Mỹ: Số lượng các tổ chức phân biệt chủng tộc tăng 3 lần trong năm 2016

Linh Chi 17/02/2017 08:35

Số lượng các nhóm người có tổ chức với tư tưởng chống người Hồi giáo trên nước Mỹ đã tăng lên gần gấp 3 lần trong năm ngoái, từ 34 lên tới hơn 100 tổ chức, theo một báo cáo mới mà Trung tâm nghiên cứu Luật người nghèo miền Nam Mỹ (SPLC), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi các nhóm cực đoan.

Cuộc tuần hành của một tổ chức phát xít mới ở Mỹ nhằm phản đối
người nhập cư trái phép. (Nguồn: AP).

Báo cáo mới cho thấy hiện có hơn 900 các tổ chức có quan điểm thù ghét đang hoạt động trên khắp nước Mỹ - bao gồm các nhóm phát xít mới, các tổ chức phân biệt người da màu và người Hồi giáo.

Theo báo cáo, sự trỗi dậy của ông Donald Trump hồi năm ngoái đã kéo theo sự trỗi dậy của làn sóng tư tưởng cực đoan. Cùng lúc, chiến dịch tranh cử của ông cũng thu hút nguồn năng lượng từ các cuộc tuần hành có tư tưởng phân biệt cực đoan, trong lúc những người ủng hộ tư tưởng cực hữu tham dự các sự kiện tranh cử của ông Trump.

Trong lúc Nhà Trắng chưa đưa ra phản ứng nào liên quan tới báo cáo này, Tổng thống Trump đã lên án một số tổ chức phân biệt chủng tộc và nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times rằng: “Nếu bọn họ đang nhận thêm động lực, tôi muốn quan sát sâu hơn và tìm hiểu nguyên nhân vì sao”.

Khi được hỏi trong một cuộc họp báo trong tuần này về việc các mối đe dọa từ làn sóng bài Do Thái, ông Trump đã nói: “Chúng tôi đang làm mọi thứ trong quyền hạn của mình để ngăn chặn chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”.

“Tôi nghĩ một trong những lý do mà tôi đắc cử là bởi chúng ta có một đất nước rất, rất chia rẽ” - ông Trump nói thêm - “Rất chia rẽ, và hy vọng rằng tôi có thể làm được gì đó để thay đổi điều này”.

Nguy hiểm hơn, số lượng các tổ chức thù ghét ở Mỹ gia tăng trong bối cảnh xuất hiện thêm hàng loạt các website ẩn danh mang tư tưởng tương tự, theo giới phân tích Mỹ. Một trong những ví dụ điển hình là trang Daily Stormer, một website mang tư tưởng phát xít mới trong đó ban quản trị website này khuyến khích các thành viên công kích các đối thủ chính trị chống lại chúng.

Việc nhiều tổ chức có tư tưởng thù địch và phân biệt chủng tộc chuyển hướng hoạt động lên không gian mạng đã khiến cho giới phân tích khó có thể đưa ra kết quả chính xác về sự gia tăng tư tưởng thù hận ở nước Mỹ. Mới đây nhất, Dylann Roof, một công dân Mỹ bị kết án vì giết hại 9 thành viên một nhà thờ tại Charleston, được xác định là đã bị “cực đoan hóa” thông qua mạng Internet.

Theo báo cáo, cũng có ít nhất một danh mục các nhóm cực đoan đã giảm mạnh nhờ vào chiến thắng của ông Trump. Số lượng các tổ chức liên quan tới phong trào chống chính phủ mang tên Patriot - từng chứng kiến sự suy giảm mạnh dưới thời các vị Tổng thống đảng Dân chủ như Bill Clinton và Barack Obama - đã giảm mạnh trong năm 2016, từ 998 xuống 623 tổ chức.

Bản báo cáo về năm 2016 cũng chỉ ra rằng, có sự tăng nhẹ về số lượng các tổ chức cực đoan của người da màu trên đất Mỹ từ 113 lên 180 tổ chức sau khoảng thời gian tăng đột biến (59%) trong năm 2015. Vụ sát hại 5 sỹ quan cảnh sát ở Dallas hồi năm ngoái, mà thủ phạm là một tay súng đã từng ủng hộ các nhóm phân biệt chủng tộc trên Facebook đã khiến các tổ chức kiểu này thu hút thêm sự chú ý của dư luận.

Báo cáo cho hay, các nhóm phân biệt chủng tộc kiểu này thường tỏ ra thù ghét người da trắng, người Do Thái và cộng đồng người đồng tính, và không nên bị nhầm lẫn với các tổ chức vì nhân quyền khác như Black Lives Matter - đòi sự công bằng cho người da màu và chống bạo lực.

Sau nhiều thập kỷ gần như biến mất khỏi đời sống của người dân Mỹ, các tổ chức phân biệt chủng tộc hay thù hằn đã bất ngờ được trở lại tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận trong năm ngoái, khi các thành viên của tổ chức Ku Klux Klan (KKK) và phát xít mới tham gia tuần hành chung trong một số sự kiện.

Dù Tổng thống Trump đã nhiều lần nêu rõ quan điểm chỉ trích các tổ chức cực hữu kiểu này vì tư tưởng hệ sai lạc của họ, nhưng những hành động của ông lại đưa ra một cách chậm trễ và chưa có hành động nào để ngăn chặn các tổ chức này.

Được biết, SPLC hàng năm vẫn công bố báo cáo của họ về các tổ chức có tư tưởng thù hằn ở nước Mỹ, điều mà họ đã làm trong suốt 3 thập kỷ qua. SPLC chỉ liệt kê các tổ chức còn đang hoạt động - thông qua các sự kiện như tuần hành, tội ác mà thành viên các tổ chức này phạm phải, rải truyền đơn, tuyên truyền.

Hồi cuối năm ngoái, SPLC từng vấp phải nhiều sự chỉ trích vì nêu tên hai nhân vật gồm Ayaan Hirsi Ali và Maajid Nawaz vào danh sách những kẻ cực đoan chống Hồi giáo. Trong khi đó, hai nhân vật này là một cựu nghị sỹ Quốc hội Hà Lan và một cựu thành viên tổ chức Hồi giáo cực đoan đã hoàn lương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ: Số lượng các tổ chức phân biệt chủng tộc tăng 3 lần trong năm 2016

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO