Mưa lũ từ Âu sang Á

Thanh Đức (Tổng hợp) 26/07/2021 06:30

Những ngày qua, mưa lũ dữ dội khắp từ Âu sang Á. Với châu Âu, Đức, Bỉ, Hà Lan là những quốc gia hứng chịu nhiều đợt lũ lụt nhất. Còn tại châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines. Trong khi mưa to gió lớn đã qua với Tây Âu thì châu Á vẫn được dự báo là sẽ còn tiếp tục hứng chịu nhiều đợt mưa lũ lớn.

Cầu ở Bad Neueuahr-Ahrweiler, Đức bị hư hại. Ảnh: EPA-EFE.

1. Ngày 18/7, khi đến thăm ngôi làng Schuld ở bang Rhineland-Palatinate, một trong hai khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi trận lũ, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã “bị sốc”, truyền thông nước này đưa tin.

Trận lũ được mô tả là “ma quái” và gây ra “sự hủy diệt” đáng sợ. “Thật kinh khủng. Gần như không thể mô tả sự tàn phá này bằng ngôn ngữ Đức”, bà Merkel nói. Đánh giá trận lũ là “một thảm kịch”, bà Merkel tuyên bố Chính phủ liên bang sẽ hỗ trợ cho các thành phố bị ảnh hưởng, “với một gói tái thiết lớn”.

Trận lũ hung hãn này đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 190 người, hàng ngàn người bị thương và hàng trăm người được coi là mất tích trên khắp Tây Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von Der Legen khi đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất đã cho rằng đây thực sự là một thảm họa và “chúng ta phải làm rất nhiều để có thể khắc phục”.

Tới thời điểm này, người ta bắt đầu “mổ sẻ” nguyên nhân của trận mưa lũ lịch sử trút xuống Tây Âu, trong khi một số quốc gia Bắc Âu lại rơi vào những ngày nắng nóng hiếm gặp. Theo The New York Times, một báo cáo khoa học năm 2018 đã cảnh báo nếu để nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, hậu quả thảm khốc sẽ giáng xuống nhiều nơi trên thế giới.

Ngay khi Liên minh châu Âu (EU) bàn kế hoạch chi hàng tỉ euro để chống biến đổi khí hậu, thì những đám mây khổng lồ tụ lại phía trên nước Đức, tạo thành một cơn bão thịnh nộ. Những trận mưa xối xả gây ra dòng nước lũ khổng lồ, vạch thành một dọc dài hoang tàn kéo xuyên từ Đức qua Bỉ, Thụy Sĩ và Hà Lan.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bỉ Annelies Verlinden nói trên kênh VRT, lời cảnh báo sau mưa lũ ở Tây Âu chính là biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, không ai, kể cả các cơ quan chức năng lẫn giới chuyên gia dự báo thời tiết có thể ngờ được mức độ hung hãn của dòng nước lũ.

Theo Tổ chức Khí tượng học thế giới (WMO), lượng mưa trút xuống Tây Âu chỉ trong 2 ngày 14 và 15/7 bằng lượng mưa của cả 2 tháng. Ông Uwe Kirsche - người phát ngôn Cơ quan thời tiết Đức cho rằng nếu coi đây là thảm họa lũ lụt “trăm năm có một” là chưa chính xác, đúng ra phải là “ngàn năm có một”.

Theo giới chuyên gia môi trường, có 2 yếu tố chính gây ra thảm họa này. Thứ nhất, hễ nhiệt độ tăng 1 độ C thì không khí sẽ tăng 7% độ ẩm. Không khí giữ nước lâu hơn, gây ra hạn hán nhưng đến khi gây mưa sẽ rất dữ dội. Thứ hai, khuynh hướng các cơn bão “trụ” lại một nơi lâu hơn trước nhiều, khiến lượng mưa trút xuống một khu vực là quá lớn.

2. Tiếp sau những trận mưa khủng khiếp ở Tây Âu thì một số quốc gia châu Á cũng “gặp họa”. Ngày 23/7, giới chức Ấn Độ cho biết ít nhất 112 người chết do các trận mưa lớn khiến đất lở và gây ngập lụt ở bang Maharashtra. Lượng mưa được ghi lên tới 594 mm chỉ trong 24 giờ. Tại Chiplun, Maharashtra, nước sông Vashishti tràn bờ, nhấn chìm đường sá và nhà cửa.

Thủ hiến bang Maharashtra, ông Uddhav Thackeray cho biết, do mưa lũ quá lớn nên việc triển khai các hoạt động cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, tại Taliye, cách Mumbai 180 km về phía Đông Nam, 38 người đã chết khi trận lở đất san phẳng phần lớn ngôi làng. Tương tự, lở đất cũng diễn ra ở các khu vực bang Maharashtra khiến 59 người chết. Số người thiệt mạng có thể gia tăng khi vẫn còn hàng chục người bị mắc kẹt trong các trận lở đất ở địa phương.

Bang Maharashtra đã phải hứng chịu đợt mưa lớn nhất trong vòng 4 thập kỷ trở lại đây. Trạm khí tượng đồi Mahabaleshwar đã ghi nhận lượng mưa lên tới 60 cm trong vòng 24 giờ, cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, tại bang Telangana, phía Nam đất nước, mưa lớn gây lụt lội ở thủ phủ bang Hyderabad và một số khu vực trũng thấp khác.

Các nhà bảo vệ môi trường Ấn Độ đã cảnh báo biến đổi khí hậu và hoạt động xây dựng “mạnh ai nấy làm” ở các vùng ven biển dễ bị tổn thương có thể dẫn đến nhiều thảm họa hơn nữa trong tương lai.

Tại Philippines, hàng chục nghìn người dân ở khu vực vùng trũng của thủ đô Manila đã phải sơ tán khi mưa bão gây ngập lụt thành phố và các tỉnh lân cận. Bão Fabian đã tấn công Philippines và chỉ chịu ra khỏi nước này sau khi đã để trút xuống một lượng nước khổng lồ. Cơ quan thảm họa quốc gia Philippines cho biết, tại một số khu vực của thủ đô hơn 13 triệu dân, có nơi nước ngập sâu tới thắt lưng, cắt đứt nhiều tuyến đường giao thông.

Tại Trung Quốc, đúng vào giờ cao điểm chiều tối 20/7, thành phố Trịnh Châu, thủ phủ với 12 triệu dân của tỉnh Hà Nam cũng hứng chịu trận mưa xối xả. Trận mưa với lượng nước kỷ lục trút xuống, tạo thành dòng thác lũ ầm ầm chảy xuống đường hầm của hệ thống tàu điện ngầm Trịnh Châu và tràn vào các toa tàu. Truyền thông địa phương gọi đây là trận mưa “nghìn năm có một”.

Một phụ nữ chia sẻ với tờ China Youth Daily rằng cô đã khóc nức nở khi nhìn thấy nước tràn vào toa tàu. Xung quanh cô, nhiều người khác cũng khóc lóc, hoảng hốt. Nhưng mọi người nhanh chóng an ủi lẫn nhau và dần dần, tất cả đều chọn cách im lặng để giữ sức. May mắn đã đến với họ khi lực lượng cứu hộ tới kịp thời.

Cơ quan khí tượng thủy văn tỉnh Hà Nam cho biết, TP Trịnh Châu ghi nhận lượng mưa lớn nhất trong vòng 60 năm trở lại đây. Chỉ trong 3 ngày, lượng mưa đổ xuống thành phố này đã bằng lượng mưa trung bình của cả 1 năm. Ở phía Bắc TP Trịnh Châu, chùa Thiếu Lâm nổi tiếng cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong khi Tây Âu và một số quốc gia châu Á chịu cảnh lũ lụt thì khói và bụi cháy rừng ở Canada và miền Tây nước Mỹ bay đến bờ Đông nước Mỹ, khiến không khí tại nhiều thành phố bị ô nhiễm nặng nề. Bầu trời TP New York đã chuyển màu vào ngày 20/7 khi gió mạnh đưa đến đây khói bụi từ các đám cháy ở California, Montana và các bang khác như Oregon, nơi đang hứng chịu vụ cháy rừng rất nghiêm trọng. Tại Canada, các khu vực phía Tây và miền Trung nước này có tới 86 đám cháy bị liệt vào nhóm “vượt tầm kiểm soát” tại British Columbia. Miền Tây Canada phải trải qua đợt nắng nóng chưa từng thấy, điều mà giới chuyên gia mô tả là “mái vòm nhiệt”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mưa lũ từ Âu sang Á

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO