Mưu sinh dưới đáy đại dương

Đoàn Xá 23/08/2020 10:12

Họ đi từ bình minh cho tới hoàng hôn, họ đi từ nắng vắt qua mùa mưa, giữa bốn bề sóng nước ầm ào và tiếng máy nổ rền rĩ suốt một ngày dài. Họ lặn sâu vào lòng biển, mò mẫm trong lớp cát mềm dưới đáy đại dương để kiếm tìm chút sinh kế nhỏ nhoi. Họ là những thợ lặn ốc móng tay (còn gọi là sò móng tay) ở vùng biển ngoài khơi thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.

Bắt đầu một ca lặn.

Ra khơi cùng thợ lặn

5h sáng, đội thợ lặn của ông Phòng (62 tuổi, ngụ xã Tân Tiến, La Gi), chủ một ghe nhiều năm làm nghề lặn sò, ốc đã hẹn nhau ở cảng cá La Gi để lên ghe ra ngư trường. Lúc này, nhiều ghe làm nghề lặn sò, ốc khác ở cảng La Gi cũng đã lên đường. Do chỉ cách cảng chừng 15km nên chừng hơn 6h sáng, ghe đã tới nơi neo đậu, chuẩn bị một ngày làm việc. Đây là chiếc ghe gỗ rất chắc chắn, dài chừng 20 mét, rộng 5 mét, có khoang che cùng nhiều trang thiết bị an toàn khác.

Tại ngư trường, ghe bắt đầu thả neo, tắt máy chính. Với những ghe lặn, họ sẽ neo cả ngày và thường thả 2 neo để không bị trôi. Trên ghe, ngoài tôi là người khách lạ còn có 9 thợ lặn, một người nấu nướng, phụ việc và một người điều khiển máy tàu. Do đây là ghe nghề lặn nên những thợ lặn là những người quan trọng nhất trên ghe. Tất cả họ đều là những thanh niên với tuổi đời từ 20 đến 45 tuổi. Nhiều người, như anh Bảy thì đã gắn bó với nghề lặn gần 20 năm.

Vẫn biết nghề biển là nghề cơ cực nhưng nghề lặn biển có lẽ là cơ cực nhất trong nghề biển. Thay vì đầu tư tiền của mua lưới, ngư cụ đánh bắt thì với những thợ lặn, họ sử dụng chính bàn tay của mình. Tất nhiên, những rủi ro của nghề lặn là cao hơn các nghề câu, lưới vây, giã cào… rất nhiều. Chính vì thế, hầu hết những thợ lặn là người nghèo. Họ coi đây là sinh kế cuối cùng mà mình có thể mưu sinh.

Bắt đầu một ca lặn là công việc chuẩn bị. Như đã nói, nghề lặn vô cùng rủi ro và nguy hiểm nên hơn ai hết, những thợ lặn họ ý thức rất rõ điều này. Nhìn cách họ chăm chú chuẩn bị đồ nghề cho ca lặn, tôi mới thấy hết điều đó. Đầu tiên là quần áo. Mỗi thợ lặn mặc 3 lớp quần áo, gồm 1 lớp quần áo bình thường, 1 lớp áo mưa mỏng và 1 lớp áo nỉ mịn ngoài cùng.

Nhưng không chỉ có quần áo, đôi tay của thợ lặn cũng được chuẩn bị rất kỹ, bọc tổng cộng 4 lớp. Cách 1 lớp băng dính là 1 lớp băng mịn cứu thương. Việc bọc 4 lớp giúp cho bàn tay thợ lặn an toàn khi mò sò, ốc dưới lớp cát mịn. Sau khi mặc đồ, những thợ lặn bọc chì vào bụng và ngậm ống thở ô-xy, quàng túi lưới vào cổ.

Anh Nguyễn Văn Bình, 28 tuổi, một thợ lặn cười cười bảo: “Mỗi ca lặn kéo dài chừng 2-3 giờ đồng hồ, tuỳ theo công việc ở dưới đáy biển. Nếu bắt được nhiều thì sẽ lên sớm, còn ít thì lên muộn. Khi nào thấy túi đeo trước ngực đầy sò thì ngoi lên. Nhưng tối đa chừng 3 giờ là phải ngoi lên vì ở lâu dưới nước dễ bị đột quỵ hay mất nhiệt”.

Cũng theo anh Bình, ngư trường của thợ lặn là khu vực sát dưới đáy biển. Như khu vực biển La Gi này thì cũng không quá sâu. Thường là khoảng 7-10 sải tay (mỗi sải dài 1,5 mét). Mỗi ngày, thợ lặn thường làm việc 2-3 ca, tuỳ theo năng lực. Giữa mỗi ca như vậy, các thợ lặn nghỉ ăn cơm và lấy sức.

Sau khi các thợ lặn lần lượt mất hút dưới làn nước biển mênh mông, tôi thấy những người trên tàu bắt đầu thả những dây dẫn ô-xy xuống nước theo thợ lặn. Dây dẫn ô-xy khá nhỏ, chỉ như ngón tay nhưng được chia thành 2 đường. Một đường tiếp ô-xy cho thợ lặn, một đường hút khí thải họ thở ra. Tất cả đều được duy trì bằng chiếc máy bơm nổ đều đặn. Đây cũng thứ liên lạc duy nhất của thợ lặn với người trên ghe trong thời gian tiếp theo, khi họ ở sâu dưới đáy đại dương.

Bữa cơm trên biển giữa các ca lặn.

Tai nạn chực chờ

Sau khi những thợ lặn chìm khuất vào đáy biển để bắt đầu công việc, 3 người còn lại trên tàu gồm thợ máy, phụ bếp và ông Phòng chủ tàu cũng bắt đầu công việc của mình. Người thợ máy phải ngồi canh những dây dẫn ô-xy, cũng là sợi dây nối thợ lặn và ghe. Nếu có gì bất trắc, như tai nạn dưới đáy biển chẳng hạn, thì thợ lặn sẽ giật sợi dây đó và người trên ghe sẽ biết để kịp thời có biện pháp ứng cứu.

Còn phụ bếp bắt đầu công việc của mình, mang đồ ăn ra nấu chuẩn bị bữa cho những người dưới đáy biển. Người nấu ăn là anh Viễn, 44 tuổi cũng từng nhiều năm làm thợ lặn sò móng tay. Tuy nhiên, cách đây khoảng 5 năm, trong một lần lặn anh bị một con nhím biển lớn đâm vào bàn tay. Dù không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng bàn tay trái của anh bị liệt 2 ngón, phải bỏ nghề luôn.

Nhím biển là một trong những mối nguy hiểm của thợ lặn sò móng tay vì chúng có rất nhiều gai trên cơ thể, nhọn như trăm mũi kim. Chúng sống trong lớp cát mịn dưới đáy biển, thường nằm im lìm nên khi vô tình chạm tay vào, những mũi nhọn sẽ đâm vào tay, gây ra vết thương. Anh Viễn bảo, gắn bó với nghề biển quen rồi, không lặn được thì xin làm nấu ăn phụ anh em trên biển.

Chia sẻ cùng tôi, ông Phòng không giấu giếm gì bảo hiện nay hầu hết các nhóm lặn sò trên biển là theo hình thức ăn chia. Theo đó, những người trực tiếp lặn dưới biển sẽ được 50% thành quả của mình, ngay khi bán tại cảng. Còn lại chủ ghe được 50% còn lại. Tuy nhiên, chủ ghe sẽ phải bỏ chi phí đầu tư mua ghe tàu, tiền xăng dầu duy trì hoạt động cũng như chi phí ăn uống.

Đặc biệt, để ghe hoạt động trên biển và phục vụ khoảng 9-10 thợ lặn thì chủ ghe phải thuê 1 người phụ bếp, 1 lái tàu và 1 phụ các công việc khác để giúp các thợ lặn trên biển. Nhiều khi, để tiết kiệm chi phí thì chủ ghe kiêm nhiệm 1 trong số các công việc kể trên.

Cũng theo ông Phòng, người có nhiều năm gắn bó với nghề lặn sò, ốc ở vùng biển La Gi hay ngoài Phú Quý thì khu vực này có rất nhiều sò, ốc.

“Gần như quanh năm các thợ lặn đều có thể bắt sò ở đây. Chỉ một số ngày mưa quá lớn khiến trời tối, đáy biển không thấy đường hoặc gió bão thì mới ở nhà. Một năm khoảng 300 ngày đều đặn đi lặn được. Sò, ốc khu vực này rất nhiều, mỗi ca lặn có thể kiếm được chừng 20-25 ký/người. Tuy nhiên, giá sò lại khá rẻ, chỉ chừng 15-20 ngàn đồng/kg tại cảng. Tổng cộng, mỗi thợ lặn một ngày cũng có thu nhập chừng 5-6 trăm ngàn đồng. Đây là một số tiền cũng không quá ít nhưng không phải ai cũng có thể làm được nghề thợ lặn” - ông Phòng cho biết thêm.

Chúng tôi ngồi đợi một lúc nữa thì các thợ lặn lần lượt lên. Đây là lúc những người trên ghe vất vả vì phải kéo sò lẫn người lên ghe. Đầu tiên là kéo dây dẫn khí ô-xy, sau đó thì kéo bao sò. Khi lên ghe, các thợ lặn thường chỉ bỏ kính che mặt và giữ nguyên bộ đồ rồi bắt đầu ăn cơm. Do ở dưới nước lâu nên thợ lặn mất nhiệt nhiều, thường rất đói. Họ ăn khá nhiều, mỗi người chừng 2 tô cơm lớn và ngồi nghỉ lấy sức chuẩn bị cho ca tiếp theo.

Anh Bình bảo tôi: “Dưới đáy biển, các thợ lặn đi theo nhóm 2-3 người. Tất cả đều ở trong tầm mắt nhìn thấy nhau để lỡ có gì bất trắc thì còn ứng cứu. Dưới đó rất nhiều bất trắc mà ở trên ghe không ai biết được. Nhiều khi chỉ một con nhím biển đâm vào chân cũng rất nguy hiểm. Rồi những nguy cơ khác nữa. Ở vùng này sò nhiều lắm, anh em dưới đó gần như chỉ quơ tay là có sò. Nhưng sò nằm dưới lớp cát mịn chừng 2-5cm nên tay phải vục sâu vào cát. Đây là loại sò phổ thông nhiều nhưng giá rẻ. Trước mình đi lặn ốc hoàng đế, ốc tai voi ngoài ven đảo Phú Quý thì công việc khó khăn hơn rất nhiều do chúng ở sâu trong cát. Ngoài việc tìm đúng hang của chúng phải rất khéo mới đưa chúng lên khỏi lớp cát sâu được. Bù lại, giá ốc mắc hơn rất nhiều. Có ca lặn kiếm cả vài triệu đồng chứ không ít”.

Cũng theo những thợ lặn thì nghề lặn ốc móng tay là kiếm được ít tiền nhất nhưng cũng bớt gian khổ hơn những nghề lặn khác. Một số thợ lặn bắt cá chình, hải sâm, san hô… thì giá trị kinh tế nhưng công việc khó khăn hơn. Do những loài đó thường sống trong khu vực rạn san hô, đáy biển không bằng phẳng nên thợ lặn phải săn tìm khó khăn.

Hiện nay, ngoài khơi vùng biển La Gi nói riêng và vùng biển Bình Thuận nói chung, nghề lặn khá phát triển. Ngay cả khi ngồi trên ghe, tôi cũng quan sát thấy xung quanh ngư trường có 5-6 chiếc ghe khác đang neo đậu, cũng làm nghề lặn ốc, sò như ghe ông Phòng. Đây cũng là một trong những nghề đặc trưng của ngư dân vùng biển Nam Trung bộ này.

Những ai từng đi biển dài ngày sẽ thấy sự cô độc trên mênh mông đại dương. Nhưng với những người làm nghề thợ lặn, họ còn cô độc hơn bởi luôn phải chìm mình trong nước. Dưới đảy biển sâu thẳm ấy, ngoài bản thân mình thì những thợ lặn không thể nói chuyện, giao tiếp với bất kỳ ai. Đó là lý do khi lên ghe, họ thường trò chuyện rất nhiều trước khi lại bắt đầu chìm vào đáy biển cho ca làm việc mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mưu sinh dưới đáy đại dương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO