy đã phải kêu lên trên truyền hình MSNBC rằng: “Làm ơn, Chúa ơi, đừng lên tới mức mà chúng ta đã chứng kiến hồi mùa Xuân”. Chúng tôi cầu xin mọi người hãy nhớ trách nhiệm cá nhân của mình, đặc biệt là khi tham gia các cuộc gặp gỡ riêng tư”.

Như đã nói, cho dù 2 loại vaccine mới sẽ được áp dụng sắp tới, thì cũng không phải là biện pháp hữu hiệu với nước Mỹ. Vì, theo dự kiến, hầu hết người Mỹ sẽ không được tiêm phòng Covid-19 ít nhất cho đến đầu năm 2021. Trong khi đó, tốc độ lây nhiễm mạnh đầu mùa Đông đang đẩy nước Mỹ vào cơn khủng hoảng thật sự.

Theo CNN, trên toàn quốc trong 2 tuần liên tiếp, nước Mỹ ghi nhận trên 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày và số ca nhiễm mới cũng liên tiếp lập những kỷ lục mới.

Theo NBC, số ca mắc Covid-19 đã tăng mạnh tại hàng loạt các tiểu bang, như Maine, Vermont, Minnesota, Iowa, New Hampshire, Colorado, Ohio, Kansas, Connecticut, Michigan và New York, với mức tăng lên tới trên 100% sau 14 ngày.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, dịp nghỉ lễ Giáng sinh sắp tới và thời tiết chuyển lạnh hơn sẽ làm trầm trọng thêm xu hướng này, khi người dân tổ chức các buổi tụ họp trong nhà nhiều hơn. Vì thế, nhà chức trách thành phố Philadelphia đã ban bố lệnh cấm các cuộc tụ họp với mọi quy mô tại tất cả các địa điểm công cộng lẫn riêng tư, ngoại trừ những cá nhân sống cùng nhau.

Ủy viên Y tế thành phố Thomas Farley đã nhấn mạnh sự cần thiết phải phải ngăn virus SARS-CoV-2 lây lan giữa các gia đình. Quan chức này cảnh báo nếu số ca mắc tiếp tục gia tăng “theo cấp số nhân” như hiện nay, các bệnh viện sẽ sớm bị quá tải và sẽ có hơn 1.000 người có thể tử vong trong 6 tuần tới.

Tại bang New Jersey, một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong giai đoạn đầu đại dịch ở Mỹ, Thống đốc Phil Murphy cho biết sẽ yêu cầu các buổi tụ họp trong nhà giữa những gia đình khác nhau chỉ được phép tối đa 10 người tham gia, giảm từ mức 25 người, trong khi giới hạn áp dụng với các buổi tụ họp ngoài trời là 150 người, giảm từ mức 500 người.

Nước Mỹ đang gặp khó khăn vì Covid-19. Nhưng, châu Âu cũng không khá hơn là mấy.

Người dân Tây Ban Nha đeo khẩu trang khi ra đường Ảnh: Reuters.

2. Kể từ giữa tháng 9, dịch Covid-19 đã khiến châu Âu nóng trở lại sau hơn 2 tháng “dễ thở”. Tới nay, hàng loạt quốc gia châu Âu đã phải ban bố tình trạng giãn cách, đồng thời áp dụng bắt buộc nhiều biện pháp cứng rắn để giảm thiểu tình trạng lây nhiễm.

Nhiều người đã đặt câu hỏi: Vì sao châu Âu đến nỗi này? Trong khi câu trả lời chưa có thì người ta cho rằng châu Âu đang trong “siêu ác mộng” khi mùa đông đã tới khiến Covid-19 bùng phát dữ dội hơn.

“Chúng ta phải hành động. Chúng ta cần ngăn chặn sự lây lan của virus này. Chúng ta sẽ phải đối mặt với virus này cho đến ít nhất là mùa hè năm 2021” -Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trong một cuộc phỏng vấn truyền hình.

Nếu tính toàn bộ châu Âu thì mỗi ngày có tới 100.000 người bị lây nhiễm (kể từ đầu tháng 10 tới nay), chiếm khoảng 1/3 tổng số ca mắc mới hằng ngày của toàn thế giới và cao hơn mức trung bình hằng ngày của Mỹ là khoảng 50.000 ca - theo Hãng tin Reuters.

Nhìn về phía trước, bà Julie Fischer - nhân viên của Tổ chức phi lợi nhuận CRDF Global, đưa ra nhận xét: “Một khi chúng ta bước vào mùa lạnh cùng cúm mùa, khi mà một số triệu chứng rất chung chung và giống với Covid-19 như sốt và ho trở nên phổ biến hơn, vấn đề sẽ trở nên rất phức tạp ở những khu vực nơi các xét nghiệm vẫn đang được thực hiện dựa trên việc một người có triệu chứng hay rủi ro phơi nhiễm”.

Trong khi đó, Ủy viên phụ trách sức khỏe và an toàn thực phẩm châu Âu Stella Kyriakides cho rằng, rõ ràng mùa đông năm nay châu Âu phải chống lại mối đe dọa kép từ virus corona và cúm.

“Tôi rất lo ngại trước những gì chúng ta đang chứng kiến và những gì có thể xảy ra trong những tuần và những tháng tiếp theo. Chúng ta phải hành động quyết liệt. Đây có thể là cơ hội cuối cùng để ngăn những gì của mùa xuân lặp lại lần nữa” - bà Kyriakides nhận định.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel cho rằng: “Dựa theo các con số hằng ngày, chúng ta đang trong giai đoạn tăng theo cấp số nhân”.

Nước Anh cũng đang “đứng ngồi không yên” vì dịch bệnh. Theo Reuters, Chính phủ Anh buộc phải áp đặt thêm các biện pháp phong tỏa tại nhiều khu vực phía Bắc nước này. Thủ tướng Anh Boris Johnson (ngày 30/10) đã công bố những hạn chế nghiêm ngặt nhất theo hệ thống cảnh báo 3 tầng mới - phân loại các khu vực với mức độ cảnh báo “trung bình”, “cao” và “rất cao”.

Nước Anh đang rối bời vì Brexit thì nay lại rối thêm vì Covid-10. Truyền thông Anh đưa tin, trước buổi tối khi tuyên bố trên truyền hình về phong tỏa thì ông Boris Johnson ra khỏi phòng họp báo tại số 10 Downing Street trễ hơn 2 giờ, dấu hiệu của việc nội các Anh tranh cãi dữ dội về điều hơn thiệt của việc áp lệnh phong tỏa mới. Bài toán luôn là vậy: Đóng lại thì kinh tế đình trệ, mở ra thì lây lan tăng, y tế bị quá tải, người bệnh nhiều lên, chết cũng tăng.

“Nhưng sau Pháp, Tây Ban Nha, Ý thì Anh sớm muộn sẽ phải phong tỏa xã hội, và xem ra trước mùa đông này chính phủ Borish Johnson không còn cách nào khác là phải ra tay”- truyền thông Anh bình luận.

Nhìn chung, trong đợt bùng phát dịch lần này, cũng “bài ca muôn thuở” là giới Y tế lại đổ tội rằng châu Âu đã phong tỏa chậm, trễ mà sau lại tháo gỡ các hạn chế đi lại quá sớm, khiến virus bùng phát trở lại. “Khu nhà tôi gần một bệnh viện nên nghe tiếng xe cứu thương chạy vụt qua tôi lại nhớ đến hồi tháng 3 khi mà đợt dịch lần đầu lên tới đỉnh điểm”- truyền thông dẫn lời một người dân London cho thấy sự hãi hùng đang đe dọa cộng đồng.

Và cũng đúng vào lúc này, giới truyền thông đã dẫn lại lời của “nhà tiên tri” Yuval Noah Harari rằng “bệnh do Covid gây ra không tàn phá thế giới bằng nạn thất nghiệp và khủng hoảng tâm lý vì điều đó sẽ đẩy chúng ta xuống vũng lầy khó vượt thoát”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ban hành lệnh giới nghiêm tại Paris và 8 thành phố khác để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 sau khi số ca mắc mới mỗi ngày đang ở mức cao kỷ lục. Lệnh giới nghiêm từ 21 giờ đến 6 giờ hằng ngày sẽ kéo dài trong 4 tuần và ảnh hưởng đến khoảng 20 triệu người.

Lệnh giới nghiêm cũng tạm cấm những cuộc tụ tập ăn chơi 50 đến 60 người, các lễ hội... vì đây là những nơi dễ lây dịch bệnh. Những người vi phạm lệnh giới nghiêm có thể bị phạt 159 USD. Ông Macron cho biết những nỗ lực của Chính phủ là để giảm cho bằng được số ca nhiễm mới xuống “3.000 hoặc 5.000” ca so với mức hiện tại là gần 27.000 ca mỗi ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa đông lạnh lẽo và độ nóng Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO