Mua hàng trên mạng: May nhờ rủi chịu

Thuý Hằng 28/09/2020 07:30

Hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn trà trộn rao bán trên mạng, “chợ thương mại điện tử”. Cơ quan thuế thì khó lòng thu được thuế từ người bán. Còn người mua phải hàng rởm lại không biết kêu ai.

Một biếm họa cho thấy việc mua bán qua mạng là khó kiểm soát.

Đại dịch Covid-19 là phép thử, buộc doanh nghiệp (DN) cũng như nhiều nhà bán hàng kinh doanh dịch vụ chuyển từ hình thức kinh doanh trực tiếp sang gián tiếp (online). Kèm với đó, xu hướng của nhiều người tiêu dùng cũng tiến tới mua hàng qua mạng.

“Bắc thang lên hỏi ông Trời”

Theo Báo cáo bán lẻ của Deloitte Việt Nam vừa công bố đầu tháng 7 vừa qua, các DN bán lẻ đã tăng cường tập trung vào gia tăng các tương tác kỹ thuật số thay vì tương tác vật lý, dẫn đến bước tăng trưởng nhảy vọt trong bán hàng đa kênh, với tổng doanh số bán lẻ hàng hóa tăng 1,9 triệu tỷ đồng, tương đương 3,4%, so với 6 tháng đầu năm 2019.

Tuy nhiên, điều đáng bàn ở bài viết, một lượng hàng giả, hàng nhái hàng kém chất lượng được rao bán trên mạng mà chưa kiểm soát được. Quả thật, không quá khó để đặt hàng mua lọ nước hoa nhãn hiệu Chanel, hay tinh dầu nước hoa tại chợ thương mại điện tử Shopee với giá 250.000 đồng đến 500.000 đồng/lọ.

Theo lời một dân buôn hàng hiệu (hàng authentic) chuyên đồ Âu - Mỹ có cung cấp hoá đơn và đăng ký mã số thuế với cơ quan thuế khẳng định: 100% nước hoa giảm giá, thanh lý, xả kho trên mạng là hàng đểu. Gọi chính xác là nước lã pha hương liệu, lấy ở Quảng Châu (Trung Quốc) cả lô về bán.

“Đi mua hàng cứ yêu cầu viết hoá đơn, nếu cơ sở bán không hoá đơn thì chỉ là hàng kém chất lượng, hoặc hàng địa phương của Trung Quốc”- vị này chia sẻ.

Nhiều câu hỏi cũng đã được đặt ra tại một số trang thương mại điện tử, cũng như trang mạng xã hội là, việc kiểm soát nguồn gốc hàng hoá như thế nào mà hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan.

Chưa hết, nhiều khách hàng mua hàng qua mạng còn quả quyết rằng, tiềm năng của bán hàng trực tuyến đáng lẽ phải tăng vượt trội hơn nữa nếu như dịch vụ bán hàng tại Việt Nam thay đổi.

Bà Hoàng Thu Trang (ngõ 66, đường Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội) dẫn chứng, bà có nhu cầu mua nồi nấu cháo bằng đất. Đúng đợt dịch nên bà lên Shopee để tìm mua. Theo bà, các sản phẩm theo yêu cầu của bà nhiều, cuối cùng bà chọn mua nồi đất của Gốm sứ Hải Long với mức giá 150.000 đồng/ chiếc, kèm với phí vận chuyển lên tới 171.000 đồng.Nhưng chờ hơn 1 tuần cũng không thấy hàng đâu, đến khi dùng điện thoại tìm lại đơn hàng thì mới được phía shop bán hàng nhắn tin: Sản phẩm đã hết và đơn hàng bị shop huỷ.

“Nếu như phía cửa hàng bán hàng, gọi điện thoại cho khách hàng thông báo, thì độ hài lòng của khách hàng về cửa hàng sẽ tăng vọt. Tôi không hài lòng với cách bán hàng của nhiều cửa hàng trực tuyến hiện nay”- bà Trang phân tích.

Song không chỉ có vậy, 1 tuần sau, cửa hàng gốm sứ Hải Long đăng trên shopee mặt hàng nồi đất còn hàng và bà Trang tiếp tục đặt. Lần này, hàng đến nơi, nhưng khi nhận hàng thì chiếc nắp nồi bị nứt

Bực mình, bà Trang gọi theo đường dây nóng của shop nhận được câu trả lời, hàng giao chuẩn, chắc là do vận chuyển. Nhưng khi hỏi vận chuyển thì người vận chuyển nói: “Bọn em cẩn trọng với hàng hoá lắm”.

Gần đây càng nhiều người phản ánh bị giao hàng kém chất lượng, dù đặt hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn. Trong khi đó sàn thương mại điện tử cũng cho biết đã ứng dụng công nghệ trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để sàng lọc, phát hiện và loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, nhưng tình trạng người mua hàng bị lừa vẫn xảy ra.

Rất rất nhiều khách hàng cho biết, khi mua hàng online dính phải hàng lỗi không biết kêu than cùng ai.

Thất thu thuế

Hiện nay số cá nhân kinh doanh và phát sinh thu nhập từ mạng xã hội là không hề nhỏ. Theo quy định, cá nhân kinh doanh phải khai báo và nộp thuế cho Nhà nước, nhưng rất đông cá nhân thông qua Facebook bán hàng, né được doanh thu. Đồng thời Nhà nước cũng quy định chỉ thu được thuế những cá nhân bán hàng qua mạng xã hội từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

Phía Tổng cục Thuế từng cho biết việc thu thuế người kinh doanh qua mạng Facebook cũng rất khó khăn. Lý do là ngành Thuế sẽ không thể vào Facebook của từng người mà thu thuế được vì thiếu bằng chứng, thông tin. Đặc biệt, việc truy soát tài khoản của hàng chục nghìn cá nhân bán hàng qua Facebook để xác định doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, từ đó truy thu thuế Thu nhập cá nhân, là điều không khả thi.

Ông Lê Ngọc Huy , Phó Trưởng phòng Kê khai - Kế toán thuế, Cục Thuế Hà Nội cho biết, qua thu thập dữ liệu từ các ngân hàng thương mại, đến cuối tháng 6/2020, Cục Thuế Hà Nội có danh sách, tài khoản của 36.068 shop bán hàng online với số tiền giao dịch là 14.290 tỷ đồng; trong đó, tài khoản của cá nhân là 35.971 tài khoản với số lượng tiền giao dịch 4.851 tỷ đồng; tài khoản doanh nghiệp là 97 tài khoản với số tiền giao dịch 9.438 tỷ đồng.Cục Thuế TP. Hà Nội đã rà soát 13.422 chủ tài khoản Facebook có các hoạt động kinh doanh; trong đó có khoảng 2.000 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế. Và đáng chú ý cơ quan thuế đã thu được 1,2 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước đối với số tài khoản trên.

Con số trên cho thấy, thất thu thuế từ kênh bán hàng Facebook rất lớn.

Chưa hết vụ việc bán hàng bằng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên Facebook của một kho hàng rộng hơn 10.000m2 ở Lào Cai bị lực lượng chức năng phát hiện tháng 7/2020 vừa qua với thông tin mỗi kho hàng này bán được trên 1.000 đơn hàng, doanh thu hàng tháng riêng phần bán lẻ là hơn 10 tỷ đồng. Đặc biệt, sao kê do phía ngân hàng cung cấp cho cơ quan an ninh cộng dồn trong vòng chưa đến 2 năm, doanh thu bán hàng của kho hàng này là hơn 649 tỷ đồng nhưng hoàn toàn không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Bán hàng livestream hút sự quan tâm nhờ hội tụ nhiều yếu tố như tính giải trí, tính thực tế… Nếu như với mua sắm online thông thường, người mua thường e ngại vì không được nhìn tận mắt sản phẩm, khó hình dung cảm giác cầm trên tay, mặc trên người ra sao, thì với livestream người mua dường như được quan sát gần hơn, sinh động và thực tế hơn. Qua đó, mức độ tin tưởng ở người dùng được gây dựng đáng kể. Kèm với đó ở các chương trình livestream, người bán hàng thường đưa ra các ưu đãi lớn như xả kho, giảm giá… Tuy nhiên, nhiều người cho biết, việc mua hàng ở hình thức này chỉ là hên xui.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mua hàng trên mạng: May nhờ rủi chịu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO