Na Mèo trong cơn lũ dữ

Trịnh Minh 06/08/2020 09:10

Sau 3 ngày bị lũ cô lập hoàn toàn với bên ngoài, nhu yếu phẩm tích trữ của hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu thuộc hai xã Trung Tiến, Na Mèo, huyện vùng biên Quan Sơn (Thanh Hoá) đang dần cạn kiệt. Khó khăn không sao kể xiết.

Trưa 5/8, sau khi vượt sông Luồng bằng bè mảng, chúng tôi có mặt tại 3 bản Sa Ná, bản Son và bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện vùng biên Quan Sơn. Đây là 3 bản bị cô lập hoàn toàn trong 3 ngày nay vì đập tạm ở bản Bo Hiềng bị nước sông Luồng nhấn chìm, cắt đứt tuyến đường giao thông với bên ngoài.

Gian nan đường vào bản Sa Ná.Ảnh: Trịnh Minh
Gian nan đường vào bản Sa Ná. Ảnh: Trịnh Minh.

Thiếu thốn trăm bề

Bản gần nhất với đập tạm Bo Hiền là Sa Ná, nơi được mệnh danh là “rốn lũ” của huyện Quan Sơn, đã từng xảy ra thảm hoạ lũ quét khiến hàng chục người chết đúng vừa tròn 1 năm trời. Dường như, thiên tai chưa chịu buông tha đối với vùng đất khổ nạn này!

Sau 3 ngày bị cô lập, cuộc sống của người dân Sa Ná gần như bị đảo lộn hoàn toàn. Con đường huyết mạch duy nhất để ra bên ngoài bị cắt đứt khiến hàng trăm hộ dân nơi đây “bất động”.

Ông Lương Văn Inh, 60 tuổi, người bản Sa Ná cho biết: Sau bão số 2, con đập bị nhấn chìm khiến người dân trở tay không kịp, hiện thiếu thốn trăm bề. Cây cầu tạm nếu không sớm sửa chữa thì dân ở bản sẽ chẳng còn gì mà ăn.

“Giờ trong nhà chỉ còn ít đồ ăn với mì gói, không biết trụ được đến khi nào nữa, mong sao nước rút nhanh để các đơn vị chức năng cùng người dân sửa chữa lại những gì lũ lụt đã cuốn đi”, ông Inh nói.

Bà con cho biết, trong 3 ngày qua, hơn 60 học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia đã bị lỡ những buổi học tại trường cách đó 40 km vì không thể di chuyển, nhiều người ở bản cũng phải hủy lịch trình vì không thể qua cầu. 2 công ty đang xây dựng đường sá ở bản cũng phải dừng hoạt động vì sạt lở và thiếu nguồn cung nguyên liệu từ bên ngoài. Trong bản, hàng chục người già ốm không thể vượt sông để đi khám bệnh khiến tình trạng ngày càng trở nên vô cùng gian nan.

Đơn cử như trường hợp của ông Phạm Văn Tứng bị suy thận. Vài ngày trước ông đái ra máu, tình trạng hết sức nguy kịch, vậy nhưng do không thể qua sông nên hiện tại ông vẫn nằm nhà điều trị bằng thuốc có trong bản.

Đi tiếp thêm 2 km từ Sa Ná vào trong, chúng tôi tới bản Son, bản này hiện cũng bị cô lập với 83 hộ và 342 nhân khẩu. Người dân ở đây cho biết, sau khi mưa lũ ập đến bất chợt, nhiều diện tích hoa màu bị cuốn trôi. Tại lối đi ra đập tạm Bo Hiềng, đất đá bị sạt lở và rửa trôi khiến đường đi nhầy nhụa tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Cũng như bản Sà Ná, người dân bản Son đang rất lo âu về tình hình thiếu lương thực trong những ngày bị cô lập tiếp theo.

Tại nhà ông Vi Văn Lời, 45 tuổi, trú bản Son, chúng tôi được ông kể lại diễn biến việc con dâu ông và 5 thanh niên bất chấp lũ dữ băng qua sông Luồng để kịp đưa đi đẻ tại Bệnh viện đa khoa huyện Quan Sơn.

“Hôm 2/8, khi đập tạm mới bị cuốn trôi thì con dâu tôi đau đẻ quá, mà đường thì bị ngập rồi. Lúc đó tôi cũng tính mãi, đẻ ở nhà thì sợ gây nguy hiểm đến con, mà đi ra bệnh viện thì không có đường. Cuối cùng tôi gọi 4 thanh niên trong bản cùng con trai bất chấp lũ dữ vượt sông để ra bệnh viện, dù lúc đó sợ lắm nhưng không còn lựa chọn nào khác”, ông Lời nói.

Vì dân mà vượt sông

Đi sâu thêm 7 km nữa là bản Ché Lầu với 62 hộ và 285 nhân khẩu. Sau khi bị cô lập, người dân bản này đã gấp rút gom góp lương thực tích trữ trong nhà. Tuy nhiên do là bản xa nhất với trục đường chính nên người dân ở đây đang rất hoang mang khi tình trạng cô lập có thể sẽ kéo dài.

Hiện, người dân ở đây đang rất mong muốn lực lượng chức năng sớm hoàn thành việc sửa chữa các công trình hư hỏng để người dân có thể quay lại với cuộc sống bình thường. Cùng bị cô lập như 3 bản trên còn có bản Lầm, xã Trung Tiến. Ngày 2/8, cây cầu gỗ nối từ QL217 sang bản Lầm bị nước sông Lò cuốn trôi, khiến khu vực này rơi vào tình trạng biệt lập.

Vượt sông tiếp tế cho đồng bào bị cô lập. Ảnh: Trịnh Minh.

Khi đang loay hoay tìm cách để sang bên kia bản thì chúng tôi gặp một nhóm 6 người đang có ý định bơi qua. Hỏi ra thì mới biết có anh Lữ Văn Long, Phó trưởng bản Lầm. Nhóm của anh Long độ tuổi từ 17 đến 30, có nhiệm vụ bơi qua lại 2 bờ sông để tiếp tế nhu yếu phẩm cho dân trong bản. Được anh Long hỗ trợ bơi qua kia bờ, chúng tôi tiếp cận được 40 hộ dân với 183 nhân khẩu của bản.

Theo ông Mạc Văn Cảnh, Trưởng bản Lầm thì tình hình bây giờ tại bản khổ không sao tả xiết. Từ việc lương thực thiếu hụt, thuốc men không có, tình trạng hoa màu bị lũ cuốn, người bệnh không được đưa đi chữa trị.

Trong 3 ngày vừa rồi, rất nhiều người ốm đau đã được các thanh niên hỗ trợ vượt sông để đưa ra Trạm Y tế. Hiện nay do chưa có thuyền bè chuyên chở qua sông nên trong bản phải cử ra nhóm 6 người do anh Long làm tổ trưởng làm nhiệm vụ bơi qua sông để mua đồ dùng thiết yếu về cho dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Na Mèo trong cơn lũ dữ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO