Mỹ sa thải Tư lệnh Hạm đội 7 sau vụ chiến hạm bị đâm

Khánh Duy 24/08/2017 09:20

Hải quân Mỹ trong hôm 23/8 đã tuyên bố sa thải Phó Đô đốc chỉ huy của Hạm đội 7, ông Joseph Aucoin, do trách nhiệm liên đới trong 2 vụ va chạm nghiêm trọng giữa các chiến hạm của nước này với các tàu trong khu vực châu Á chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng.

Tướng Joseph Aucoin bị sa thải sau vụ va chạm mới nhất của chiến hạm Mỹ. (Nguồn: Reuters).

Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đã chính thức tuyên bố về việc cách chức ông Aucoin và buộc ông này rời khỏi vị trí lãnh đạo hiện tại tại căn cứ hải quân Yokosuka, Nhật Bản, một người phát ngôn Hải quân Mỹ cho hay. Chuẩn Đô đốc Phil Sawyer, Phó tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, sẽ lập tức nhận quyền chỉ huy thay thế ông Aucoin.

Vụ va chạm xảy ra vào thời điểm rạng sáng hôm đầu tuần này giữa một chiến hạm tên lửa định hướng của Mỹ và một tàu thương mại ở phía Đông Singapore và Malaysia là vụ việc thứ tư xảy ra với Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tính tới thời điểm này của năm 2017.

Quyết định sa thải Phó Đô đốc Aucoin được tuyên bố là "do thiếu lòng tin vào khả năng chỉ huy" của vị quan chức này, người phát ngôn Hải quân Mỹ cho hay.

Hạm đội 7, có trụ sở đặt tại Nhật Bản, vận hành khoảng 70 con tàu, trong đó bao gồm một hàng không mẫu hạm của Hải quân Mỹ, và có khoảng 140 máy bay cùng 20.000 thủy thủ. Hạm đội hoạt động trên một khu vực rộng 124 triệu km vuông tình từ các căn cứ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Vụ tai nạn hàng hải mà trong đó chịu thiệt hại là chiến hạm USS John S. McCain của mỹ và tàu chở hàng Alnic MC ở eo biển Singapore xảy ra trong một thời điểm căng thẳng đối với lực lượng Hải quân Mỹ đóng tại châu Á.

Trong tháng này, tàu USS John S McCain đã di chuyển trong vòng 12 hải lý xung quanh một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trên khu vực Biển Đông, chiến dịch "tự do hàng hải" mới nhất mà Mỹ thực hiện trên khu vực biển này.

Một tờ báo của Trung Quốc hôm trước đó nói rằng vụ va chạm mới nhất của chiến hạm Mỹ cho thấy nó đang trở thành một hiểm họa tiềm ẩn đối với việc di chuyển trên các tuyến hàng hải ở châu Á, bất chấp việc Mỹ đang cam kết hỗ trợ bảo vệ tự do hàng hải của khu vực.

Cũng trong tháng này, Triều Tiên đe dọa sẽ khai hỏa nhiều tên lửa tới vùng lãnh thổ của Mỹ trên biển Thái Bình Dương, đảo Guam, do căng thẳng gia tăng liên quan tới các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của nước này.

"Mất thêm một con tàu nữa xảy ra vào đúng thời điểm tồi tệ. Nó có thể gây quan ngại về khả năng phòng thủ của nươc smyx và có thể gửi đi một tín hiệu sai lầm tới Triều Tiên" - Reuters dẫn lời một chuyên gia thuộc lực lượng phòng vệ hải quân Nhật Bản, nhận định.

Một chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ quốc tế có sự tham gia của máy bay, thợ lặn và nhiều tàu thuyền đến từ Mỹ, Singapore, Malaysia, Indonesia và Australia hiện đang cố gắng tìm kiếm 10 thủy thủ mất tích sau vụ va chạm hôm đầu tuần.

Trong hôm thứ Ba vừa qua, các thợ lặn thuộc hải quân Mỹ đã tìm thấy nhiều phần cơ thể người bên trong một khu vực bị thiệt hại của tàu USS John S. McCain, hiện đang neo đậu tải căn cứ hải quân Changi của Singapore. Hải quân Mỹ hiện chưa có tuyên bố gì về nhận dạng của các thi thể mới được phát hiện.

Hải quân Mỹ hiện cũng đang cố gắng nhận diện một thi thể được hải quân Malaysia tìm thấy ở vị trí cách vụ va chạm khoảng 8 hải lý về phía Tây Bắc. Một số bức ảnh được đăng tải trên mạng xã hội Twitter của hải quân Malaysia trong hôm 23-8 cho thấy các thủy thủ đang đưa một thi thể tới một trực thăng hải quân Mỹ.

Vụ va chạm mới nhất cũng đã khiến cho hải quân Mỹ phải mở một cuộc điều tra sâu rộng và đưa ra kế hoạch ngừng tạm thời tất cả các chiến dịch của họ. Trước đó, vào ngày 17/6 vừa qua, tàu USS Fitzgerald cũng gần như bị đánh chìm trên vùng biển ngoài khơi Nhật Bản sau khi va chạm với một tàu chở hàng của Philippines. Thi thể của 7 thủy thủ Mỹ đã được tìm thấy trong một khu vực ngập nước bên trong tàu sau sự việc.

Ngày 9/5, tuần dương hạm USS Lake Champlain, lớp Ticonderoga, đâm chìm một tàu đánh cá của Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải. Vụ việc không gây ra thương vong nhưng cho thấy sự lúng túng của thủy thủ đoàn trong xử lý vấn đề. Cuối tháng 1 vừa qua, tuần dương hạm USS Antietam, lớp Ticonderoga, cũng mắc cạn trong khi thả neo tại vịnh Tokyo. Vụ tai nạn làm hỏng chân vịt, gây tràn dầu ra biển.

Phát biểu về các sự việc trên, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Harry Harris cảnh báo các đối thủ của Mỹ rằng sẽ là "liều lĩnh" nếu tìm cách lợi dụng bất cứ điểm yếu nào của lực lượng Mỹ.

"Tôi hy vọng không một ai sẽ thách thức Mỹ nếu họ có suy nghĩ rằng chúng tôi đang gặp vấn đề với USS John McCain và 3 tàu chiến khác. Việc làm đó sẽ là vô cùng liều lĩnh" - ông Harris nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ sa thải Tư lệnh Hạm đội 7 sau vụ chiến hạm bị đâm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO