Mỹ - Nga - Trung Quốc: Cuộc đua nhằm 'bá chủ không gian'

Hà Anh (theo CNN) 15/11/2021 10:15

Nhiều ý kiến cho rằng, vệ tinh nhân tạo Sputnik của Nga từng là một lời cảnh tỉnh cho Mỹ cách đây 64 năm, nhưng hiện nay, "Tên lửa siêu thanh" của Trung Quốc còn là một thách thức phức tạp hơn. Cuộc đua vũ trang ngầm giữa 3 cường quốc Mỹ - Nga - Trung Quốc chưa bao giờ hết thu hút sự chú ý của thế giới.

Vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới do Nga phát triển - Sputnik được phóng vào không gian, năm 1957.

Khoảnh khắc Sputnik

"Ngay bây giờ, hãy lắng nghe, vì đây là âm thanh sẽ đi vào lịch sử", đó là cách đài NBC giới thiệu tín hiệu từ vệ tinh nhân tạo đầu tiên trong không gian, vào ngày 4/10/1957. Nhưng đó không phải là một chiến thắng của khoa học vũ trụ Mỹ, âm thanh đó phát ra từ vệ tinh Sputnik của Liên Xô, một vệ tinh có kích thước chỉ bằng một quả bóng bãi biển. Vụ phóng vệ tinh Sputnik đã khiến cả thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng sửng sốt.

Cụm từ "Sputnik moment" (khoảnh khắc Sputnik) được gắn liền với thời điểm này. Nó biểu hiện một cú sốc khi Mỹ mất đi ưu thế vượt trội. Nó còn được cho là một bước nhảy vọt về công nghệ có thể phá hủy cán cân quyền lực hạt nhân.

Tổng thống Mỹ khi đó là Dwight D. Eisenhower đã tuyên bố, không lo lắng một chút nào về Sputnik, nhưng phản ứng của công chúng và giới chính trị Mỹ lại ít lạc quan hơn. Tờ Boston Globe giật title trên trang nhất: “Khoa học Nga đánh bại khoa học Mỹ".

Mới đây, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, nhắc lại "khoảnh khắc Sputnik" khi ông nói về việc Trung Quốc thử nghiệm một hoặc nhiều tên lửa siêu thanh vào mùa hè này.

"Những gì chúng tôi thấy là một sự kiện rất quan trọng từ cuộc thử nghiệm hệ thống vũ khí siêu thanh. Nó rất đáng quan tâm. Tôi không biết liệu đó có phải là một 'khoảnh khắc Sputnik' hay không, nhưng tôi nghĩ rằng nó rất gần với điều đó", Tướng Milley nói.

Trung Quốc cho biết, họ không có ý định gì khác ngoài việc phóng một phương tiện có thể tái sử dụng trong vũ trụ, tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào các cuộc thử nghiệm này để xác định ý định của Trung Quốc là rất khó. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã ồ ạt đầu tư phát triển năng lực tên lửa và không gian, cũng như phát triển các lực lượng thông thường và chiến tranh mạng.

Về mặt an ninh quốc gia, yếu tố bất ngờ và không thể đánh giá được là mối đe dọa khiến những người đứng đầu phải mất ngủ. Sputnik đã nhanh chóng đánh vào cả hai yếu tố. Tuy nhiên, sự phát triển vượt bậc về công nghệ siêu thanh của Trung Quốc có thể thuộc một trật tự khác.

Trong những năm sau “khoảnh khắc Sputnik”, Mỹ nhanh chóng vượt Liên Xô về công nghệ vệ tinh và vũ trụ. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) được thành lập vào năm 1958 (bay thử nghiệm phương tiện siêu thanh đầu tiên vào năm 1959). Đến năm 1960, Mỹ có số lượng vệ tinh quay quanh Trái đất nhiều gấp ba lần so với Liên Xô.

Một vụ phóng thử tên lửa siêu thanh của Trung Quốc.

Công nghệ siêu thanh

Trong khi đó, báo cáo với Ủy ban Tình báo của Thượng viện Mỹ trong các cuộc họp kín, các quan chức tình báo cho biết, cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh của Trung Quốc đánh dấu một bước tiến đáng kể về khả năng của Trung Quốc trong việc thực hiện một cuộc tấn công chiến lược.

Tuy nhiên, các quan chức và chuyên gia khác không lo ngại về vụ việc vì cho rằng, công nghệ này không mang lại lợi thế cho Bắc Kinh và do đó chưa thể gây mất ổn định.

Bản thân công nghệ siêu thanh cũng không phải là mới: Mỹ, Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác đã nghiên cứu nó trong nhiều thập kỷ qua. Nga thậm chí đang phát triển một loạt vũ khí siêu thanh mà Tổng thống Vladimir Putin từng cho là "bất khả chiến bại".

Sự mất ổn định chỉ xuất hiện khi một cường quốc hàng đầu đầu quyết định vũ khí hóa công nghệ siêu thanh.

Tên lửa siêu thanh (có tốc độ nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, không có rãnh trượt) không nhanh bằng tên lửa đạn đạo, nhưng chúng có thể di chuyển ở độ cao thấp khác nhau và có khả năng cơ động. Chúng có thể thay đổi mục tiêu khi đang bay và do đó rất khó bị phát hiện và đánh chặn.

Một báo cáo của RAND (một tổ chức phi lợi nhuận, hỗ trợ nghiên cứu và phân tích cho quân đội Mỹ) vào năm 2017 lưu ý rằng, ngay cả "những hệ thống phòng thủ có khả năng cảm biến không gian và mặt đất sẽ chỉ có vài phút chuẩn bị trước khi những tên lửa này bay tới".

Nếu một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) được bắn vào mục tiêu, có khoảng 25 phút từ thời điểm phát hiện và tác động. Trong khi đó, một số nhà phân tích tính toán rằng, nếu thay vào đó là vũ khí siêu thanh, thời gian chuẩn bị sẽ chỉ là 6 phút.

Hệ thống tên lửa đánh chặn đất đối không Patrio của Mỹ.

Để bảo vệ lục địa Mỹ khỏi những vũ khí siêu thanh, sẽ cần một lượng hệ thống phòng thủ tầm cao "siêu phức tạp". Điều này đưa ra giả định rằng, hệ thống phòng thủ đó sẽ phải tốt hơn nhiều so với những hệ thống đang được triển khai.

Ngoài ra, các hệ thống chống tên lửa của Mỹ tập trung chủ yếu ở Bắc bán cầu, trong khi, một tên lửa siêu thanh có khả năng cơ động ở quỹ đạo thấp có thể được chuyển hướng qua Nam Cực.

Dù vậy, một số chuyên gia vẫn chỉ ra rằng, kỷ nguyên của tên lửa siêu thanh vẫn mang tính lý thuyết nhiều hơn là thực tế, bởi nó vẫn cần được bổ sung rất nhiều kỹ thuật.

Cựu Phó Chủ tịch Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ Ivan Oelrich cho rằng, "vũ khí siêu thanh sẽ bổ sung thêm một số khả năng quân sự mới nhưng không 'cách mạng hóa' chiến tranh".

Báo cáo của RAND cũng ước tính rằng, phải mất ít nhất một thập kỷ nữa trước khi tên lửa siêu thanh nắm vai trò quan trọng về mặt quân sự.

Tên lửa siêu thanh của Mỹ.

Tăng cường kiểm soát vũ khí và phát triển hệ thống phòng thủ

Các nhà phê bình cho rằng, Mỹ đã chậm chạp trong việc công nhận và hiện thực hóa tham vọng trở thành nước đầu tiên bay vào vũ trụ trước Liên Xô. Cả ông Lyndon Johnson và ông John F Kennedy, khi đó là Thượng nghị sĩ Mỹ, đã sử dụng “khoảnh khắc Sputnik” để chỉ trích sự thiếu chuẩn bị của người Mỹ.

Tương tự, ngày nay, một số nhà phê bình cho rằng, Mỹ đã chậm chạp trong việc nhận ra mối đe dọa. Ông Andrew Senesac từ Hiệp hội Công nghiệp quốc phòng quốc gia cho biết: “Lầu Năm Góc đã thất bại trong việc xác định rõ nhu cầu và tầm quan trọng của việc phát triển vũ khí siêu thanh”.

Sự xuất hiện của vệ tinh Sputnik đã thúc đẩy chi tiêu cho ngành giáo dục khoa học của Mỹ, theo đó, Đạo luật Giáo dục quốc phòng quốc gia được thông qua vào năm 1958. Vẫn chưa rõ liệu sự đầu tư mạnh vào quốc phòng của Trung Quốc có truyền cảm hứng cho các khoản đầu tư tương tự của Mỹ hay không.

Sputnik đã thúc đẩy đầu tư lớn vào công nghệ vệ tinh của cả Mỹ và Liên Xô. Nhân loại đã được hưởng lợi từ các ứng dụng dân sự từ nó như: GPS, viễn thông. Cho đến năm 1990, khoảng 4/5 vệ tinh trong không gian là thuộc quân đội.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Ngân sách của Lầu Năm Góc dành cho các hệ thống siêu thanh sẽ tăng lên trong năm tới, đạt khoảng 3,8 tỷ USD. Vào tháng 10, Giám đốc Điều hành của Raytheon Technologies, Gregory Hayes, nhận định, Mỹ đã "đi sau" Trung Quốc ít nhất vài năm trong việc phát triển công nghệ siêu thanh.

Ngày nay, công nghệ siêu thanh đang được phát triển ở Úc và châu Âu cho các ứng dụng thương mại và hòa bình. Nhưng phần lớn công nghệ đó có thể có trở thành vũ khí.

Bên cạnh đó, “khoảnh khắc Sputnik” mang lại sự ảnh hưởng theo hai cách.

Thứ nhất, sự mất an toàn trong không gian có thể làm đảo lộn cán cân quân sự và cuối cùng đã thúc đẩy một kỷ nguyên của các thỏa thuận kiểm soát vũ khí.

Vệ tinh nhân tạo trở thành một phần quan trọng của hệ thống cảnh báo sớm cho phép nhân loại sống chung với những vũ khí hủy diệt.

Nhưng mặt khác, "bóng ma" vũ khí hủy diệt cũng khơi mào cho nghiên cứu về khả năng phòng thủ tên lửa: Làm thế nào để đánh chặn và tiêu diệt tên lửa đang bay tới. Một nỗ lực đạt đến đỉnh cao là chương trình Chiến tranh giữa các vì sao của cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào những năm 1980.

Tên lửa siêu thanh DF-17 của Trung Quốc được công khai lần đầu tiên hôm 1/10/2019.

Những tiến bộ của Trung Quốc có thể làm nóng lại vấn đề lựa chọn giữa việc phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa siêu thanh hoặc trang bị vũ khí hạt nhân tự tìm mục tiêu nhằm tấn công phủ đầu.

Ông James Acton (Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế) cho rằng, Mỹ nên đề nghị đàm phán các giới hạn mới về khả năng phòng thủ tên lửa, theo đó Trung Quốc, Nga và cả Mỹ phải đưa ra những nhượng bộ đáng kể.

Một nghiên cứu lớn của RAND đã đưa ra kết luận tương tự. Các tác giả cho biết: “Yêu cầu không thể tránh khỏi là Mỹ, Nga và Trung Quốc phải đồng ý về một cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân”. Điều này có khả năng mở ra một chương mới - "hậu răn đe hạt nhân", như một số người cho rằng Sputnik đã làm được.

Có một tín hiệu lạc quan, trong những thập kỷ sau “khoảnh khắc Sputnik”, Mỹ và Liên Xô đã phát triển các kênh liên lạc để cố gắng đảm bảo xung đột sẽ không bắt nguồn từ những tính toán sai lầm.

Tác giả Fareed Zakharia, viết trên tờ Washington Post cho biết: "Nâng cao đề phòng về một đối thủ lớn và có hiểu biết về công nghệ là cách thuyết phục Quốc hội chi một lượng ngân sách lớn để chống lại mọi động thái của đối thủ, dù là thực tế hay tưởng tượng".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ - Nga - Trung Quốc: Cuộc đua nhằm 'bá chủ không gian'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO