Năm 2022, chiến đấu với Delta lẫn Omicron

THẾ TUẤN 26/12/2021 06:55

7 quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về số ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng và cho rằng, những diễn biến phức tạp của nó có thể được xem là mối đe dọa lớn nhất trong những tháng đầu năm 2022. Điều đó được thể hiện tại thông báo cuộc họp của các bộ trưởng y tế G7 (tại London, Anh) mới đây và đây cũng được coi là cuộc họp quan trọng về diễn biến mới của đại dịch Covid-19 cuối cùng của năm 2021.

Cuộc họp Bộ trưởng Y tế G7 cũng đã nhất trí thúc đẩy các chiến dịch vận động và xét nghiệm thường xuyên cùng với các biện pháp không dùng thuốc khác.

Các chuyên gia y tế tham dự cuộc họp cho rằng, dù chưa có kết luận chính thức về độc lực của biến thể Omicron, nhưng hoàn toàn có thể khẳng định rằng “đây là biến thể nguy hiểm cuối cùng gây bệnh Covid-19 được phát hiện trong năm 2021. Và như vậy, chúng ta sẽ bước vào năm mới 2022 với cuộc chiến đấu với cả Delta lẫn Omicron”.

Omicron có “lấn lướt” Delta hay không?

Vương quốc Anh, nước chủ nhà tổ chức hội nghị các Bộ trưởng Y tế G7, cũng là quốc gia châu Âu đã phát hiện nhiều ca nhiễm mới từ biến thể Omicron. Nghiên cứu mới đây của nhóm các nhà khoa học Trường đại học Imperial College London cho biết, nguy cơ tái nhiễm với biến chủng Omicron cao hơn gấp 5 lần và chủng virus này không có dấu hiệu nhẹ hơn Delta.

“Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng rằng chủng Omicron khác biệt về mức độ nghiêm trọng so với Delta. Tuy nhiên, Omicron có liên quan đến nguy cơ tái nhiễm cao hơn 5,4 lần so với Delta”.

Kết quả nghiên cứu của Imperial College London dựa trên dữ liệu của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh và Dịch vụ Y tế Quốc gia (Anh) về những người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 ở Anh từ ngày 29/11 đến 20/12.

Giáo sư Neil Ferguson - Trưởng nhóm nghiên cứu còn cho rằng, Omicron “có khả năng né” các loại vaccine hiện có, vì thế việc tiêm mũi tăng cường (mũi 3) là cần thiết.

Tuy nhiên giáo sư Ferguson cũng thừa nhận, cho dù số ca nhiễm Omicron tăng mạnh nhưng số người phải nhập viện điều trị cũng như số ca tử vong là ít, nhất là so với các biến thể Anpha, Delta trước đó.

Trong một diễn biến liên quan, nhóm cố vấn của Chính phủ Anh lại cho rằng số ca nhiễm Omircon phải nhập viện ở quốc gia này có thể gấp 10 lần báo cáo do dữ liệu ở các bệnh viện cập nhật rất chậm. Theo dữ liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Omicron đã lây lan tới 89 quốc gia trên thế giới, tính đến ngày 24/12/2021.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của WHO cũng cho biết, số ca nhiễm Omicron tăng gấp đôi chỉ trong vòng 3 ngày tại những nơi dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, nhưng với những diễn biến hiện có thì rất có thể chỉ trong 3 tuần nó sẽ đạt đỉnh rồi đi xuống, chứ không kéo dài như biến thể Delta.

Cũng cần nhắc lại, biến thể Delta chính là chủng virus khủng khiếp nhất gây bệnh Covid-19 trong năm 2021. Vào khoảng tháng 3, Delta được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ. Nó bùng phát nhanh, càn quét dữ dội trong suốt 2 tháng 5 và 6 mới đạt đỉnh dịch. Tuy nhiên, sau đó, mức độ giảm độc lực cũng cũng như sự lây lan rất chậm.

Sau Ấn Độ, nhiều nước Nam Á phải vật lộn với Delta, gay go nhất là trong 2 tháng 8 và 9, với số ca tử vong ở mức đáng sợ. Cho tới trung tuần tháng 10, Delta chuyển hướng tấn công châu Âu, khiến hàng loạt quốc gia phải áp dụng những biện pháp phòng vệ nghiêm ngặt. Mùa Giáng sinh cũng như đón năm mới năm nay được coi là “những ngày ảm đạm chưa từng có” ở nhiều quốc gia châu Âu.

Còn tại Mỹ, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước này là tiến sĩ Anthony Fauci cho biết, chủng Omicron lây lan với tốc độ chưa từng thấy.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, Omicron có khả năng lây lan một cách phi thường. Vì thế, việc tiêm vaccine và tiêm nhắc lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trong khi đó, thật đáng ngại khi có tới 27% người Mỹ chưa tiêm bất kỳ liều vaccine nào” - ông Fauci nói và cho biết thêm 50% trong số các ca mắc Covid-19 mới (ở Mỹ) được giải trình tự gene là chủng Omicron.

Trong bài phát biểu hôm 21/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cảnh báo về tốc độ lây lan của Omicron, đồng thời tiếp tục kêu gọi người Mỹ chưa được tiêm chủng hãy mau chóng đi tiêm.

Dấu hiệu “sáng lên” ở châu Phi

Trong khi châu Âu, Bắc Mỹ hết sức lo ngại về biến thể Omicron, thì cũng thật ngạc nhiên là tình hình ở châu Phi có vẻ như đang “sáng lên”. Đó thật sự là một bất ngờ khi mà châu lục này chính là nơi phát hiện biến thể Omicron đầu tiên, vào ngày 11/11/2021, tại Botswana.

Ngày 24/11, Nam Phi chính thức công bố về biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Chỉ 2 ngày sau, ngày 26/11, WHO triệu tập cuộc họp khẩn cấp đánh giá bước đầu về biến thể này và đặt tên cho nó là Omicron. Tuy nhiên, trong lúc Omi-cron “tung hoành” ở nhiều khu vực trên thế giới, thì cho đến nay nó đang có dấu hiệu hạ nhiệt ở châu Phi.

Tờ Telegraph dẫn lời ông Louis Rossouw thuộc Nhóm ứng phó Covid-19 (ARG) ở Nam Phi, cho hay mặc dù số ca mắc mới hàng ngày đã vượt qua kỷ lục của các đợt bùng phát trước đó, song tình hình lây nhiễm tại một số khu vực đang bắt đầu tạm lắng.

Các nhà thống kê ở Nam Phi cũng lưu ý rằng tỷ lệ tử vong do Covid-19, tức phần trăm người tử vong sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, đã giảm đáng kể từ khi biến thể Omicron xuất hiện.

Với biến thể Delta, gần 3% bệnh nhân, hay 1/33, đã thiệt mạng. Nhưng giờ đây, con số này giảm còn 0,5%, hay 1/200, và là mức thấp chưa từng thấy từ đầu đại dịch đến nay tại Nam Phi, giảm 10 lần so với tháng 9 năm ngoái.

Không quá lạc quan, ông Peter Streicher - một nghiên cứu viên tại Đại học Johannesburg (Nam Phi) chỉ ra rằng độ trễ về tỷ lệ lây nhiễm dẫn đến tử vong do Omicron cần có thêm thời gian để đi đến kết luận là nó đang giảm cường độ.

Tuy thế, ông Streicher cũng cho rằng thực tế cho thấy Omicron chỉ gây triệu chứng nhẹ nên “không cần phải quá lo sợ”. Một số bác sĩ và nhà nghiên cứu cũng lập luận rằng Omicron có thể gây bệnh nhẹ hơn ngay cả khi nó dễ lây nhiễm hơn. Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi phát hiện ra rằng rất ít bệnh nhân nhiễm Omicron nhập viện cần được thở oxy hoặc chăm sóc đặc biệt.

Theo chuyên gia dịch tễ Harry Moultrie (Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm ở Nam Phi) thì điều này có thể lý giải bằng cách do kháng thể từ việc từng bị nhiễm hoặc tiêm chủng trước đó giúp bảo vệ người nhiễm khỏi nguy cơ chuyển nặng, ngay cả khi không thể chặn được sự lây nhiễm của biến thể Omicron.

Tương tự, giáo sư Matthew Snape (Đại học Oxford, Anh) khi thông báo về dữ liệu Covid-19 ở Nam Phi cũng cho rằng vaccine và kháng thể từ lần mắc trước đó đang có tác dụng bảo vệ chống lại Omicron.

“Ở những khu vực mà Omicron đã lưu hành lâu hơn một chút, chẳng hạn như ở Nam Phi, họ không thấy sự gia tăng ca bệnh nặng, có thể vì họ vẫn còn đủ kháng thể để phản ứng miễn dịch chéo”- ông Snape nói.

Paul Burton, Giám đốc Y tế Hãng dược Moderna cảnh báo một siêu biến thể có thể được tạo ra nếu Omicron và Delta lây nhiễm cùng lúc cho một người. Thông thường, một người mắc Covid-19 sẽ chỉ nhiễm một biến thể. Nhưng trong một số trường hợp hiếm gặp, 2 chủng virus có thể cùng lúc tấn công. Nếu các biến chủng lây nhiễm vào cùng một tế bào, chúng có thể hoán đổi DNA và tạo thành một phiên bản SARS-CoV-2 mới. Quá trình này được gọi là “tái tổ hợp”. Tính tới hiện tại, mới chỉ có 3 chủng Covid-19 được tạo ra bởi virus hoán đổi gene đã được ghi nhận. Thay vào đó, virus chủ yếu dựa vào các đột biến ngẫu nhiên để tạo ra nhiều biến thể hơn. Trong 2 tháng biến chủng Delta lưu hành song song với chủng Alpha, đã không có biến thể mới nào được hình thành.

Trong khi đó, bà Jenny Harries, Giám đốc của Cơ quan An ninh Y tế Anh gọi Omi-cron là “mối đe dọa đáng kể” và nó sẽ sớm trở thành biến chủng “thống trị” ở Anh ngay khi năm mới 2022 bắt đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm 2022, chiến đấu với Delta lẫn Omicron

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO