Mua sách giáo khoa: Sao khó thế?

VÂN HẰNG 07/08/2022 15:00

Năm học 2022-2023 cận kề, nhiều phụ huynh học sinh tại Hà Nội, TP HCM  và nhiều địa phương khác đang gặp khó khăn khi đi tới 3-4 nhà sách vẫn chưa mua đủ một bộ sách giáo khoa cho con, những học sinh đăng ký theo trường và nộp tiền ngay từ khi năm học cũ kết thúc cũng chưa nhận được sách…

Phụ huynh tìm mua SGK cho con trước thềm năm học mới.

Phụ huynh than trời

Chia sẻ về hành trình mua sách giáo khoa (SGK) cho con, chị Nguyễn Hải Yến (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể, trường học của con gái chị thông báo chọn SGK lớp 10 từ 2 bộ sách khác nhau là bộ “Cánh diều” và “Kết nối tri thức với cuộc sống”, nhưng chị chạy đôn chạy đáo tới 5 nhà sách cũng không mua đủ.

Tương tự, chị Đặng Thu Trang (quận Ba Đình, Hà Nội) bức xúc: Cứ nghĩ đến mua SGK là bực mình. Tôi có 2 con học cùng trường, đứa lớn năm nay học lớp 3 mua dễ dàng hơn vì mua một bộ “Kết nối tri thức”, còn lớp 1 thì phải bỏ công cả chục ngày mới tìm đủ sách cho con, mỗi môn học là một đơn vị làm sách, gian nan vậy đó.

“Tại sao ngành giáo dục lại làm khó cho phụ huynh đến vậy, bởi thực tế có một số sách có khi cả năm không học tới vẫn phải mua”, chị Trang băn khoăn.

Một phụ huynh có con năm nay lên lớp 3 trường Tiểu học Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng bày tỏ lo lắng: Đến nay con vẫn chưa nhận được SGK dù đã đóng số tiền 625.000 đồng mua sách ngay sau khi năm học kết thúc. Hỏi cô giáo cô chỉ bảo khi nào có sẽ phát cho các con chứ không có thông tin gì thêm.

Vị phụ huynh này cũng cho biết, con trai năm nay vào 10, sách cũng đăng kí mua tại trường. Theo danh sách nhà trường chọn thì sẽ trộn 2 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Cánh diều” với tổng số là 36 cuốn sách với giá là 645.000 đồng nhưng đến nay vẫn chưa có sách.

Nhận thông báo của trường về việc mua SGK cho con, chị H.N (quận Hà Đông, Hà Nội) đi không biết bao nhiêu cửa hàng để tìm mua cho con vào lớp 6. Theo đó, Trường THCS Văn Yên thông báo tên bộ SGK được dùng cho lớp 6 và lớp 7 của trường cho năm học 2022-2023 như sau: Môn Toán: Bộ “Cánh diều”; Môn Mỹ thuật: Bộ “Chân trời sáng tạo”; Môn Tiếng Anh: Global Success; Các môn còn lại: Bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”. “Trước đây chỉ một bộ cứ thế mua, giờ nhiều loại sách quá. Thật kỳ lạ khi học một năm mà dùng SGK tới từ 3 - 4 bộ khác nhau”, chị H.N than thở.

Dù vậy, việc dùng nhiều bộ SGK khác nhau trong năm học, bà Trương Thị Liên - Hiệu trưởng Trường THCS Văn Yên cho hay, nhà trường chọn sách từ 3 bộ sách khác nhau cũng là việc hoàn toàn bình thường và cũng không ít trường đang thực hiện như vậy.

Nhà trường cũng lúng túng

Còn tại Nghệ An, chuẩn bị cho con lên lớp 6, chị Nguyễn Thị Hiền (khối 7, phường Lê Lợi) vẫn nghĩ chỉ cần lên hiệu sách mua cho con như các năm học trước. Nhưng đến đây mới biết cùng một bộ sách nhưng có thể có nhiều nhà xuất bản (NXB) cùng cung ứng và mỗi tỉnh lại có một lựa chọn khác nhau nên đến giờ tôi cũng phân vân chưa biết mua sách gì. “Theo tôi nhà trường sớm thông báo cho phụ huynh để chúng tôi có sự chuẩn bị vì cũng đã gần vào năm học mới”, chị Hiền kiến nghị.

Không chỉ phụ huynh mà đến thời điểm này, việc định hướng cho học sinh đăng ký môn tự chọn và mua SGK với nhiều nhà trường vẫn khó khăn, nhất là với học sinh lớp 10. Tại Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh), trước khi học sinh đăng ký nhập học, nhà trường đã công khai toàn bộ 24 cuốn sách giáo khoa lớp 10 của 2 NXB là NXB Giáo dục Việt Nam và NXB Đại học Sư phạm TP HCM.

Như các năm trước, học sinh chỉ cần dựa vào danh sách là có thể mua sách nhưng năm nay còn phụ thuộc vào các tổ hợp môn mà các em đăng ký. Ngay cả nhà trường, dù có thể hỗ trợ học sinh mua SGK nhưng cũng không thể tổng hợp danh sách ngay vì học sinh có thể thay đổi đăng ký nguyện vọng.

Nhà sách khó dự đoán nhu cầu

Không riêng Hà Nội, Nghệ An, tại TP HCM phụ huynh cũng đỏ mắt tìm mua SGK cho con em mình. Chị Nguyễn Minh Trang (quận Gò Vấp) có con năm nay vào lớp 10, chia sẻ: Để mua đủ SGK ở các môn học cho con, tôi đã đi 3 nhà sách ở 2 quận Gò Vấp và Bình Thạnh. Nơi trả lời không có hàng, nơi hẹn giữa tháng 8 quay lại, nhưng không chắc có đủ sách của các môn hay không.

Chị Trang cho biết thêm, tại Nhà sách Phương Nam (quận Gò Vấp), bộ “Cánh diều” chỉ còn các môn Ngữ văn (tập 1 và 2), Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Hoạt động trải nghiệm lớp 10, các môn khác sách chưa nhập về.

Nhân viên cửa hàng Sách và Thiết bị trường học (quận Bình Thạnh) thông tin trong tuần này sẽ nhập sách của bộ “Cánh diều”, các môn: Địa lý, Toán, Tin học, An ninh quốc phòng, Giáo dục thể chất. Phụ huynh cần mua sách ở các môn khác có thể liên hệ nhà sách để đặt hàng, nếu nhu cầu mua nhiều sẽ có thêm đợt sách mới nhập về. Giải thích lý do sách nhập về nhiều đợt, theo nhân viên, không thể nhập đồng loạt các môn học vì nguy cơ hàng tồn rất cao. Thay vào đó, đơn vị nhập sách theo nhu cầu đăng ký của phụ huynh, hoặc chủ yếu các môn học được đa số các trường lựa chọn.

Nhân viên hệ thống nhà sách Fahasa cho biết, nếu không mua trực tiếp được ở các nhà sách, phụ huynh có thể đặt hàng online, tuy nhiên thời gian giao hàng phụ thuộc từng môn học và thời điểm đặt mua sách.

Chia sẻ về vấn đề khan hiếm sách thời điểm này, đại diện nhà sách Tiền Phong tại Hà Nội tiết lộ: Không thể mạo hiểm nhập theo bộ. Nhất là với sách lớp 10 năm nay thực hiện chương trình mới, do đó mỗi trường sẽ triển khai tổ hợp môn học khác nhau nên nhu cầu về sách theo môn, theo loại (đơn vị xuất bản) rất khác nhau, rất khó định lượng được nhu cầu.

Khi nào giảm “gánh nặng” SGK?

Liên quan vấn đề SGK, theo Giám đốc Sở GDĐT TP HCM Nguyễn Văn Hiếu, Sở đã tham mưu UBND TP HCM xin ý kiến HĐND TP HCM duyệt chi ngân sách trang bị khoảng 100.000 đầu SGK cho các trường phổ thông. Cụ thể, thành phố sẽ tổ chức đấu giá, sau đó đưa vào các thư viện trường học để dùng chung cho học sinh.

Trước đó, vào đầu tháng 7/2022, Sở này cũng có văn bản gửi các đơn vị trường học trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận, huyện yêu cầu thực hiện nghiêm quy định sử dụng SGK và sách tham khảo trong cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, cơ sở giáo dục được yêu cầu bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua SGK cho thư viện trường, tổ chức cho học sinh mượn SGK để học tập, vận động học sinh quyên góp, ủng hộ SGK cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục mượn và sử dụng, tránh lãng phí trong việc mua sắm và sử dụng SGK.

Đáng chú ý, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 3/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sắp tới sẽ tính phương án dùng ngân sách nhà nước mua SGK, đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn.

Đề xuất dùng ngân sách nhà nước mua SGK cho học sinh mượn cũng được Bộ GDĐT đề xuất từ cuối tháng 6, nhằm hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn.

Hồi tháng 6, Bộ GDĐT có Chỉ thị đề nghị các địa phương tuyên truyền tới giáo viên, học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa, không viết, vẽ vào sách để sử dụng lâu bền. Bộ cũng yêu cầu các trường bố trí kinh phí hợp lý để mua sách cho thư viện để học sinh mượn, vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách cũ cho các khóa sau sử dụng.

Bộ GDĐT cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá để trình Quốc hội quyết định. Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV được thông qua chiều 16/6 nêu SGK sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi Luật Giá.

Nhìn sang một số quốc gia, học sinh không cần mua SGK. Như tại Nga, học sinh được trường phát sách vào đầu năm và thu lại vào cuối năm. Ở Nhật Bản, SGK được phát miễn phí ở trường công. Phía sau mỗi cuốn đều in thông điệp “Cuốn SGK này được gửi gắm đến các bạn là những chủ nhân tương lai của Nhật Bản. Sách được cấp phát miễn phí từ tiền thuế của nhân dân. Hãy sử dụng một cách cẩn thận”.

Còn tại Mỹ, chi phí mua SGK do trường chi trả. Học sinh dùng sách tại trường như tài liệu tham khảo, không mang về nhà. Giáo viên dạy chủ yếu dựa vào khung chương trình và ít sử dụng SGK.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mua sách giáo khoa: Sao khó thế?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO