Mỹ tăng cường hiện diện hải quân tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Khánh Duy 27/10/2017 09:35

Trong những ngày gần đây, 2 nhóm tác chiến tàu hàng không mẫu hạm của Hải quân Mỹ đã được triển khai tới khu vực Thái Bình Dương, nâng tổng số chiến hạm cỡ lớn mà Mỹ triển khai trong khu vực này lên con số 3 trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump chuẩn bị cho chuyến công du vào đầu tháng tới.

Hàng không mẫu hạm USS Nimitz của Hải quân Mỹ. (Nguồn: Reuters).

3 hàng không mẫu hạm quy tụ

Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz - cùng nhóm tác chiến gồm tàu khu trục, tàu tuần tra và tàu ngầm - đã đến khu vực hoạt động của Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, bao phủ vùng biển phía Đông Ấn Độ và phía Tây Thái Bình Dương, đại diện lực lượng Hải quân Mỹ nói trong các thông cáo báo chí khác nhau đưa ra trong tuần.

Tàu USS Roosevelt và USS Nimitz đã gia nhập cùng tàu USS Ronald Reagan, hiện đang neo đậu tại Nhật Bản và đã hoàn thành cuộc tập trận với lực lượng Hàn Quốc trong tuần trước.

Các bài tập trận này đã lập tức vấp phải chỉ trích kịch liệt từ CHDCND Triều Tiên, nước vốn coi các cuộc tập trận này là sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào Bình Nhưỡng.

Trong khi các tuyên bố mà Hải quân Mỹ đưa ra không nêu rõ các nhiệm vụ của tàu Roosevelt và Nimitz, sự xuất hiện của các hàng không mẫu hạm này chắc chắn nhận được sự chú ý đặc biệt trong khu vực.

"Nó đã gửi đi một tín hiệu đáng chú ý" - Adam Mount, chuyên gia phân tích quốc phòng thuộc Hiệp hội Khoa học Mỹ, nhận định - "Đây là một đợt triển khai lực lượng lớn, trong đó các hàng không mẫu hạm di chuyển tới cùng một khu vực".

Tàu USS Nimitz cùng đội tàu hộ tống đã đến khu vực này từ Trung Đông, nơi mà nó tham gia vào các cuộc tấn công nhằm vào phiến quân IS, một phần của chiến dịch Inherent Resolve diễn ra trong suốt 3 tháng vừa qua. Trong khi đó, tàu USS Roosevelt đã rời cảng San Diego vào đầu tháng 10 và dự kiến cuối cùng sẽ hướng tới khu vực Trung Đông.

Tuy việc triển khai các con tàu trên đã được lên lịch từ trước, nhưng cũng trùng thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị cho chuyến công du kéo dài 12 ngày tới khu vực châu Á vào đầu tháng 11 tới, trong đó bao gồm các điểm dừng chân ở Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam.

"Hải quân Mỹ đang tận dụng sự trùng thời điểm và cơ hội này để thể hiện khả năng sức mạnh của họ tới các bên thù địch" - John Kirby, cựu Đô đốc Hải quân Mỹ, nhận định.

Sự xuất hiện của 3 hàng không mẫu hạm trong cùng một khu vực là điều rất hiếm thấy và giúp cho vị thế của Mỹ được nâng tầm trong chuyến công du của Tổng thống Trump, ông Mount cho hay.

Đại tá Carlos Sardiello, quan chức quân đội chỉ huy của tàu USS Roosevelt, nói rằng hàng không mẫu hạm này có thể được kêu gọi triển khai "để thực hiện hàng loạt các nhiệm vụ có thể nảy sinh, từ hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho tới các chiến dịch tấn công" trong lúc nó đang ở vùng biển Thái Bình Dương.

"Khi một hàng không mẫu hạm rời đi theo lệnh triển khai, chúng tôi cần phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống" - ông Sardiello nói trong một cuộc họp báo của Hải quân Mỹ.

Cả tàu USS Nimitz và USS Roosevelt đều sẽ có các chuyến thăm tới cảng của một số nước trong khu vực; tuyên bố của Hải quân Mỹ cho hay, tuy nhiên không nêu rõ lịch trình cùng các địa điểm cụ thể.

Tập trận phòng thủ tên lửa

Được triển khai cùng với USS Nimitz và USS Roosevelt là 9 tàu khu trục và tàu tuần tiễu được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, vốn được xem như công cụ phòng thủ chủ chốt để chống lại bất kỳ đòn tấn công tên lửa nào của Triều Tiên.

Khi 9 chiến hạm trên di chuyển vào khu vực, các tàu chiến có trang bị hệ thống Aegis khác của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã cùng tham gia vào một cuộc tập trận theo dõi tên lửa tổ chức trên vùng biển ngoài khơi Hàn Quốc và Nhật Bản, theo các tuyên bố từ quân đội Mỹ và Hàn Quốc.

Cuộc tập trận kéo dài 2 ngày này, bắt đầu từ hôm thứ Ba vừa qua, được tổ chức nhằm "chuẩn bị cho cả 3 quốc gia" khả năng phát hiện và theo dõi tên lửa nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân ngày càng gia tăng từ Triều Tiên, một tuyên bố của quân đội Hàn Quốc nêu rõ.

"Các tàu khu trục Aegis của mỗi quốc gia sẽ có khả năng phát hiện và theo dõi, chia sẻ thông tin về một mục tiêu giả định là tên lửa đạn đạo Triều Tiên" - Tuyên bố nêu rõ.

Hạm đội chiến hạm được trang bị hệ thống Aegis của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương kể từ đầu năm đến nay đã chịu một số tổn thất lớn sau khi tàu khu trục tên lửa định hướng USS Fitzgerald và USS John S. McCain bị hư hại nặng vì các vụ va chạm với tàu thương mại trên biển.

Theo giới chuyên gia, có khả năng các chiến hạm như USS Nimitz hay USS Roosevelt sẽ được triển khai trong khu vực để thay thế chỗ trống mà tàu USS Fitzgerald và USS John S. McCain để lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ tăng cường hiện diện hải quân tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO