Mưu sinh trên đầm Thị Tường

ĐOÀN XÁ 11/06/2023 08:00

Từng được coi là “túi cá tôm” của dải đất đồng bằng châu thổ Cửu Long Giang nhưng hiện nay nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở đầm Thị Tường - đầm tự nhiên lớn nhất phía Nam đang giảm sút nghiêm trọng. Tuy nhiên, ở trên khu đầm rộng mênh mông như “biển hồ” nằm giáp biển này vẫn là nơi gắn bó mưu sinh của hàng trăm ngư dân.

Chú Năm cần mẫn với công việc của mình.

Săn tôm nơi đất “cuối trời”

Được coi là vùng đất “cuối trời” của Tổ quốc, Cà Mau là nơi có nhiều sông, ngòi kênh rạch. Trong số đó có nhiều kênh rạch tạo ra đầm Thị Tường, nằm trên địa phận hai huyện Trần Văn Thời và Phú Tân. Theo người dân địa phương, đầm không khác gì khu “biển hồ” với chiều dài khoảng 10km, rộng khoảng 2km. Do nằm gần giáp biển và ăn thông với biển, nước trong đầm Thị Tường có độ mặn vừa đủ cho nhiều loại thủy sản ven bờ sinh sôi.

Anh Nguyễn Văn Thiện, 34 tuổi ngụ tại xã Phong Lạc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) - ngư dân nhiều năm sinh sống ở đầm Thị Tường kể: Thực ra, đặc sản của đầm là cá vồ chó - loại cá da trơn, nhìn như cá lăng có nhiều ở vùng đất ven biển Cà Mau, thịt thơm ngon. “Nhưng đó là ngày xưa thôi, chứ khoảng chục năm gần đây loại cá vồ chó dường như biến mất. Bây giờ đầm chỉ còn nhiều tôm, cua và cá bống. Dọc theo đầm từ khu kênh Bà Ký này tới tận phà Vàm Xáng chỉ còn người săn tôm, săn cua như tôi chứ không có ai bắt cá vồ nữa. Mà giờ tôm có giá lắm. Ở đầm nhiều tôm sú và tôm càng xanh loại lớn. Tuần trước tôi tháo lú được bốn con tôm càng xanh, mỗi con cân nặng gần hai lạng, đầu to như cây mía. Bà xã đem sang bên khu du lịch bán được 600 ngàn đồng”, anh Thiện vui vẻ cho biết.

Theo người dân nơi đây, có nhiều cách để săn tôm, cua ở khu vực đầm Thị Tường như: lặn, đặt bẫy bởi chúng thường sinh sống ven đầm, các kênh rạch ăn thông ra đầm. Những gốc dừa nước, gốc bần, gốc trang là nơi kiếm ăn ưa thích của chúng. Mùa này nước thấp, ngư dân quanh đây thường đặt lú chứ ít người lặn bắt. Lú ở đây đan bằng lưới có khung thép, gấp rất gọn mà thả cũng dễ.

“Nhà tôi có hơn trăm mét lú, mỗi ngày kiếm vài ký tôm, cua hay cá bống. Ở đây chỉ tôm cua lớn mới bán được thôi, nhỏ thì đem về ăn. Còn cá bống thì bán cũng rẻ, chỉ dăm chục ngàn mỗi ký bống đen to cỡ ngón tay cái”, anh Thiện vừa nói vừa cập lại chiếc ghe vỏ lãi nhỏ. Trong đó có rất nhiều tôm, loại tôm sú và tôm càng xanh cùng với hai con cua biển khá lớn. Dưới đáy ghe cũng có khá nhiều tôm sú nhỏ đang nhảy lách tách.

Niềm vui khi gỡ lú của anh Thiện.

Cuộc sống êm đềm

Tạm biệt anh Thiện, chúng tôi tiếp tục chạy ghe đi trên hồ Thị Tường. Người chở ghe chúng tôi là anh Đen, 51 tuổi, sinh ra lớn lên và gắn bó với đầm. Theo anh Đen, những năm qua đầm Thị Tường thay đổi rất nhiều, người ta chuyển từ đánh bắt tự nhiên sang nuôi trồng là chủ yếu. Rồi còn xây bờ kè, mở các nhà hàng, quán ăn và tour du lịch cho khách từ khắp nơi đến tham quan. Nhưng anh và mấy người bạn vẫn gắn bó với đầm, vừa thả lưới đánh bắt hàng ngày, vừa nuôi thêm sò huyết, bởi đầm Thị Tường là nơi rất thích hợp để nuôi sò huyết.

Trong câu chuyện của mình anh Đen kể về những ngư dân gắn bó cuộc sống với đầm Thị Tường bởi nơi đây còn được gọi là một “biển hồ” bởi đầm có quy mô rất lớn, rộng không thua gì vịnh ven biển. Đứng phía này nhìn ngút mắt không thấy phía bên kia.

Kéo dài khoảng chục cây số, đầm Thị Tường ăn thông ra phía biển bằng nhánh sông nhỏ gần cửa sông Ông Đốc. Tuy nhiên, nhánh sông đó không làm nước đầm mặn mà vẫn giữ được nguồn nước lợ tự nhiên, vậy nên có nhiều loại thuỷ sản đặc trưng sinh sôi. Nếu như trước kia đầm chủ yếu cung cấp nguồn thủy sản tự nhiên giúp ngư dân đánh bắt thì nay đầm là nơi nuôi trồng chủ yếu là sò huyết. Nhiều ngư dân, trong đó có gia đình anh Đen cũng kiếm được hàng trăm triệu đồng từ nghề nuôi sò huyết trên vùng nước đầm Thị Tường.

Ngoài ra, hiện nay đầm cũng có nhiều dịch vụ du lịch, với các nhà hàng, quán ăn và những khu lưu trú homestay đặc trưng miền sông nước Cà Mau. Dù chưa phải là địa điểm du lịch “hot” nhưng vẫn có hàng ngàn du khách tìm tới đầm Thị Tường trải nghiệm những dịch vụ du lịch độc đáo, dân dã và chỉ duy nhất ở vùng đất này. Điều đó đã mang đến một nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều dịch vụ kinh doanh, và cả những ngư dân sinh sống bằng nghề khai thác thủy sản như anh Thiện, anh Đen.

Đầm Thị Tường, đầm lớn nhất phía Nam, được coi như “biển hồ” của người dân quanh vùng.

Chạy ghe được một lúc thì chúng tôi ra giữa đầm, khi này mặt trời đã lên cao. Xa xa phía trước là một căn nhà chòi rộng chừng 20m2 được ghép bằng những tấm tôn xung quanh, trên những chiếc cọc bằng cây tràm già và lớp lá dừa nước. Ông Đặng Văn Năm, chủ căn chòi và là người canh sò thuê cho những chủ nuôi trên đầm đang chuẩn bị đi gỡ lú. Ông Năm tươi cười chào chúng tôi, ông bảo quê ở mãi bên Cái Nước tới đây làm thuê cho chủ nuôi sò huyết. “Trước tôi làm nghề câu mực cho chủ ghe bên cảng Ông Đốc, nhưng nay về đây canh sò. Tôi làm ở đây lương 3,2 triệu đồng/tháng nhưng sống khỏe. Hằng ngày tôi vẫn đi đặt lú quanh chòi, kiếm con cua con cá để ăn. Hôm nào nhiều thì ướp muối phơi khô. Tuần nào bà nhà tôi cũng ra thăm rồi đem về cho mấy đứa cháu ngoại bên Cái Nước. Sống trên nhà chòi ban đầu cũng buồn lắm. Tháng trước con gái tôi mua tặng cái điện thoại bảo để gọi điện cho cháu ngoại. Qua điện thoại thấy hình ảnh chúng tôi rất vui”, ông Năm ngồi xuống trò chuyện cùng chúng tôi.

Ông Năm còn cho biết: Thi thoảng trên đầm cũng có mấy ghe cào đáy, ghe kích điện đánh bắt thủy sản nên các chủ nuôi sò thuê ông để trông đầm bởi ghe cào đáy, kích điện dễ làm chết sò. Công việc khá nhàn nhưng ban đêm nghe tiếng ghe vỏ lãi là ông phải thức dậy, lấy 3 cây đèn pin gắn vào chiếc mâm xoay rồi bật sáng lên, cho chúng quay dăm phút để ghe họ đi nơi khác. Vừa kể chuyện, ông Năm vừa nhảy ùm xuống phía mặt nước sau nhà. Nước ở đầm không quá sâu, chỉ chừng 2-3 mét. Một lát sau, ông nổi lên, đổ chiếc lú vào chiếc chậu nhựa lớn. Mấy con tôm, cá kèo, cá bống… đu nhau nhảy lách tách. Rồi ông buộc lại chiếc lú, lặn xuống đặt về chỗ cũ trước khi kéo chiếc chậu nhựa bơi sang chiếc lú bên cạnh. Ngày nào cũng vậy, vẫn những chiếc lú ấy, những công việc ấy, nhưng ông Năm cho hay luôn tìm thấy niềm vui trong công việc của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mưu sinh trên đầm Thị Tường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO