Mục tiêu mới của nước Mỹ: Vực dậy và tái thiết

Hà Anh 22/01/2021 06:26

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã chính thức nhậm chức để bắt đầu công cuộc tái thiết và vực dậy một nước Mỹ đang gặp vô vàn khó khăn và thách thức.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamara Harris tuyên thệ.

Người chèo lái con thuyền

Ngày 20/1, ông Joe Biden đã tuyên thệ nhậm chức tại Điện Capitol ở thủ đô Washington, chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Nhiều cựu nguyên thủ cùng gia đình đã có mặt tại lễ nhậm chức của ông Biden, trong đó có các cựu Tổng thống Barack Obama, Bill Clinton và George W.Bush. Tuy nhiên, người tiền nhiệm của ông Biden là Tổng thống Donald Trump đã không tham dự buổi lễ này.

Trong bài phát biểu tại Lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden có đoạn: “Đây là thông điệp của tôi gửi đến những người bên ngoài biên giới của Mỹ. Nước Mỹ đã được thử thách và chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn vì điều đó. Chúng tôi sẽ hàn gắn các liên minh của mình và gắn kết với thế giới một lần nữa. Chúng tôi sẽ là một đối tác mạnh mẽ và đáng tin cậy vì hòa bình, tiến bộ và an ninh thế giới”.

Sau lễ nhậm chức, ông Biden cùng chính quyền mới sẽ không có nhiều thời gian chuẩn bị mà phải bắt đầu ngay công cuộc tái thiết và vực dậy một nước Mỹ đang gặp vô vàn khó khăn.

Thách thức đầu tiên đối với ông Biden chính là dịch bệnh Covid-19. Lễ nhậm chức của ông diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang gần chạm mốc 25 triệu ca mắc bệnh và hiện đã có hơn 400.000 người tử vong.

Trong động thái đầu tiên, ngay sau khi tiếp quản Nhà Trắng, ngày 20/1, tân Tổng thống Joe Biden đã ký 15 sắc lệnh hành pháp nhằm giải quyết những vấn đề như đại dịch Covid-19, biến đổi khi hậu và bất bình đẳng giữa các sắc tộc…

Các sắc lệnh nhằm hiện thực hóa cam kết hành động nhanh chóng trong ngày đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, khởi đầu tiến trình đưa Washington quay trở lại tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Các biện pháp mà ông Biden bắt đầu triển khai sẽ chấm dứt lệnh cấm đi lại mà cựu Tổng thống Trump đặt ra đối với một số quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi. Tân Tổng thống Biden cũng kêu gọi chính quyền của ông đẩy mạnh chương trình dành cho những người nhập cư được đưa tới Mỹ là trẻ em.

Bên cạnh đó, ông chủ mới của Nhà Trắng cũng ra lệnh đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội tại mọi tòa nhà liên bang và khu vực liên bang, đồng thời sẽ chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia - vốn là cơ sở để chuyển một số khoản ngân sách liên bang sang dự án xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico.

“Người vượt qua các rào cản”

Trong khi vị tân “thuyền trưởng” của nước Mỹ làm nên lịch sử khi trở thành Tổng thống Mỹ lớn tuổi nhất khi nhậm chức, thì bà Kamala Harris - người được giới truyền thông Mỹ gọi với danh xưng “người phá vỡ các rào cản” - cũng đã làm nên lịch sử khi trở thành nữ Phó Tổng thống đầu tiên của Mỹ. Bà cũng là người da màu, người gốc Nam Á (mẹ bà Harris là người gốc Ấn) đầu tiên đảm nhận cương vị này.

Ngày 20/1, bà Harris đã tuyên thệ nhậm chức trước Thẩm phán Tối cao Sonia Sotomayor - người được bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao dưới thời Tổng thống Barack Obama, hồi năm 2009.

Nghi thức nhậm chức chỉ diễn ra ngắn gọn, nhưng sự có mặt của nữ Phó Tổng thống và nữ Thẩm phán Tối cao là một hình ảnh mang đầy tính biểu tượng đối với nước Mỹ. Việc bà Harris xuất hiện tại Lễ nhậm chức với bộ trang phục màu tím cũng là một sự tôn vinh đối với bà Shirley Chisholm, người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên tranh cử Tổng thống.

Trong lúc truyền cảm hứng cho nhiều người, với bà Harris, mẹ là người truyền cảm hứng vô tận cho bà. Ngay trước lễ nhậm chức, trên mạng xã hội Twitter, bà Harris cũng đã đăng tải một đoạn video tưởng nhớ về người mẹ của mình.

Bà Harris lớn lên ở California. Năm 12 tuổi, bà và em gái cùng mẹ chuyển đến Montréal của Canada. Xuyên suốt quá trình vận động tranh cử, bà Harris không giấu những tình cảm dành cho mẹ, người đã từng dặn dò bà tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều người khác.

Là một phụ nữ da màu trong chính trường phức tạp của nước Mỹ, bàHarris đã liên tục phá vỡ rào cản; bà chính là người da màu đầu tiên làm Chưởng lý hạt San Francisco; cũng là Tổng Chưởng lý đầu tiên của bang California là người da màu, trước khi trở thành Phó Tổng thống nước Mỹ.

Trước đây, bà Harris từng ra tranh cử làm ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ, sau đó thành liên minh tranh cử với ông Joe Biden.

Ngày 20/1, ngay sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức tại Điện Capitol, nhiều nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Giáo hoàng Francis, Thủ tướng Anh, Canada, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức, Thủ tướng Israel, Thủ tướng Nhật Bản Tổng thống Mexico, Thủ tướng Ấn Độ ... đã gửi lời chúc mừng ông Joe Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ.

Việt Nam chúc mừng Tổng thống Hoa Kỳ Joseph R. Biden Jr. nhậm chức

Nhân dịp Ngài Joseph R. Biden Jr. nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, ngày 21/1/2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng gửi điện chúc mừng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng Ngài Tổng thống và Chính quyền mới của Hoa Kỳ sẽ đạt được nhiều thành công mới vì sự phát triển thịnh vượng và hạnh phúc của đất nước và nhân dân Hoa Kỳ, tiếp tục đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới. Với nền tảng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã được xây dựng và không ngừng phát triển trong suốt 25 năm qua; cùng với những tình cảm tốt đẹp của Tổng thống Biden dành cho Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đã gửi điện mừng tới Phó Tổng thống Kamala Harris.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mục tiêu mới của nước Mỹ: Vực dậy và tái thiết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO