Mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long: Không để người dân thiếu nước

Quốc Trung 25/02/2021 09:00

Chính quyền, người dân các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có những động thái chủ động phòng, chống tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, hạn chế tối đa thiệt hại trước diễn biến phức tạp của mùa khô 2020 – 2021.

Người dân Vĩnh Long đã tự làm ao trong vườn để trữ nước ngọt cho trái cây.

Chủ động trữ nước

Qua thống kê gần nhất ngày 23/2 của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn, dự báo mấy ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên theo thủy triều. Mực nước cao nhất ngày 23/2 trên sông Tiền tại Tân Châu 1,03m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 1,21 m. Những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên cao.

Đến ngày 28/2, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 1,3 m; tại Châu Đốc ở mức 1,45m. Trong khi đó, diễn biến của xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc chính vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong và triều cường nên biến động khó lường.

Ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: “Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng tháng 2, tháng 3, riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3, tháng 4, sau giảm dần. Tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới”.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam trước đó cũng khuyến cáo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại các vùng như: Vùng thượng nguồn ĐBSCL; Vùng giữa ĐBSCL và Vùng ven biển ĐBSCL… và đề ra các biện pháp phòng chống phù hợp cho từng vùng.

Đợt Tết vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Nhân nhà vườn xã Bình Hoà Phước (Long Hồ, Vĩnh Long) vừa ăn Tết vừa phải canh độ mặn. Ông Nhân có vườn chôm chôm Java khoảng 8 công (1.000 m2/công) trồng xuất khẩu. Thời điểm cận Tết vừa rồi, nhà vườn chủ quan không chủ động trữ nước ngọt nên khi nước mặn tấn công làm vườn chôm chôm giảm năng suất.

“Nếu mặn vào tới huyện Chợ Lách của Bến Tre chỉ cần 1‰, tôi phải trữ nước ngọt tưới cho vườn chôm chôm, vì vườn chỉ cách Chợ Lách khoảng 14km. Cây chôm chôm chỉ cần độ mặn 0,2-0,3‰ thôi đã cũng ảnh hưởng đến năng suất ” - ông Nhân lo lắng.

Còn anh Võ Anh Quốc, ngụ ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước (Long Hồ, Vĩnh Long) cho biết, đợt xâm nhập mặn năm rồi quá bất ngờ khiến anh không có biện pháp thích ứng kịp thời. Hậu quả là gần 30 công chôm chôm và nhãn của gia đình không ra trái, thiệt hại gần 500 triệu đồng.

“Năm nay rút kinh nghiệm tôi đốn hơn 1.000 m2 vườn, thuê máy múc đào ao trữ nước, trải mủ (túi nilong nhựa) để mặn không ngấm vào. Với cái ao này chắc cũng đủ tưới khi mặn lên, khi nào mặn xuống thì tiếp tục bơm nước vào trữ. Hiện cây ra đang đọt lại rồi, vài ngày nữa là tiến hành đậy mủ nên phải trữ nước trước” – anh Quốc chia sẻ.

Cách đó không xa, bà Trương Ngọc Đảnh, ngụ ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ cho biết, gia đình trải qua nhiều vụ hạn mặn nên bà rút kinh nghiệm và “thủ” trước cho năm nay. Ngay đầu vụ sầu riêng, bà đầu tư hơn 10 triệu đồng mua 2 túi trữ nước (30 m3/túi) và thuê người vét mương vườn lớn để đặt túi trữ nước.

“Năm rồi hạn, mặn bất ngờ không kịp trở tay, nước trong vườn không đủ tưới phải mua nước ngọt về tưới giúp cây vượt qua hạn, mặn, tuy nhiên toàn vườn sầu riêng không đậu được trái nào. Nghe dự báo thấy lo nên chủ động mua túi trữ nước trước cho chắc, mong rằng năm nay đừng khắc nghiệt như năm rồi, bà con đỡ khổ, chứ mất mùa thêm lần nữa thì gia đình không biết lấy gì để sống” - bà Đảnh than.

Ở Cà Mau, ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau thông tin: Sở đã điều chỉnh phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng cân đối nguồn nước hiện có đảm bảo sản xuất đến khi thu hoạch. Đồng thời, phối hợp với các ban ngành thường xuyên kiểm tra, rà soát các công trình cống đập, kênh mương để phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố. Liên tục cập nhật diễn biến hạn hán, nguồn nước để hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng, vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh trong điều kiện hạn hán... nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Không để dân thiếu nước ngọt

Hiện các địa phương chủ động đề ra các giải pháp hỗ trợ người dân tích trữ nước các gia đình, tích cực nạo vét kênh mương, xây dựng các hồ chứa nước ngọt để đảm bảo nguồn nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân, nhất là các địa phương thời gian qua bị thiếu nước ngọt nghiêm trọng.

Theo bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Long Hồ cho biết: Để giảm thiểu thiệt hại như năm trước, từ đầu năm 2021, huyện triển khai 14 công trình thủy lợi và khảo sát để xây dựng các đập giả tại 2 xã cù lao Bình Hòa Phước và Đồng Phú để chủ động ứng phó với hạn, mặn.

“UBND huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn, nhất là các xã cù lao… thường xuyên theo dõi độ mặn trên các sông, kênh, rạch. Chủ động khuyến cáo người dân tích trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu, đóng các cống, bọng trữ nước khi độ mặn lên cao”, bà Hạnh cho biết thêm.

Trao đổi với ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh về công tác phòng chống hạn mặn, ông Hẳn cho biết: Đầu năm 2021, nước mặn xâm nhập vào các nhánh sông và trước một số cửa các cống đầu mối thủy lợi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, độ mặn thời điểm trước Tết đo được thấp nhất là 1‰ và cao nhất là 7,7‰.

Đầu năm mới, tỉnh đã bắt tay ngay vào việc khảo sát một số điểm để đầu tư các ống cống gắn với hệ thống trạm bơm để bơm nước từ đầu nguồn trữ nước đưa vào phục vụ đất gò cao như: Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải. Việc trữ nước ngọt ngoài đảm bảo nguồn nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân, còn hỗ trợ nước làm mát cho hệ thống nhà máy nhiệt điện Duyên Hải.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Về đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn, hiện ngành nông nghiệp và các ngành, địa phương tiếp tục huy động vốn xây các trạm cấp nước tập trung ở khu vực nông thôn để cấp nước sạch cho người dân đồng thời hạn chế tình trạng khoan giếng tự phát, góp phần bảo vệ nguồn nước ngầm.

Dù các chuyên gia dự báo, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm 2020-2021 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019- 2020.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 36/CT-TTg về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021.

Theo đó, chỉ thị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2020-2021.

Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; quán triệt phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long: Không để người dân thiếu nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO