Mượt mà khúc hát ru

Phúc Văn 10/06/2020 08:00

Dân tộc nào cũng có những khúc hát ru, gắn liền với vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ. Ngày nay, những khúc hát ru dường như thiếu vắng trong đời sống xã hội. Đó là điều rất đáng tiếc. Tuy nhiên, tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hát ru vẫn còn đó, chứng tỏ sức sống diệu kỳ qua thời gian.

Mượt mà khúc hát ru

Ngủ ngon trên lưng mẹ trong tiếng hát ru.

Cũng như bao dân tộc khác của đất nước Việt Nam, những khúc hát ru của bà con Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu là vốn quý trong kho tàng văn hóa dân gian truyền thống. Đặc biệt là những khúc ru con- một thể loại dân ca của các bà, các mẹ, các chị. Lời ru để những đứa con, đứa cháu đi vào giấc ngủ ngon lành, để dỗ dành khi đứa bé khóc đòi tìm cha mẹ đang ở trên nương dưới rẫy. Lời của những khúc hát ru thấm đậm tình máu mủ ruột thịt, thể hiện tình mẫu tử ngọt ngào sâu nặng, mong cho con khỏe mạnh hiền ngoan.

“Con ơi con hỡi ngủ cho ngoan/ Mẹ mong con khôn lớn từng ngày/ Mong con khỏe mạnh đẹp tựa hoa xuân/ Mái tóc dài tựa như dòng suối/ Da trắng ngần tựa như hoa Piêr paang/ Ngủ đi con ngủ đi dừng khóc nữa/ Để mẹ lên nương trồng ngô trồng lúa/ Nuôi con khôn lớn thành người hiếu ngoan…”. Những lời hát ru ấy thấm đượm biết bao tình.

Với đồng bào Tà Ôi, những khúc hát ru không chỉ phong phú về nội dung, chan chứa sắc thái biểu cảm mà còn đa dạng về hình thức, nghe ra mộc mạc, chân thành. Những lời ru của các bà, các mẹ người Tà Ôi theo lối ứng tác thường là những khúc ca ngắn, liên quan chặt chẽ tới công việc hàng ngày nhưlàm nương rẫy, se sợi kéo chỉ, dệt zèng... Vì thế, những khúc ru ấy cũng là những khúc hát ngợi ca tinh thần lao động, luôn hướng tới những điều tốt đẹp, những giá trị cao quý, bồi đắp tâm hồn của con trẻ.

“Ru con con ngủ cho ngoan cho ấm ơi con, con ngủ cho ngoan con ơi/ Để mẹ lên rừng, lên núi, lên hái quả hái rau, đốt ong/ Ơi con ơi…ơi…ơi sau này khôn lớn con học hành giỏi giang, trở thành người có ích cho buôn làng/ Ru con con ngủ cho ngoan để mẹ đan, mẹ dệt cho con để con có quần áo đẹp để mặc, à ơi con ơi ngủ ngoan con ơi”.

Trong những khúc ru của người Tà Ôi thì lời ru của mẹ dành cho con trai và con gái cũng có sự khác nhau. Lời ru con trai chứa đựng một khát vọng về một người con khỏe khoắn, dũng mãnh góp sức cho buôn làng và trở thành niềm tự hào của gia đình:“Ru con con ngủ cho ngoan sau này lớn lên to cao bằng cái nhà chất lúa/ Ru… ru… con… con ngủ cho ngoan ơi…ơi…ơi/ Sau này con lớn con cao bằng sàn gác bếp/ Con ơi con ngủ cho say ru… ru con ngủ cho ngoan sau này con làm chàng trai săn bắn giỏi”.

Còn lời ru cho con gái lại thể hiện mong muốn con gái của mình sau này chăm chỉ, khéo léo biết đi rừng hái rau, ra suối lấy nước, biết đan những dụng cụ sinh hoạt và đặc biệt là biết dệt zèng: “Ru con con ngủ cho ngoan cho ấm ơi con, con ngủ cho ngoan con ơi/ lên rừng, lên núi, lên hái quả hái rau, đốt ong/ Ơi con ơi…ơi…ơi sau này khôn lớn con học hành cho tốt để sau này có tương lai tốt đẹp cho xã hội/ Ru con con ngủ cho ngoan để mẹ đan, mẹ dệt cho con để con có quần áo đẹp để mặc. Con lớn lên sau này dệt ấm no hạnh phúc”.

Các bà, các mẹ ở huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho biết, người Tà Ôi ai ai cũng biết hát ru, không chỉ có mẹ ru con, bà ru cháu mà ông cũng có thể ru cháu, bố có thể ru con và anh, chị cũng hát ru em. Lời ru theo người Tà Ôi từ lúc nằm nôi đến hết cuộc đời.

Mượt mà khúc hát ru - 1

Tái hiện khúc hát ru của đồng bào Tà Ôi tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Ở vùng núi Tây Bắc, hát ru cũng rất phổ biến trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Những khúc hát ru rất đa dạng và phong phú, gắn chặt với đời sống của đồng bào vùng cao. “Trăng ơi trăng/ Sao ơi sao/ Rắn bện thừng/ Thuồng luồng cổ vàng/ Ong đùi vằn thổi sáo/ Chuồn chuồn cấy lúa/ Cà cuống phát nương/ Gà nhỏ hái rau/ Chim quốc ru em ngủ/ Con dế đào lỗ/ Vịt xám lội suối tắm/ Thằn lằn ngồi đan chài/ Tắc kè chèo thuyền đi buôn”. Lời ru cũng chính là những khúc đồng dao gần gũi mà thân thuộc. Thế giới loài vật ngộ nghĩnh, đáng yêu như con rắn, con thuồng luồng, con ong, con vịt, con dế... xuất hiện trong câu hát ru của người Thái, làm cho câu hát ru thêm sinh động và gần gũi.

Không đưa trẻ nào lại không đi vào giấc ngủ mộng mơ với những câu hát ru đầy màu sắc: “Đỏ chói là hoa gạo/ Hoa trắng xóa hoa mận/ Hoa đỏ rực hoa phượng/ Hoa vàng lác hoa bí/ Hoa tua tủa hoa me/ Hoa đỏ có từng chùm hoa mào gà/ Hoa đơn lẻ hoa bồ quân/ Hoa đu đưa hoa núc nác…”.

Thiên nhiên Tây bắc hùng vĩ mà nên thơ, nhưng cũng rất dữ dội. Tất cả đã đi vào câu hát ru của các bà, các mẹ. “Nước mưa tràn khe rãnh/ Rừng dẻ mưa như thác/ Cơn mưa lớn không ngớt/ Hạt mưa bằng quả gắm/ Cho mọi suối lũ to/ Cho ruộng đồng ao chuôm đầy nước”. Lời ru giúp đứa trẻ dần dần hình thành được khái niệm mưa, một hiện tượng rất cần thiết trong đời sống nông nghiệp của cư dân Thái Tây Bắc nói riêng và đồng bào các dân tộc nói chung.

Nhưng không chỉ có mưa, mà nắng cũng vào khúc hát ru: “Nắng đi trời nắng đi/ Nắng cho bản gặt lúa chín vàng/ Nắng cho cả mường ăn cơm mới/ Nắng cho nhà tao ăn lúa nếp”.

Với huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ), đồng bào Mường chiếm 54% dân số. Hiện đồng bào vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đa dạng, trong đó có làn điệu hát ru. Khắp các bản Mường, những đứa trẻ từ khi sinh ra đến khi lớn lên đều được các bà, các mẹ hát ru với lời ca trong sáng, thiết tha.

“À à ơi/ Ngủ đi cho trong nước giếng/ Ngủ đi cho bồ quân chín đỏ/ Đợi mẹ đi đường xa chưa về/ Quả nào chín để con được ăn/ Quả nào xanh để cho con nghịch con chơi”. Một cụ bà ở thôn Vạch, xã Khả Cửu cho biết, gia đình cụ vẫn duy trì hát ru cho con trẻ, đã trải qua nhiều đời. Nhưng cũng đáng tiếc việc lưu truyền hát ru của đồng bào Mường ở đây chủ yếu bằng truyền miệng, nên cũng đã mai một ít nhiều...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mượt mà khúc hát ru

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO