Mưa là ngập: Chuyện 'nóng' ở nhiều đô thị

PHƯƠNG CHI 23/10/2022 14:05

Sau nhiều năm phát triển, hiện phần lớn các đô thị ở Việt Nam đang phải đối mặt với thực trạng cứ mưa là ngập. Ngay cả những đô thị trên cao như Đà Lạt (Lâm Đồng), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sa Pa (Lào Cai)… cũng không tránh khỏi cảnh ngập nặng sau mỗi trận mưa. Mới đây nhất Đà Nẵng cũng hứng trận ngập chưa từng xảy ra trong lịch sử… Mưa ngập bất thường ở các đô thị đang là bài toán sớm cần lời giải.

Mưa lớn làm nhiều tuyến đường trung tâm TP Đà Nẵng ngập sâu ngày 14/10.

Tốc độ đô thị hóa quá nhanh

Tại Đà Nẵng, ngày 14/10, trận mưa lớn gây ngập 0,5-1,5 m, một số nơi ở quận Liên Chiểu ngập gần 2 m. Thành phố ghi nhận 4 người chết, gần 3.900 nhà ngập sâu, hơn 200.000 hộ dân mất điện. Trong cuộc họp khắc phục hậu quả ngày 15/10, lãnh đạo thành phố đánh giá đây là trận mưa “lịch sử và chưa từng xảy ra”. Cơ quan chuyên môn và các chuyên gia thời tiết, quy hoạch chỉ ra một số nguyên nhân lớn khiến Đà Nẵng ngập nặng.

Trong đó, đáng chú ý là tốc độ đô thị hóa quá nhanh. TS Phạm Thành Hưng - giảng viên Khoa Xây dựng Công trình thủy (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cho biết: Ngoài lý do mưa lớn cực đoan, nguyên nhân quan trọng khác là bê tông hóa đô thị ngày càng nhiều ở các thành phố lớn như Đà Nẵng. Bề mặt bê tông tăng đồng nghĩa diện tích đất thấm nước, chẳng hạn công viên, bị giảm xuống.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho rằng, quy hoạch đô thị có trách nhiệm, nhưng không thể dành diện tích cho các mương, hồ chứa hay mở rộng lòng cống đáp ứng lượng mưa 700-800 mm, vì như thế phải bỏ ra số tiền rất lớn và không còn đất xây dựng hạ tầng, không gian khác. “Nếu lượng mưa tương tự xảy ra ở TPHCM hay Hà Nội thì phải vài ngày mới thoát hết”, ông Phong nói.

Tương tự, dù TP Kon Tum ở khu vực Tây Nguyên có địa hình cao, lại gần với sông Đăk Blà, nhưng thời gian gần đây, hễ có mưa lớn là nhiều tuyến đường bị ngập nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và đời sống người dân. Đây là điều chưa từng xảy ra trong hàng chục năm qua. Chiều 2/10, một cơn mưa lớn kéo dài khoảng hơn 1 giờ đã khiến hệ thống thoát nước tại nhiều tuyến đường ở trung tâm TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) gần như tê liệt, nước và rác tràn trên mặt đường. Những người dân sống ở TP Kon Tum đã mấy chục năm qua cho biết, chưa thấy cảnh ngập như thế. Trước đây, mưa lớn lắm cũng chỉ ngập nhỏ thôi. Bây giờ đường sá làm bài bản, nhưng không hiểu sao mưa lớn là ngập rất sâu.

Nêu nguyên nhân, ông Nguyễn Thanh Mân - Chủ tịch UBND TP Kon Tum thừa nhận: Ngập nặng là do tốc độ đô thị hóa quá nhanh của thành phố. “Việc bê tông hóa khiến nước không ngấm vào lòng đất mà chảy tuột ra hệ thống mương thoát nước. Trong khi đó, hệ thống mương thoát nước đã được đầu tư từ hàng chục năm trước khiến cho việc tiêu nước toàn thành phố không đáp ứng được nữa. Vậy nên, việc ngập nước cũng là một trong những bài toán lớn của thành phố”, ông Mân nói.

Tính toán “không gian nước”

Tại Đà Lạt (Lâm Đồng), tốc độ đô thị hóa nhanh kết hợp việc xây nhà kính ồ ạt và “thiếu không gian cho nước” đã làm hạn chế khả năng thoát nước, khiến Đà Lạt mưa lớn trong thời gian ngắn đã ngập lụt. Gần đây nhất là sau trận mưa lớn chiều 1/9 đã làm nhiều nơi ở Đà Lạt ngập sâu, có nơi gần một mét.

Là người có nhiều năm nghiên cứu về Đà Lạt, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết: Đà Lạt địa hình dốc, nhiều đồi núi. Tuy nhiên, những năm gần đây tốc độ phát triển đô thị nhanh, nhưng lại thiếu bền vững. Chính quyền Đà Lạt đã có những đầu tư, phương án về chống ngập. Thế nhưng, để chống ngập thì người làm quy hoạch phải tính toán, dự liệu kịch bản lượng mưa, đặc biệt là những nơi vùng trũng hay khu vực có nhiều bê tông hóa, cũng như “dành không gian thoát nước”, để tránh trường hợp lượng mưa lớn đổ xuống dồn dập một khu vực và không thoát nước kịp. Điều này cũng là phương án phòng ngừa rủi ro cho thành phố trong đồ án phát triển chung về tương lai lâu dài.

Về giải pháp, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, trong các đồ án quy hoạch và phát triển dài hạn, chính quyền Lâm Đồng cũng như TP Đà Lạt phải tính toán “không gian nước”, nhất là với những địa điểm đã bị bê tông hóa cao. Nghĩa là “không gian nước” có thể là hồ điều tiết, kênh, rạch hoặc những thung lũng, không gian xanh…, sẽ có vai trò thu nước khi mưa lớn, và thoát nước đi khi mưa ngớt.

Nói tới các đô thị thường xuyên xảy ra tình trạng ngập, có thể thấy mực nước triều cao kỷ lục khiến tình trạng ngập ở TP Cần Thơ càng nghiêm trọng. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là thiếu không gian “hấp thụ lũ”. Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước thủy triều cao nhất được ghi nhận tối 12/10 trên sông Hậu tại Cần Thơ đã đạt mốc 2,27 m, vượt báo động 3 tới 0,27 m và vượt mốc lịch sử 2,25 m hồi năm 2019.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), quy hoạch đô thị cần dành chỗ cho nước. Thay vì xây dựng các rào cản kỹ thuật để chống chọi với nước lũ, các giải pháp quy hoạch cần tạo ra nhiều không gian cho nước, để nước thâm nhập vào đô thị tự nhiên, có thể kiểm soát, qua đó giúp cải thiện khí hậu, cảnh quan, chất lượng nước. Vùng ĐBSCL phải xác định nơi nào là vùng chứa, thoát nước cho các mùa mưa lũ, triều cường, phù hợp với quy luật tự nhiên và có tính chủ động trong điều tiết, kiểm soát nước.

Nhìn nhận vấn đề trên, theo KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Việt Nam), lời khuyên cho những người có sự quan tâm tới bất động sản tại những khu đô thị mới là cần có sự tham vấn tốt hơn từ các chuyên gia trước khi đầu tư, mua bán, xây dựng để tránh được những nguy cơ đối mặt với bất cập về hạ tầng.

Ngoài ra, KTS Trần Huy Ánh cho rằng các cơ quan quản lý cũng cần lắng nghe ý kiến cảnh báo của các chuyên gia dưới góc độ khách quan, khoa học để có được những bước đi quy hoạch tốt hơn thời gian tới. “Những ý kiến về mặt khoa học của những người nghiên cứu về thủy lợi, những người đã lên tiếng cảnh báo về ô nhiễm, ngập lụt, bất cập như hiện nay từ cách đây 10 năm cần được công bố để cơ quan quản lý có cái nhìn tổng thể hơn. Còn hiện nay chúng ta đang phát triển đô thị rất nhanh chóng, thành công lớn nhất là phát triển bất động sản trong khi phát triển đô thị còn rất nhiều hạn chế”, KTS Trần Huy Ánh bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mưa là ngập: Chuyện 'nóng' ở nhiều đô thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO