Mục tiêu an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu

H.Vũ 15/07/2021 07:33

Để bảo đảm giãn cách, tránh xảy ra tình trạng ùn tắc tại điểm tiêm, thành phố sẽ căn cứ vào phiếu đăng ký tiêm chủng của người dân. Từ đó xây dựng kế hoạch cho sát với thực tế.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, từ bây giờ mọi người có thể đăng ký tiêm chủng vaccine theo 2 cách. Một là, người dân đăng ký theo bản đăng ký giấy tại xã, phường, thị trấn, sau đó cán bộ sẽ nhập các dữ liệu lên “Sổ sức khỏe điện tử”. Thứ hai, đăng ký online (trực tuyến) trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 hoặc tải ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” cho điện thoại dùng hệ điều hành Android và iOS.

Theo bà Hà, bất kể ai cũng có thể đăng ký tiêm chủng. Căn cứ vào phiếu đăng ký đó để sàng lọc cụ thể từng đối tượng, xem ai tiêm ở đâu? Khi căn cứ vào phiếu đăng ký, tình hình sức khỏe của từng người sẽ được phân loại, có người tiêm ở các điểm tiêm thông thường, có người phải tiêm ở bệnh viện.

Theo quy định, vaccine phòng Covid-19 chỉ tiêm cho đối tượng từ 18-65 tuổi. Tuy nhiên, người trên 65 tuổi vẫn nên đăng ký tiêm chủng. Những trường hợp này nên lưu ý, khi đăng ký tiêm chủng trực tuyến cần điền thông tin cụ thể vào cột trên 65 tuổi trong phiếu. Căn cứ vào tình hình sức khỏe của những người trên 65 tuổi sẽ quyết định việc họ được tiêm hay không. Nếu người trên 65 tuổi sau khi được khám lâm sàng mà sức khỏe của họ hoàn toàn bình thường thì có thể chỉ định tiêm ở bệnh viện. Do đó, người dân cần điền đầy đủ thông tin trên phiếu đăng ký tiêm chủng.

Để bảo đảm giãn cách, tránh xảy ra tình trạng ùn tắc tại điểm tiêm, thành phố sẽ căn cứ vào phiếu đăng ký tiêm chủng của người dân. Từ đó xây dựng kế hoạch cho sát với thực tế.

“Trước khi triển khai tiêm chủng, chúng tôi sẽ gọi từng người, nhắn tin điện thoại mời từng người đến tiêm. Chẳng hạn trong một buổi sáng, dây chuyền tiêm cho khoảng 100 người thì sẽ có từng đó người được gọi. Sau đó, người dân sẽ đến tiêm theo thứ tự được gọi. Để tránh xảy ra tình trạng quá tải, bảo đảm giãn cách an toàn, chúng tôi cũng mong người dân phối hợp với ngành Y tế, chấp hành nghiêm túc các quy định. Theo đó, người dân khi đến tiêm phải theo đúng khung giờ được gọi, không thể nhận được tin nhắn tiêm buổi sáng nhưng đến buổi chiều mới ra tiêm”- bà Hà cho hay đồng thời lưu ý khi đến điểm tiêm, người dân cần tuân thủ quy định tại điểm tiêm, thực hiện đầy đủ quy định 5K của Bộ Y tế.

Bà Trần Thị Nhị Hà cũng cho biết, Hà Nội đã xây dựng phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine trên địa bàn với mục tiêu tiêm trên quy mô lớn để phòng ngừa chủ động theo phương châm “tiêm chủng sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất”, trong đó mục tiêu an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu.

Trong chiến dịch này, số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng tính lứa tuổi từ 18-65 của Hà Nội là trên 5,1 triệu người, đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác. Các đối tượng tiêm được chia thành 10 nhóm theo thứ tự ưu tiên để bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vacine.

Hiện nay, phương án đưa ra là sẵn sàng 1.200 dây chuyền tiêm. Nếu nguồn cung vaccine bảo đảm, thành phố phấn đấu đạt tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày, đồng thời, huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp xảy ra các phản ứng sau tiêm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiêm được bao nhiêu và mở các điểm tiêm như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào lượng cấp phát vaccine của Bộ Y tế.

Về vấn đề tiêm phòng, GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết: Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 đã bắt đầu triển khai từ ngày 10/7 với mục tiêu trên 70% dân số được tiêm vaccine đến hết tháng 4/2022.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung vaccine phòng Covid-19 rất hạn chế, việc tiếp cận nguồn cung để có đủ vaccine tiêm mũi 2 ngay khi đến lịch tiêm cho các đối tượng đã được tiêm mũi 1 của cùng 1 loại vaccine là rất khó khăn. Một số quốc gia đã xem xét và triển khai tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca và tiêm mũi 2 bằng vaccine của Pfizer. Việc tiêm 2 mũi vaccine khác loại vẫn có hiệu lực bảo vệ phòng Covid-19.

Xét nghiệm sàng lọc cho 10.000 người có nguy cơ cao tại cộng đồng

Ngày 14/7, Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn khẩn số 229/SYT-NVY gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã về việc rà soát, xét nghiệm sàng lọc cho đối tượng nguy cơ tại cộng đồng, với 10.000 người trên địa bàn.

Cụ thể, các đối tượng nguy cơ cao gồm: Công nhân làm việc tại KCN Thăng Long (huyện Đông Anh), lấy mẫu trong cộng đồng tại địa bàn các quận, huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh; người làm dịch vụ vận tải, lái xe, phụ xe đường dài, nhân viên bán vé, người làm việc thường xuyên tại một số bến xe lớn của thành phố hoặc lái tàu, nhân viên phục vụ, kiểm soát trên tàu hoặc tại nhà ga; tiểu thương, người thường xuyên làm việc ở các chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn các quận, huyện, thị xã; người làm dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp tại các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ.

T.Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mục tiêu an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO