Mùa Xuân nơi đá nở hoa

HÀ TRỌNG NGHĨA 08/02/2022 10:00

Xuân đến với miền núi cao phía Bắc sớm hơn và cũng chia tay muộn hơn. Những ngày Xuân được đến với các tỉnh vùng Việt Bắc, Tây Bắc là điều vô cùng thú vị. Không chỉ thiên nhiên quyến rũ mà cuộc sống của bà con nơi đây với những phong tục đón Tết cũng rất riêng.

Mùa Xuân trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Năm đó, trong một chuyến “dã ngoại” theo lời nhắn nhủ của một “sơn nữ Ðiện Biên”, tôi đã được hưởng trọn vẹn một cái Tết có thể nói là không ngờ: Một cái Tết của người Thái.

Ông Tòng Văn Huy, người tự hào đã ăn đủ hơn 70 cái Tết ở bản nói rằng, Tết của người Thái không thể thiếu bánh gù (bánh chưng). “Khi luộc bánh thì phải luộc ngoài trời để cho các thần linh được hưởng cái hương thơm, tinh túy của bánh trước để phù hộ cho gia đình, con cháu” - ông Huy nói.

Ðêm 30, các gia đình người Thái trong bản đều thức thâu đêm để đón giao thừa. Mọi người chú ý lắng nghe xem thấy tiếng kêu của con vật gì trước để đoán vận hạn cho năm mới. Sáng mùng một, người ta dậy sớm đi lấy nước ở suối hoặc ở mó đầu bản để lấy lộc đầu năm và cũng là để trôi đi những gì “đen đủi” của năm cũ.

- Những ngày Tết, vào lúc chiều tối, bà con hay tập trung Xòe lắm - ông Huy nói và thêm rằng phụ nữ Thái đẹp nhất là khi vào vòng xòe, như những cánh bướm vờn hoa vậy. Nói rồi ông rủ tôi tới bản Che Căn để tận mắt xem bà con ăn Tết thế nào.

Che Căn là bản Thái cổ nằm trong thung lũng Mường Phăng - vùng đất căn cứ địa cách mạng, nơi đặt Sở Chỉ huy của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ông Lường Văn Lả, cư dân lâu đời của bản Che Căn cho biết, nét độc đáo nhất mà du khách đến đây đều muốn tìm hiểu là kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Thái đen. Nhà được dựng ở nơi cao ráo, thoáng mát với lưng tựa vào đồi, núi, mặt quay ra sông, suối hoặc cánh đồng. Nhà sàn có hai tầng, tầng trên thường có 3 gian, dành cho sinh hoạt gia đình chủ nhà và tiếp khách. Tầng dưới dùng để các nông cụ sản xuất, gỗ, củi, chăn nuôi...

Nhưng chưa hết, Che Căn còn hấp dẫn ở các lễ hội mùa Xuân đặc sắc như các lễ hội “Xên bản”, “Xên mường”, “Kin lẩu nó”... Ông Lả rất tự hào khi giới thiệu với khách từ phương xa ẩm thực của bản. Trong mâm cơm Tết năm ấy, ông đãi khách món xôi nếp nương đồ bằng chõ gỗ dùng với chẩm chéo được chế biến từ cá, ruột cá, rau thơm, ớt, mắc khén. Trên mâm còn có thịt trâu cũng được tẩm ướp mắc khén, tỏi, ớt, gừng, muối rồi gói trong lá chuối rừng, lá dong kẹp tre nướng trên than củi.

- Tôi có thằng con lấy vợ dưới xuôi. Có năm nó đón tôi tới nhà nó ăn Tết. Cũng nhiều món ngon lắm, lạ lắm, nhưng tôi vẫn thích món ăn ngày Tết ở bản tôi hơn.

Ông Lả nói rồi ngó ngó xem cách tôi thưởng thức món trâu nướng của ông thế nào. Khi tôi khen ngon, ông Lả cười thích thú.

Cũng ở Ðiện Biên, năm đó tôi còn được dự Tết “Nào pê chầu” của bà con người Mông bản Nậm Pọng (xã Mường Ðăng, huyện Mường Ảng). Phải nói là tôi “mê man” khi tận mắt thấy bà con trong bản thả hồn trong khèn, sáo, đàn môi, kèn lá, quả pa pao, tù lu...

Nhưng ấn tượng nhất là lễ quét bồ hóng để chuẩn bị đón Tết. Gia chủ lấy chỉ trắng hoặc đỏ buộc ba ngọn cây tre nhỏ còn lá xanh tươi vào nhau thành một cái chổi để quét phía trên cao của ngôi nhà. Bắt đầu quét từ gian chính rồi đến buồng ngủ, sau đó qua gian bếp đến cửa phụ. Xong xuôi chổi và bồ hóng vừa quét được cũng bỏ đi như trút bỏ những rủi ro, bệnh tật...

Sau lễ quét bồ hóng, gia chủ cắt các mảnh giấy hình răng cưa dán vào các cửa, các cột nhà, cột bếp, bồ thóc, chuồng lợn, chuồng gà, chuồng trâu, chuồng ngựa và các dụng cụ sản xuất đã được rửa sạch sẽ. Con người được nghỉ ngơi ăn Tết thì chúng cũng phải được nghỉ ngơi.

Vào khoảng 3 giờ sáng ngày mùng một Tết năm ấy, tôi theo chân mấy người đàn ông bản Nậm Pọng vào rừng lấy nước về đoán biết việc làm ăn trong năm mới. Thật đặc biệt là khi lấy nước về rồi, họ đem cân lên: Nếu cân tươi hơn nước của năm cũ thì năm đó bà con tin rằng gia đình sẽ làm ăn phát đạt.

Một năm khác, khi gió Xuân mơn man, tôi lên Cao nguyên đá Ðồng Văn. Ðồng Văn không chỉ nổi tiếng với những cánh đồng đá miên man, những cung đường uốn lượn men theo vách núi, hay là dòng Nho Quế nước trong văn vắt như không chảy giữa hai bên vách núi đá... mà còn là một không gian văn hóa vô cùng đặc sắc của bà con các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao, Pu Péo...

Trong một ngôi nhà trình tường (nhà đất nện) với bức tường xếp bằng đá vây quanh, nhìn ra sân thấy cây đào núi nở những bông hoa phớt hồng mịn màng. Sương chiều dày đặc, cây đào như một bó đuốc cháy mờ mờ trong nước.

Người Lô Lô không phải dân tộc chiếm đa số ở Cao nguyên đá Ðồng Văn, nhưng bà con có nhiều đóng góp làm nên một vùng văn hóa đặc biệt cho vùng đất rất đặc biệt này. Cũng ít ai biết rằng, người Lô Lô sở hữu một loại nhạc cụ hết sức độc đáo, đó là trống đồng. Bà con dùng làm nhạc cụ đệm cho nghi thức lễ múa ma khi có người chết và dùng cả vào dịp nhảy múa trong những ngày giữa tháng 7 âm lịch, cúng tổ tiên. Trong khung cảnh núi rừng hùng vĩ, tiếng trống đồng vang lên như kéo cả một thuở hồng hoang trở về.

Tôi đã đến một bản Lô Lô ngay dưới chân Cột cờ Lũng Cú trong tiết Xuân mơn mởn, ở nơi đá cũng ra hoa. Thật may, lần đó đón năm mới bà con cũng đem những chiếc trống đồng ra đệm cho những vũ điệu nguyên sơ tưởng như chỉ có trong cổ tích. Phức điệu núi rừng ở nơi biên cương Tổ quốc gợi lên trong ta niềm tự hào vô hạn và cả sự thiêng liêng, thành kính.

Chia tay bản Lô Lô, theo con đường mùa xuân với những cành hoa ban sắc trắng thoắt ẩn thoắt hiện ở những khúc đường cua, tôi đến bản người Pu Péo ở Phố Là. Pu Péo là dân tộc rất ít người ở Việt Nam. Lúc ấy cụ Củng Diu Xuyền chuẩn bị mời tổ tiên về ăn Tết. Trước nhà, cụ Xuyền treo cây “suy sáng phù”. Ðó là một loại cỏ thơm riêng có ở đây. Theo phong tục, loại cỏ này có thể chống tà ma, không để linh hồn lạ hoặc ma quỷ vào nhà.

Ðêm ở bản Pu Péo yên tĩnh lạ lùng, cảm giác như nghe được cả tiếng những giọt mưa Xuân khẽ khàng đậu trên mái lá. Tôi được cụ Xuyền cho ngồi cùng, canh chừng đám gà trống của nhà mình. Giao thừa đến thì khua gậy vào chuồng để lũ gà giật mình tưởng trời sáng mà xao xác gáy. Thật bất ngờ, không chỉ ở nhà cụ Xuyền mà bỗng đột nhiên có rất nhiều tiếng gà gáy trong bản. Tiếng gà gáy từ nhà nọ tiếp nhà kia không khác gì một bản hòa tấu kỳ lạ hát chào năm mới.

Khi tiếng gà đã vãn, không gian yên tĩnh trở lại. Màn đêm như đặc quánh. Ông Xuyền và người nhà thực hiện nghi lễ cúng đầu năm mới với lễ vật là “mí uột lìn” - bánh chưng trắng và “mí uột lặng” - bánh chưng đen. Rồi thì ngày cũng sang, tôi theo chân một nhóm các chàng trai, cô gái Pu Péo ra suối gánh “nước vàng, nước bạc”. Họ đốt hương cầu nguyện năm mới may mắn trước khi lấy nước, rồi rải một lớp giấy vàng, một lớp giấy bạc vào hai chiếc thùng để gánh về.

Tôi vẫn nhớ như in sáng mùng một Tết năm ấy, trong nhà Củng Phú Xuân, trước mâm cỗ rất thịnh soạn anh cất tiếng: Mừng mùa lúa mới, mừng con cháu về đây sum họp, chào anh em, đồng chí hôm nay về đây mừng cho gia đình nhiều vận may. Mời nâng chén rượu này để cùng nhau gắn bó, đoàn kết…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa Xuân nơi đá nở hoa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO